Khu tái định cư tại Hà Nội thiếu đủ thứ











Vườn hoa thành vườn cỏ dại tại khu X3 phường Trần Phú. Ảnh: Tuấn Minh.

KTĐT – Hơn ba năm trôi qua, nhiều khu tái định cư thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội, đường không điện chiếu sáng, dân vẫn chờ sổ đỏ, phố xá vẫn nhếch nhác…

Để xây dựng đường vành đai ba và cầu Thanh Trì, hàng ngàn hộ dân thuộc quận Hoàng Mai chấp thuận di dời đến các khu tái định cư kể từ năm 2006.

Điều dễ nhận thấy tại nhiều khu tái định cư trên địa bàn quận Hoàng Mai là tình trạng thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

Sau khi giao đất, do buông lỏng quản lý, việc xây dựng nhà bộc lộ nhiều bất cập mà phổ biến là tình trạng cơi nới lấn chiếm không gian chung. Đêm xuống, đường sá không đèn điện chiếu sáng vì kẻ gian tháo trộm mất thiết bị gắn trên cột đèn từ lâu.

Ông Nguyễn Văn Nghị nhận bàn giao đất xây nhà tại khu X2B thuộc phường Yên Sở từ năm 2006 nhưng, đến nay, vẫn chưa được cấp sổ đỏ. “Khi tôi ở thôn Yên Duyên còn có nhà văn hóa thôn. Nay về khu tái định cư được đầu tư xây dựng mới hẳn hoi mà lại chẳng hề có nhà văn hoá làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Đến nhà mẫu giáo cho trẻ con học cũng không có” – Ông Nghị than.

Cán bộ giao thông đô thị phường Trần Phú đưa chúng tôi xuống thực địa khu tái định cư X3 – nơi hơn 260 hộ dân sinh sống đang bức xúc về trách nhiệm của chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Thăng Long. Tại đây, nhiều lô đất vẫn bỏ cho cỏ dại mọc nhiều năm. Vườn hoa trong quy hoạch nay trên thực địa biến thành nơi xả rác thải, trồng rau, tập kết vật liệu xây dựng.

Khu vực được quy hoạch làm vỉa hè chỉ toàn cỏ dại và dãy đèn đường han gỉ chưa một lần thắp sáng. Tại các khu tái định cư như X2A, X2B, X3… toàn bộ hệ thống thoát nước xây xong không được bảo dưỡng nên phần lớn không hoạt động, hàng trăm nắp hố ga không cánh mà bay.

Ông Nguyễn Đức Đoàn, cán bộ phường Yên Sở, cho biết, phường có hai khu tái định cư với 670 hộ dân, trên bản vẽ quy hoạch đầy đủ các hạng mục nhưng triển khai thực tế thì thiếu và chất lượng thấp. Điển hình như khu X2A đến giờ vẫn thiếu nước sạch.

Mới đây, UBND phường Yên Sở đành phải gửi văn bản đề nghị UBND quận Hoàng Mai và các cơ quan chức năng sớm giải quyết việc đền bù, hỗ trợ 20 phần trăm giá trị quyền sử dụng đất cho diện tích đất vườn liền kề mà Nhà nước thu hồi để xây dựng công trình; Hỗ trợ các trường hợp nhà bị lún nứt do thi công đường gây ra và tiền di chuyển mặt bằng của Hợp tác xã Sở Thượng và nhiều công trình khác liên quan đến giải phóng mặt bằng đường vành đai ba.



Theo TP

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *