|
Không có tổ dân phố, hội phụ nữ, ban đại diện, nhà xuống cấp và vẫn phải dùng nước giếng khoan chất lượng kém. Nỗi khổ ấy là của các hộ dân thuộc diện giải tỏa ở khu vực nhà gỗ phố Vọng Hà – Chương Dương tại khu tái định cư B3, B4, B5 ở thị trấn Cầu Diễn (huyện Từ Liêm).
Mặc dù mới đưa vào sử dụng chưa đầy 3 năm, nhưng toàn bộ khu nhà B3 đã rêu mốc, tường ẩm ướt, nứt dọc ngang, bong tróc, hệ thống thoát nước bị vỡ chảy tràn lênh láng. Không có hệ thống dây chìm, thế nên dây ăng ten tivi, điện thoại mạnh nhà nào nhà đấy tự lắp, tạo nên những “mạng nhện” từ khu này sang khu khác. Cô Phương, chủ căn hộ số 503, B3 nói: “Người dân sống ở đây phải sống chung với quá nhiều nỗi bức xúc. Hệ thống điện ở cả B3 và B4 đều là điện trần, không ít hộp điện nguồn của các tầng được đặt ở vị trí thấp, lại có nhiều đầu dây hở gần tầm với của trẻ con nên rất nguy hiểm. Khu chung cư khuất nẻo, lối vào lại chẳng có đèn đường nên buổi tối nhiều người không dám ra khỏi nhà. Cả khu cứ như “ốc đảo” vậy”.
Chuyển đến đây từ tháng10/2006, mà đến nay, cả trăm hộ gia đình tại đây vẫn chưa có tổ dân phố, hội phụ nữ, cũng chẳng có ban đại diện. Ông Hoàng Tiến An (Phòng 305 – B3) cho biết: “Chúng tôi chuyển về đây ở từ năm 2006, theo diện giải toả khu tập thể nhà gỗ bị cháy tại phố Vọng Hà, Chương Dương. Khu nhà có Ban quản lý nhưng hàng trăm hộ trong diện tái định cư đang sống trong 3 toà nhà B3 – B4 – B5 hàng ngày vẫn phải thực hiện phương án “tự túc”: tự thay bóng đèn chiếu sáng trong các toà nhà; tự mang rác đi đổ; tự sửa chữa nhà khi có hỏng hóc… Chưa hết, vừa rồi nhà vệ sinh ở tầng 1 khu B5 bị tắc, đường ống bị vỡ nước bẩn chảy lênh láng ra sân, nhưng người của Ban quản lý cũng chỉ sửa qua quýt bằng việc… buộc dây chun vào đường ống vỡ”.
Khổ nhất của các hộ dân ở đây là thiếu nước sinh hoạt. Hiện cả 3 khu nhà vẫn đang phải dùng nước giếng khoan được bơm về bể nước ngay dưới tầng 1. Phản ánh với phóng viên, bà Xoa cùng nhiều hộ dân khác cho biết, họ đang phải dùng nước giếng khoan với giá 3.500 đồng/m3. Trong khi giá nước sạch của Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội hiện cũng chỉ là 2.800 đồng/m3. Tuy phải mua nước với giá cao như vậy, nhưng những người dân tại đây cũng chỉ được dùng theo định mức hạn chế là 16m3/hộ/tháng. Nếu dùng vượt định mức sẽ phải chịu giá cao hơn rất nhiều.
Dẫn chúng tôi đi “mục sở thị” toàn bộ 3 khu nhà, ông An bức xúc cho biết: “Cả nămtrời, chúng tôi đã cầu cứu Ban quản lý khu nhà nhưng không nhận được hồi âm. Bể chứa nước trên tầng thượng bị nứt, rò rỉ, nước chảy tràn ra tầng thượng, gây ngấm toàn bộ tầng 5, đến nay vẫn chưa được khắc phục. Hệ thống công trình chìm thải nước sinh hoạt, nước bẩn vệ sinh cũng thấm từ tầng 5 xuống tầng 1 làm ô uế không khí, môi trường. Hội trường nhà B4 thì như cái bể bơi, rêu xanh rì. Tất cả nỗi khổ này chỉ người dân biết, còn Ban Quan lý thì chưa thấu!”.
Chỉ tay lên trần nhà, anh Đạt bức xúc nói: “Nhà báo thấy đấy, bể nứt ngấm hết cả nước xuống trần nhà, gia đình tôi phải đặt 2 cái chậu to lên nóc tủ để hứng nước.Ngày nào cũng chậu đầy, chậu vơi. Thật không khổ nào bằng. Không những thế, hôm rồi nhà tôi còn bị chập điện do tường ngấm nước ướt hết cả. May mà không xảy ra sự cố đáng tiếc”.
Theo tìm hiểu, 3 toà nhà B3 – B4 – B5 Cầu Diễn hiện thuộc quyền quản lý của Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và Khai thác khu đô thị, trực thuộc Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Tuy nhiên, từ khi “khai sinh” khu nhà này, Ban quản lý chung cư rất ít khắc phục, sửa chữa hay quan tâm đến cuộc sống của người dân. Cuộc sống của mỗi hộ dân khu tái định cưxem ra vẫn ở “ngã ba đường”. Trong khi đó, mỗi hộ trung bình phải mất từ 150.000 – 300.000đ/tháng với các loại phí.
Đã đến lúc các quan chức năng cần có những biện pháp cụ thể kiểm tra, chấn chỉnh, giải quyết dứt điểm những thực trạng đang tồn tại ở các khu tái định cư trên địa bàn, đưa ra giải pháp, tạo điều kiện cho những người dân đang sinh sống tại các khu tái định cư này được “an cư lạc nghiệp”.
Bài, ảnh: P.Lâm