Trang chủ » Khi có mưa to, các địa bàn liên quan tới sông Nhuệ sẽ úng ngập

Khi có mưa to, các địa bàn liên quan tới sông Nhuệ sẽ úng ngập

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments












KTĐT – Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, hiện hệ thống thoát nước của thành phố được chia thành 3 lưu vực (chưa kể địa bàn Hà Tây cũ). Đó là lưu vực sông Tô Lịch bao gồm chủ yếu 4 quận nội thành cũ; lưu vực bờ tả sông Nhuệ bao gồm các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, huyện Từ Liêm và một phần quận Thanh Xuân; Lưu vực sông Cầu Bây chủ yếu là địa bàn quận Long Biên.

Vừa qua, sông Tô Lịch đã được đầu tư, cải tạo phục vụ thoát nước đô thị nên khả năng tiêu thoát nước tốt. Còn lại hai lưu vực sông Nhuệ và sông Cầu Bây hệ thống thoát nước chủ yếu nhờ vào hệ thống cấp thoát nước nông nghiệp. Tại 2 lưu vực sông này, hệ thống thoát nước đô thị hầu như chưa có, hệ thống cấp, thoát nước nông nghiệp thì sơ sài và thiếu sự quan tâm, nên mỗi khi có mưa to, tình trạng úng ngập sẽ khó tránh khỏi.

Những con mương bị bỏ quên

Mương Triều Khúc trước đây vốn là mương nông nghiệp ở vùng ven nội. Cùng với quá trình đô thị hóa, nhà cửa đã mọc lên san sát, tuyến mương ngày càng bị thu hẹp dòng chảy và bị lấn chiếm vô tội vạ. Trong vai trò thoát nước, con mương này lại có nhiệm vụ rất quan trọng, có thể tiêu thoát nước cho cả một khu vực rộng lớn thuộc địa bàn quận Thanh Xuân, Hoàng Mai và Thanh Trì. Đó là khu vực từ nhà máy ô tô Hòa Bình đến tận sông Nhuệ thoát qua trạm bơm Cầu Bươu nằm trên trục đường 70 giáp ranh giữa Hà Nội cũ và Hà Đông. Theo quan sát của chúng tôi, với tình trạng hai bên bờ mương thì bị lấn chiếm, lòng mương thì đầy cỏ, rác không hiểu mùa mưa này mỗi khi có mưa lớn thìnước khôngthể thoát đi đâu và úng ngập là điều cầm chắc.

Rời tuyến mương Triều Khúc, chúng tôi đến tuyến mương chạy qua địa bàn xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm. Tuyến mương này dài trên 4,1 km, rộng trung bình từ 3 – 10 m, điểm đầu là đường Xuân La, điểm cuối là sông Nhuệ và các mương nhánh đổ vào tại các xã Xuân Đỉnh, Đông Ngạc, được kết nối với trạm bơm Xuân Đỉnh. Tuyến mương này cũng là mương tiêu nông nghiệp trước đây, nay do đô thị hóa đã không còn phát huy tác dụngmặc dù các trạm bơm đi kèm ở tuyến mương này đều có thể phục vụ tốt cho công tác thoát nước đô thị tương tự như trạm bơm nông nghiệp Đồng Bông 1 hiện nay. 

Không thể chủ động thoát nước cho khu vực


Ông Nguyễn Lê, Tổng giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội cho biết, hiện lưu vực bờ tả sông Nhuệ từ cống Liên Mạc đến đập Thanh Liệt là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao nhất thành phố, nhiều khu đô thị hiện đại đã và đang được xây dựng. Tuy nhiên, hiện các trục thoát nước chính và các công trình đầu mối tiêu thoát nước mưa hoàn toàn chưa được đầu tư xây dựng, cải tạo. Điển hình là trận lụt lịch sử năm ngoái, khu vực này là khu vực bị úng ngập nặng và lâu nhất. Hiện nay, việc tiêu thoát nước ở khu vực này chủ yếu bằng tự chảy và một phần quan trọng thông qua các trạm bơm tưới tiêu thủy lợi vào sông Nhuệ. Trong khi mực nước sông Nhuệ thường cao ngay cả khi không mưa. Vì vậy, khi có mưa lớn nhiều đoạn nước tràn bờ ở phía thượng lưu chảy ngược lại các vùng ven đô trũng.



Theo thống kê sơ bộ của Công ty Thoát nước, ở lưu vực này, có 5 trạm bơm tiêu chính là trạm bơm Đồng Bông 1, 2, Xuân Đỉnh, Cầu Bươu và Thanh Bình. Các trạm bơm này đều có công suất nhỏ và xuống cấp. Trừ trạm Đồng Bông 1, còn lại đều đặt dưới sự quản lý của Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội, có nhiệm vụ chính là phục vụ cho nông nghiệp. Do vậy, Công ty Thoát nước không thể chủ động lên kế hoạch nhiệm vụ thoát nước cho khu vực này.



Ngoài ra, các trục tiêu thoát nước chính của lưu vực cũng do Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội quản lý như kênh tiêu Hà Nội, mương Đồng Bông 2, Triều Khúc, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, Xuân La, Nhật Tân, Phú Thượng… đều trong tình trạng bồi lắng, lấn chiếm thu hẹp dòng chảy nên khả năng tham gia thoát nước rất hạn chế. Trong lưu vực này, hệ thống cống rãnh chủ yếu chỉ bao phủ trên các trục chính và trong các khu đô thị, có mật độ thấp nhất so với lưu vực sông Tô Lịch và sông Cầu Bây, chỉ có 41m/ha, chiếm khoảng 29%. Ở đây cũng có nhiều ao hồ nhưng chưa được khai thác với chức năng điều hòa dòng chảy, nên khi có mưa, đây là khu vực có khả năng xảy ra úng ngập cục bộ rất lớn. Giải pháp trước mắt là cần phải tận dụng hệ thống mương và trạm bơm nông nghiệp vào phục vụ thoát nước.


 


 



Trần Quý

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.