Không chỉ vì khủng hoảng

Địa ốc giảm giá



Sau gần một năm chờ đợi sự phục hồi trong vô vọng, cuối cùng các “ông lớn” địa ốc đã phải tuyên bố giảm giá sản phẩm. Mức giảm cao nhất vào thời điểm này là 1.000 USD/m2. Mặc dù lý do đưa ra nhằm lý giải cho việc xuống giá trong sự “hợp lý”, nhưng vẫn không thể che được sự thất vọng của mình trong tham vọng xây dựng thương hiệu bằng “giá”.








Việc ra giá, dựa trên vị trí và các tiêu chuẩn “siêu cao cấp”. Ảnh: TL


Vào thời điểm này năm trước, khi giá sản phẩm địa ốc trên thị trường lâm vào tình cảnh “rơi tự do”, các nhà đầu tư nhỏ lẻ phải tìm cách bán tống, bán tháo sản phẩm, thì những “ông lớn” địa ốc vẫn bình chân như vại. Chỉ đến khi cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu tràn vào, thị trường địa ốc đóng băng, lâm vào cảnh bế tắc, các “ông lớn” mới nghĩ đến chuyện giảm giá địa ốc.


Nhìn dưới góc độ thị trường, lâu nay không có chuẩn để làm nền cho việc xác định giá sản phẩm địa ốc. Việc ra giá bán cho sản phẩm của các “ông lớn” thường dựa trên mức giá và hạ tầng của những dự án trước đó, so sánh đối chiếu với sản phẩm của mình, cộng thêm lợi thế vị trí, những trang thiết bị, tiện ích, xu thế thị trường tại thời điểm và khái niệm “cao cấp, siêu cao cấp” để đưa ra giá bán. Nhờ những “chuẩn tự tạo” này, giá nhà đất liên tục tăng, tăng đến mức người ta không dám nghĩ đến chuyện cư trú, mà chỉ định hình trong đầu hai chữ “đầu tư”. Nhà đầu tư thật sự am hiểu thị trường không có nhiều, chủ yếu mang tính đầu tư “bầy đàn”. Thấy người mua trước có lãi, người đi sau chấp nhận mua giá cao hơn để “tạo” cho mình cái quyền mơ đến mức giá cao hơn. Tốc độ tăng giá xây trên nền tảng chính là kỳ vọng kiếm tiền nhanh mà không cần am tường thị trường, nên chỉ cần một động thái nhỏ, một dư luận bất lợi… không ai đủ sức ngăn cản thị trường sụp đổ.


Xét về mức giá “gốc” sản phẩm địa ốc, lâu nay nhà đầu tư nhỏ thường mập mờ với cách tính giá gốc, chỉ nhìn thấy lợi nhuận do thị trường tạo ra, thì mới đây nó được làm rõ nhờ phát biểu của một “ông lớn” trong làng địa ốc. Trả lời báo chí về việc giảm giá 1.000 USD/m2 đối với sản phẩm “cao cấp” thuộc dự án R của mình, “ông lớn” này cho biết là: nhờ mua đất rẻ, giá vật liệu xây dựng đang giảm… Nói là vậy, nhưng điều này thể hiện rõ: lâu nay các nhà đầu tư nhỏ lẻ kinh doanh, tìm lợi nhuận trên giá “ảo” do chủ đầu tư tạo ra. Nếu tính thời điểm dự án R tung ra bán với giá 2.300 USD/m2, cả thành phố có hàng chục dự án cao cấp khác cũng có mặt trên thị trường với tiêu chuẩn mức giá ngang nhau. Vào lúc đó, 2.300 USD/m2 được xem là gốc. Đột nhiên cái gốc này được thay đổi, giảm xuống gần 50%, khiến cả thị trường chưng hửng. Ai dám khẳng định đây là giá gốc thực sự? Giả sử, nếu 1.300 USD/m2 là gốc, được đưa ra ngay từ đầu, liệu giá nhà đất có trở thành “bão” như vừa qua?


Nếu lấy giá vật liệu xây dựng để quyết định xuống giá, thì càng thiếu thuyết phục, do thị trường vật liệu xây dựng chỉ đột biến trong thời gian sáu tháng, điều này có thể gây khó cho chủ đầu tư, nhưng không thể can thiệp quá sâu vào mức giá gốc, vì đến nay mặc dù giá vật liệu giảm 50%, vẫn chưa thể xuống ngang bằng với giá vào thời điểm dự án được thực hiện.


Việc giảm giá dây chuyền vào thời điểm này không chỉ là do ảnh hưởng khủng hoảng, mà còn bị tác động do thời gian thị trường “đóng cửa” dài trước đó. Đây là thời điểm để nhà đầu tư bình tĩnh nhìn lại thị trường, nhìn lại năng lực của các nhà đầu tư. “Khủng hoảng” như một “cơn sốt” cần thiết để lộ ra, tiến tới đào thải các chủ đầu tư thiếu năng lực, “mượn đầu heo”. Có như vậy, khi kinh tế hồi phục, thị trường địa ốc mới có cơ sở phát triển bền vững.


Minh Triết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *