Khai mạc Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam 2009





Ngày 18/4, “Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam” với chủ đề “Diên Hồng văn hoá- hệ giá trị Việt Nam- hội tụ- kết tinh và tương lai” đã tưng bừng khai mạc tại Làng văn hoá các Dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây).



Tham dự có ông Hoàng Tuấn Anh-Bộ Trưởng Bộ VH,TT&DL, bà Ngô Thị Thanh Hằng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cùng gần 1000 nghệ sỹ, diễn viên của 29 tỉnh, thành phố trong cả nước và hàng vạn người dân trong vùng.


Đa dạng sắc màu văn hoá các dân tộc





Tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đã khẳng định: “Đây là một sự kiện chính trị, văn hoá nhiều ý nghĩa, tái hiện bức tranh sinh động của văn hoá Việt Nam, hướng tới Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội”.



Không có sân khấu hoành tráng như nhiều lễ hội, BTC đã tận dụng địa hình đồi, ruộng bậc thang, cọn nước, máng nước để dựng sân khấu mở, hình chữ S. Kịch bản của lễ hội được phân cảnh, sắp đặt các dân tộc theo địa lý hình chữ S. Không gian văn hoá được dựng lên khái quát đặc trưng vùng, miền rõ rệt: Vùng núi phía Bắc; Hà Nội-trung du- ĐB Bắc Trung bộ; Trường Sơn- Tây Nguyên; Huế-miền Trung và duyên hải; TP HCM- ĐB Sông Cửu Long- mũi Cà Mau…Cờ Tổ quốc thiêng liêng, lá cờ hội đa sắc lập kỷ lục Việt Nam với diện tích 18m2 được đặt trên đỉnh đồi của Khu sân khấu trung tâm. Theo cảm nhận của du khách, không gian Ngày hội như một bảo tàng sống hội tụ đủ “sản phẩm” văn hoá của các vùng miền.



Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã tham dự lễ khai mạc
và đi thăm các gian hàng triển lãm các sản vật của các dân tộc.


Lào Cai, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, nơi có đỉnh Hoàng Liên Sơn cao nhất Đông Dương đã mang về ngày hội nét đặc sắc của văn hoá Mông, văn hoá Dao, Phù Lá. Đoàn Hoà Binh với văn hoá cồng chiêng, rượu cần, văn hoá nhà sàn kết tinh từ vùng đất sử thi “đẻ đất đẻ nước”, đã quảng bá cho vùng du lịch cửa ngõ Thủ đô, cửa ngõ Tây Bắc đang toả sáng trong thời kỳ đổi mới, hội nhập thông qua các tiết mục ca múa nhạc, các trò chơi dân gian . Thừa Thiên Huế- “khúc ruột miền Trung”, nơi cư  dân đồng bào dân tộc Kơtu, Tà ôi, Pa Cô, Vân Kiều sinh sống tặng khán giả Thủ đô các tiết mục hát múa dân ca, hò ru với phong cách biểu diễn mộc mạc, giản dị, tôn thêm vẻ đẹp vùng sông Hương, núi Ngự. Từ Tây Nguyên nguồn cội, Đoàn nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắc, Kon Tum đã tái hiện văn hoá cồng chiêng, múa soang. Điệu hò mượt mà, sâu lắng của các nghệ sỹ, diễn viên đến từ Thành phố mang tên Bác, Sóc Trăng, Đồng Nai…như lời gọi, lời mời du khách bốn phương hãy về với miền sông nước  Nam Bộ. Chủ nhà Hà Nội “thết đãi” bạn bè những “món ăn” lạ mà quen mang hào khí Đông Đô, mang duyên sắc xứ Đoài như: Hà Nội 36 phố phường, lới lơ xuống phố, biểu diễn thái cực quyền, trưng bày các sản vật đặc trưng…




Chị Mabio, dân tộc Chơ Ru, xã Lạc Xuân, Đơn Dương (Lâm Đồng)  tâm sự: “Lần đầu tiên tôi được tham gia ngày hội lớn như vậy, đông, vui quá. Giao lưu văn hoá với các dân tộc bạn, giúp tôi học hỏi thêm được nhiều điều bổ ích.  Thì ra, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc gìn giữ bản sắc văn hoá các dân tộc, sau ngày hội này tôi sẽ về vận động bà con gữ lấy tiếng kèn bầu đặc trưng của dân tộc mình”.




