21h. Con đường Lý Chính Thắng nối Q.3, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) là tuyến phố mua sắm đông đúc, giờ đây như một đại công trình bởi các “lô cốt” dựng lên. Tôi ngao ngán lách xe qua những khe nhỏ còn chừa lại trên đường để mong nhanh về được tới nhà… Chịu áp lực từ nhiều phía Chợt tôi dừng xe lại. Đây là đoạn “lô cốt” với những công nhân của liên doanh DRECO-CIENCO5 đang hối hả làm việc. Tôi lân la làm quen với anh kỹ sư trẻ đang giám sát công trình nhưng thật khó bởi sau khi biết tôi là nhà báo anh rất dè dặt. Anh buông giọng: “Chị còn muốn tìm hiểu gì nữa khi các báo đài đã đưa rất nhiều thông tin về “lô cốt”? Nói thật, từ lãnh đạo tới anh em công nhân, chỉ muốn công trình được thi công thật nhanh. Nhưng có nhiều vấn đề tác động làm cho công việc bị chậm tiến độ. Đấy chị nhìn xem, ai cũng như “vắt chân lên cổ” để làm”. Quả đúng vậy, lúc này mà “túm” được một người để hỏi chuyện thật khó vì mỗi người một việc, miệt mài và khẩn trương.
Nhưng sau khi biết tôi là nhà báo đang công tác tại báo Xây dựng, anh em kỹ sư và công nhân niềm nở hơn, bớt dần đi những “lạnh nhạt” ban đầu. Anh Phan Văn Thủy, kỹ sư giám sát công bộc bạch: “Đây là một trong những công trình khó. Khó không phải vì kỹ thuật mà khó từ những nguyên nhân khách quan, áp lực từ nhiều phía như dư luận, chủ quản của những công trình ngầm nơi có dự án… Anh em công nhân đa phần từ ngoài Bắc vào, họ chỉ biết công việc, họ muốn mỗi công trình suôn sẻ và nhanh chóng để tiếp tục đến với công trình khác. Nơi ăn chốn nghỉ của anh em Cty thu xếp ở gần công trình có cấp dưỡng. Anh em thay ca nhau làm việc, 8 giờ/ca”.
Những mong muốn bình dị 22h. Anh em công nhân lác đác nghỉ giải lao. Họ ngồi bệt bên vỉa hè đầy đất đá. Vừa cầm bình nước lên tu một hơi ngon lành, một công nhân ra dáng thư sinh bị tôi “chộp” lấy. Lê Thế Vinh vừa tròn 19 tuổi, quê Nam Định tâm sự: “Em vào Nam làm nghề này đã được một năm rồi. Bố mẹ không cho em đi vì gia đình có mình em là con trai. Nhưng em quyết đi, mình còn trẻ còn có sức mà, đi làm để giúp đỡ gia đình. Em dự định sẽ tích cóp lấy ít tiền để năm tới sẽ đi thi đại học. Ngoài giờ làm em vẫn tranh thủ ôn lại kiến thức để chờ tới ngày được đi thi”. Nói xong mấy câu, Vinh đứng đậy vội vàng xách 2 xô nhựa đường, cần mẫn tưới lên mặt đường sắp trải nhựa. Vinh còn kịp cho tôi biết, ca của em làm từ 21 giờ hôm trước tới 5 giờ sáng hôm sau nhưng em còn làm thêm mấy giờ nữa để tăng thêm thu nhập. 23h30. Tiếng xe cuốc tắt lịm. Tài xế Nguyễn Công Văn có vẻ hơi căng thẳng bước xuống nói với mấy anh kỹ sư giám sát: “Lại gặp đường điện ngầm rồi. Không biết tới khi nào làm được tiếp đây? Đề nghị mai sếp cho làm đoạn khác nhé”. Trao đổi xong, anh cười thật thoải mái. Người đàn ông xứ Nghệ tâm sự: Tôi làm nghề này gần 20 năm. Mình quyết theo nghề dù nay nơi này mai nơi khác, chủ yếu là phía Nam. Cũng may bà xã cũng chịu dời quê vào sống cùng chồng, chứ ở đây có mấy thằng chồng một nơi, vợ một nơi, khổ lắm!”. Làm ở TP.HCM nhưng do khó khăn về tài chính, vợ con anh Văn phải thuê nhà tại Bình Dương. Anh thở dài: “Lương của mình không thấp nhưng do một mình đi làm, hai con còn nhỏ, cha mẹ già lại ở quê. Mình đi suốt không chăm sóc được các cụ nghĩ cũng tội, nhưng biết làm sao được nó là cái nghiệp rồi mà. Cũng may mọi người thông cảm vì có những công trình xa năm chỉ về được 1 – 2 lần”. Phía bên kia, chiếc xe lu và người lái nó đang tranh thủ nghỉ khi anh em đang cào bằng đá cho mặt đường. Ông Hội đã ngoài 50 tuổi, quê huyện Ba Vì, TP Hà Nội cũng là người có thâm niên gắn bó với đường. Ông vào nghề từ khi giải ngũ (năm 1983), cứ thế tuổi trẻ của ông gắn với những công trình cầu đường, kênh rạch phía Nam Tổ quốc. Không biết có phải vì duyên chưa đến hay do mải công việc mà tới nay ông chưa lập gia đình. Vài năm ông về thăm quê một lần vào dịp tết Nguyên đán. Tết nào không về ông ở lại nhà tập thể của Cty. Ông tâm sự rằng ở quê ông chỉ còn anh em họ hàng nhưng do chưa có gia đình riêng nên ông cũng sẽ trở về khi hết tuổi lao động. 3h sáng. Nghỉ giữa ca, mọi người rửa tay qua quýt rồi người thì hộp xôi, người cái bánh bao, mồ hôi vẫn thấm đẫm lưng áo dù đêm thành phố lộng gió… |
Khoảnh khắc với người thi công “lô cốt”
34
Bài trước