Di chuyển các cơ sở sản xuất nằm trong làng nghề ra các cụm, điểm công nghiệp lân cận là chủ trương đúng đắn của thành phố. Tuy nhiên, quá trình triển khai di dời hiện nay đang rất chậm do những vướng mắc trong công tác GpMB.
Làng nào cũng ô nhiễm Hiện nay, Hà Nội có tới 1.270 làng có nghề chiếm gần 56% tổng số làng, trong đó đã công nhận theo tiêu chí được 255 làng nghề. Đáng chú ý, số lượng làng nghề lại tỷ lệ nghịch với chất lượng môi trường ở các làng này. Khảo sát của các cơ quan môi trường cho biết, 100% mẫu nước thải ở các làng nghề được khảo sát có thông số vượt tiêu chuẩn cho phép. Nước mặt, nước ngầm, môi trường không khí đều có dấu hiệu ô nhiễm ở các mức độ khác nhau. Theo GS-TS Đặng Kim Chi – Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (ĐH Bách Khoa Hà Nội), tùy theo mặt hàng sản xuất, mỗi loại làng nghề lại có những ảnh hưởng ô nhiễm khác nhau tới môi trường. Làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm, dệt nhuộm ô nhiễm nước thải nặng nề do chứa nhiều hóa chất, chất thải trong khi làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng, thủ công mỹ nghệ do sử dụng nhiều than, củi, dung môi hữu cơ… nên ô nhiễm không khí, nước nhiễm kim loại nặng… Ô nhiễm nặng nhất là các làng nghề tái chế chất thải như nhựa, giấy, kim loại. Môi trường không khí, nước, đất đều bị ô nhiễm nghiêm trọng với các chỉ số vượt mức cho phép từ 10-12 lần! Để giảm dần ô nhiễm môi trường làng nghề, phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, từ nay đến năm 2015, Hà Nội sẽ tiếp tục tiến hành xử lý rác thải, chất thải lỏng, chất thải rắn, chất thải khí và cung cấp nước sạch cho khoảng 30 làng nghề với tổng kinh phí khoảng 450 tỷ đồng. Cùng với đó, Sở Công Thương cũng đang hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ cho các cơ sở trong làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để di chuyển vào các cụm, điểm công nghiệp tập trung, hạn chế những tác động tiêu cực tới đời sống tại các khu dân cư. Có tiền cũng chịu Chủ trương di dời đã rõ. Quỹ đất ở các làng vẫn còn. Nhiều dự án đầu tư xây dựng cụm, điểm công nghiệp đã được triển khai. Song, điều đáng buồn là kể từ 1-10-2009, sau khi chính sách mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại Hà Nội có hiệu lực, các dự án dạng này đều bị tắc do người dân chưa “thông” chính sách trong khi chính quyền lại thờ ơ, không vào cuộc để hỗ trợ nhà đầu tư. Người dân ở một số huyện phía Tây Hà Nội thắc mắc, các phương án bồi thường đã duyệt trước 1-10-2009 chỉ được 75 triệu đồng/sào, cộng thêm 80m2 đất ở nếu bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp. Song nay, cũng diện tích đất tại khu vực đó lại được bồi thường tới 200 triệu đồng/sào. Một số chủ đầu tư điểm công nghiệp làng nghề ở Đan phượng, Chương Mỹ, phúc Thọ… ca thán: “Tiền để chi trả bồi thường chúng tôi đã gửi vào Kho bạc Nhà nước hơn nửa năm nay nhưng GpMB vẫn ách tắc và khu đất cứ “đắp chiếu” để đó. Tiền lãi ngân hàng chúng tôi phải chịu. Làng nghề vẫn ô nhiễm bởi cơ sở sản xuất chưa chuyển được. Đất ruộng cũng không cày cấy được nữa vì đã nằm trong dự án. Đúng là thiệt đơn, thiệt kép…” trả lời thắc mắc người dân, ông Nguyễn Đức Biền, trưởng ban Chỉ đạo GpMB Tp Hà Nội cho biết, sở dĩ, có sự thay đổi là do từ 1-10-2009, quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định tại Hà Nội có hiệu lực. Tuy thế, ông Nguyễn Đức Biền nhấn mạnh, theo chính sách mới, nếu người dân nhận tiền hỗ trợ thì sẽ không được nhận đất. Ngoài ra, đối với những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước khi quy định mới của Hà Nội có hiệu lực (ngày 1-10-2009) thì phải thực hiện theo phương án đã phê duyệt, không có chuyện áp dụng hoặc điều chỉnh theo quy định mới. Ông Nguyễn Đức Biền nói: “trách nhiệm của địa phương là phải vào cuộc, hỗ trợ các chủ đầu tư dự án di dời. Nếu phương án bồi thường đã thỏa đáng, hết khuôn khổ pháp luật cho phép mà một số hộ dân vẫn không đồng thuận, hoàn toàn có thể dùng biện pháp cưỡng chế hành chính, tránh để dự án ách tắc, gây lãng phí…”. Đã hơn 6 tháng trôi qua kể từ khi chính sách mới về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất tại địa bàn Hà Nội có hiệu lực, thế nhưng, công tác bồi thường GpMB, tạo mặt bằng sạch cho các dự án di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong làng nghề vẫn dậm chân tại chỗ. Một số nhà đầu tư đề xuất: “Không rõ, chúng tôi còn phải chờ tới bao giờ? Nếu người dân muốn được bồi thường bằng đất nông nghiệp thay vì nhận tiền, chúng tôi cũng có thể lo được nhưng quan trọng là chính quyền phải vào cuộc chứ để nhà đầu tư tự loay hoay thì dự án còn trì trệ…”. |
Khó xóa cơ sở sản xuất ô nhiễm trong làng nghề
41