Gìn giữ và kế thừa các tinh hoa văn hóa dân tộc




Cũng trong  ngày 18/4,  “Hội nghị nhân sỹ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân và các nhà khoa học đã diễn ra tại Làng văn hoá”. 80 già làng, nghệ nhân, nhân sỹ, trí thức và các nhà khoa học đã cùng bàn thảo để Ngày văn hoá các Dân tộc Việt Nam (19/4) hằng năm được tổ chức trên tinh thần các dân tộc tự tôn vinh bản sắc văn hoá của mình, các cơ quan quản lý chỉ là cầu nối ; đồng thời bàn giải pháp bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá.






Đại biểu của Hội đồng Dân tộc cho rằng: Để bảo tồn văn hoá các dân tộc Việt Nam, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động từ cơ sở giúp mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng nhận thức đầy đủ hơn về hệ giá trị văn hoá, từ đó đóng góp tài năng, trí tuệ cho việc bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hoá truyền thống. Nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá Hoàng Đức Hiển nhấn mạnh: Hiện nay, công tác xã hội hoá về mặt văn hoá chưa được đẩy mạnh, trong điều kiện kinh tế phát triển như hiện nay, chúng ta cần có các biện pháp khuyến khích người doanh nghiệp, người dân tham gia vào công tác này. Lấy ví dụ cụ thể từ việc phát huy tinh thần dân chủ, đoàn kết làm nên sức mạnh của đồng bào dân tộc Sán Dìu ở xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), anh Ấn Ngọc Lượng, Bí thư Đảng uỷ xã đề xuất: Cách tốt nhất để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc là cán bộ phải gần dân, có trách nhiệm với dân, đồng thời tạo điều kiện để người dân mở mang dân trí…




Hai tham luận của nhân sỹ Thủ đô được các đại biểu đánh giá cao do có sự phân tích tỉ mỉ, khoa học về những mâu thuẫn xã hội khiến giá trị văn hoá truyền thống phai nhạt dần. Nhà nghiên cứu văn hoá Giang Quân cho rằng: “Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi tầng lớp nhân nhân chính là biện pháp hữu hiệu để gìn giữ các giá trị văn hoá theo hướng bền vững. Mặc dù vậy, theo ông “con người văn hoá” mới là yếu tố gốc của văn hoá, vì thế Nhà nước nên xây dựng chiến lược đào tạo “con người văn hoá”…





Thay mặt BTC, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: Việc tổ chức “Ngày văn hóa các dân tộc” năm nay không chỉ có ý nghĩa chính trị quan trọng, mà còn là bước tập dượt cho đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội và lễ hội văn hoá những năm sau. Hội nghị nhân sỹ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân, các nhà  khoa học đã cho thấy: rất nhiều vốn văn hóa cổ của các dân tộc cần được bảo tồn. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra nhữnh hạn chế trong khâu tổ chức Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam năm nay và yêu cầu các ngành chức năng cần có sự phối hợp tốt hơn nữa trong những năm tiếp theo.







Ngày 19/4/2009, “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” sẽ diễn ra các hoạt động như: Trình diễn giao lưu văn hoá nghệ thuật và trang phục truyền thống tại sân khấu Trục trung tâm; Biểu diễn Xiếc tại Quảng trường Tây Nguyên, do Trường Trung học Xiếc Việt Nam thực hiện; Trình diễn giao lưu văn hoá nghệ thuật và trang phục truyền thống tại sân khấu Trục trung tâm; Chương trình Xiếc người, xiếc thú tại Quảng trường Tây Nguyên do Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện.


 


20h00-21h30, sẽ diễn ra Lễ công bố Quyết định 1668QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam” tại sân khấu chính Trục trung tâm. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.


 

Một số hình ảnh trong Lễ khai mạc “Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam” sáng 18/4:

 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *