Theo Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2009-2015, thành phố sẽ huy động các nguồn lực thực hiện đề án hỗ trợ nhà ở cho 158.000 hộ nghèo tại địa phương. Đây là đề án nhằm mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng nhà ở dột nát, ngập úng tạm bợ, nhà trên kênh rạch của các hộ nghèo trên địa bàn thành phố. Giải pháp thực hiện theo hai hướng: Nhà nước vận động các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho các hộ nghèo, gặp khó khăn về nhà ở; Nhà nước hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình nghèo vay vốn để tự sửa chữa xây dựng, cải thiện nhà ở… Đối tượng được thụ hưởng đề án này là các hộ dân đáp ứng 3 tiêu chí: không thuộc các đối tượng đã được Nhà nước hỗ trợ chính sách về nhà ở; là hộ nghèo có mức thu nhập dưới chuẩn nghèo của là 12 triệu đồng/người/năm, đang thường trú và có trong danh sách hộ nghèo tại địa phương; hộ chưa có nhà ở hoặc có nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở. * Đắk Nông đã hỗ trợ cho bà con dân tộc thiểu số làm mới và sửa chữa 5.259 ngôi nhà, với tổng kinh phí 38 tỷ 950 triệu đồng. Trong đó, tỉnh giúp bà con xây dựng mới 2.531 ngôi nhà và sửa chữa 2.728 ngôi nhà tranh lá tạm. Đối với nhà làm mới, tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng, huyện- thị xã hỗ trợ 3 triệu đồng/căn, bà con đóng góp ngày công lao động. Nhà xây dựng mới có diện tích sử dụng khỏang 32m2, vách bằng gỗ, nền láng xi măng, lợp mái tôn; chất lượng nhà bảo đảm, phù hợp với phong tục của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Còn nhà sửa chữa, nhà nước hỗ trợ cho bà con 5 triệu đồng/căn bằng vật tư, bà con nhận vật tư về và tự sửa chữa, thay mái tranh bằng tôn, vách bằng gỗ do nhà nước hỗ trợ, nền bằng xi măng .Chương trình này đã giúp bà con dân tộc nghèo cơ bản xóa nhà tranh, lá và tạm bợ, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con, phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm an ninh trên địa bàn. * Năm nay, Bình Định còn 41.424 hộ nghèo (chiếm trên 11%), trong đó có 3.078 hộ nghèo đang sinh sống ở các ngôi nhà tạm bợ, riêng đồng bào dân tộc miền núi có 1.438 hộ. Giúp hộ nghèo có nhà ở khang trang kiên cố, tỉnh huy động các nguồn lực để hoàn thành việc xoá nhà tạm vào năm 2012. Tuy nhiên, Bình Định cần khắc phục tình trạng một bộ phận người dân còn trông chờ và ỷ lại Nhà nước, nhu cầu tách hộ tăng, việc bố trí đất thổ cư xây dựng nhà ở cho hộ nghèo còn chậm, nguồn lực huy động từ người dân chưa nhiều. Tỉnh tích cực vận động nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ phong trào hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, phát huy tinh thần tự lực vươn lên của các hộ, xoá bỏ mặc cảm tự ti, trông chờ vào Nhà nước. Chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa về qui hoạch đất đai xây dựng nhà cho hộ nghèo, tiến đến xây dựng nhà ở cho cán bộ nhân viên và người có thu nhập thấp, nhà ở cho sinh viên, công nhân các khu công nghiệp. Từ nay đến năm 2012 , tỉnh Bình Định phấn đấu huy động các nguồn lực với tổng số tiền 105,621 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thêm 3.085 hộ nghèo. Riêng năm 2009, Bình Định hoàn thành việc xây dựng nhà kiên cố cho 1.204 hộ nghèo tại 3 huyện miền núi Vân Canh, An Lão và Vĩnh Thạnh, kinh phí trên 65 tỷ đồng. * Hướng tới kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7, Thanh Hoá đã quyết định cấp hỗ trợ kinh phí 1 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình nhà bia, đài tưởng niệm liệt sỹ ở các xã trong tỉnh. Theo đó, đợt này có 4 xã là xã Tế Nông (Nông Cống), xã Bát Mọt (Thường Xuân), xã Nga Mỹ (Nga Sơn) và xã Thọ Trường (Thọ Xuân) được hỗ trợ kinh phí để xây dựng, nâng cấp, cải tạo nhà bia tưởng niệm liệt sỹ. Tỉnh cũng cấp kinh phí để làm bàn đá nguyên khối đặt lễ vật trước tượng đài-nghĩa trang liệt sỹ Hàm Rồng. Ngoài ra đợt này tỉnh cũng cấp 625 triệu đồng để hỗ trợ kinh phí cải thiện nhà ở cho 23 người hoạt động cách mạng từ trước cách mạng tháng 8 năm 1945 (cán bộ tiền khởi nghĩa) với các mức hỗ trợ từ 25 triệu đồng và 50 triệu đồng/người. * Trong hoàn cảnh phải đối mặt với những thách thức, khoảng 70% cựu chiến binh (CCB) ở Phú Yên đã và đang vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Tổ chức Hội các cấp đóng vai trò hạt nhân, tập hợp hội viên, tạo thành những tập thể cùng giúp đỡ nhau. Thực hiện chương trình liên tịch với Ngân hàng chính sách xã hội, các cấp Hội đã bảo lãnh cho hội viên vay vốn làm ăn với số dư hơn 81 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 9.766 lao động, trong đó gần 30% là con em cựu chiến binh, cựu quân nhân. Hiện nay, các thành viên trong Hội đang quản lý 154 ha hồ nuôi tôm và cá nước ngọt, nước mặn, 968 lồng nuôi tôm hùm, 5485 ha đất trồng cây lâm nghiệp, 4510 ha đất trồng cà phê, cao su, mía, tiêu… Các cựu chiến binh còn thành lập 83 trang trại, 11 tổ hợp tác sản xuất và 8 doanh nghiệp tư nhân; tự nguyện ủng hộ tiền, ngày công lao động giúp đỡ những thành viên khó khăn, đóng góp 6,22 tỷ đồng xoá 614 nhà ở tạm. Đến nay, hầu hết gia đình cựu chiến binh Phú Yên đều xây dựng được nhà kiên cố, mua sắm phương tiện phục vụ sinh hoạt. Hội CCB Phú Yên xác định mục tiêu đến năm 2012 giúp đỡ 392 hộ hội viên thoát nghèo, xoá nhà ở tạm cho 139 hộ còn lại. |