Đây là một trong những câu chuyện được đề cập đến tại hội thảo Kiến trúc nông thôn (KTNT) thời kỳ đổi mới do Hội KTS Việt Nam tổ chức mới đây. Hội thảo là dịp để giới kiến trúc nhìn lại những thay đổi trong diện mạo nông thôn Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới.
Bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi
Theo KTS Phạm Đăng Trình (Hội KTS Nam Định), người nông dân Việt Nam có kinh nghiệm ngàn đời trong việc xây dựng ngôi nhà dân gian. Họ đã thành công trong việc đắp sông ngòi, ao hồ, đường sá, trồng cây tạo nên môi trường trong sạch, thoáng mát. Người Việt Nam đã vận dụng tính 2 mặt của phong thủy một cách hợp lý, kết hợp rất có hiệu quả giữa cấu trúc công trình với nội và ngoại thất, hướng nhà theo hướng gió mát. Công trình nhà ở vừa chống được mưa nắng, gió bão vừa đón được gió mát vào nhà. Vật tư được sử dụng đúng với các bộ phận của công trình để xây nên một ngôi nhà vừa tiết kiệm, vừa bền vững.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nông thôn, ngôi nhà truyền thống đang thay đổi và bị thay thế bởi những kiểu nhà ống, nhà nhiều tầng, biệt thự. KTS Lê Vũ Phàm (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) nhận định: Bộ mặt kiến trúc các vùng nông thôn nước ta đang trong quá trình cải tạo, mở mang với quy mô và tốc độ chưa từng có. KTNT đang thay đổi nhanh, từ ngói hóa đến bê tông hóa, thành thị hóa. Ở nhiều làng quê đang mọc lên nhan nhản những công trình vay mượn từ thành thị một cách tùy tiện, tự phát, không ai nghiên cứu, hướng dẫn. Thậm chí, KTS Phàm còn dẫn chứng: Nhiều vùng dân tộc ít người vốn ở nhà sàn nay cũng chạy theo miền xuôi xây dựng các kiểu nhà bằng vật liệu kiên cố, kiểu dáng cũng theo đó “xuôi hóa”.
Phân tích nguyên nhân của thực trạng trên, KTS Lê Thanh Sơn (Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM) cho rằng: KTNT Việt Nam với tư cách là một nghệ thuật tổ chức không gian truyền thống đang bị bỏ mặc cho sự thao túng của những vật liệu, thiết bị rẻ tiền, hào nhoáng và rỗng tếch về văn hóa.
Theo KTS Sơn, giới kiến trúc bàng quang đứng ngoài cuộc, chưa thể đưa ra một mẫu hình dáng nào về cái hay, cái đẹp của vật liệu, kỹ thuật, nghệ thuật kiến trúc hiện đại cho KTNT. Các KTS chẳng hứng thú với những nông dân mới giàu bởi thân chủ này không thể hiểu được cái cao siêu của nghệ thuật hiện đại, trong đó có kiến trúc.
Trong khi đó, với cái bản tính dễ mến tự bao giờ, những con người “phú nông mới” tự xoay xở, tháo vát để xây dựng cho mình một ngôi nhà ít có sự gạn lọc… Họ không ý thức được sự mất mát môi trường văn hóa khi mà họ đang tự xây dựng cho mình những ngôi nhà giống như người TP hoặc ít nhất cũng bằng người phố huyện, những người không sống bằng nghề nông. Kết quả là “KTNT đổi đẹp lấy xấu” – KTS Lê Thanh Sơn dẫn lời của nhà phê bình nghệ thuật Phan Cẩm Thượng.
Tại hội thảo, các chuyên gia rất sốt sắng, nỗ lực trong việc tìm kiếm một mô hình KTNT mới nhưng hiện tại mới chỉ là những gợi ý mơ hồ kiểu như: “Đó là việc (tìm kiếm mô hình KTNT) không đơn giản. Nó đòi hỏi không chỉ tài năng mà hơn cả là cái tâm, tấm lòng yêu quê hương của các nhà quản lý, nhà quy hoạch, KTS, cùng sự tham gia, chia sẻ của toàn xã hội” – KTS Phạm Thanh Tùng (Hội KTS Việt Nam).
Hoặc cụ thể hơn nữa như: “Hội KTS nên giúp thiết kế mẫu cho một số gia đình ở nhiều làng xóm. Với những thiết kế này, người nông dân sẽ xây dựng được các ngôi nhà ở tốt, đẹp, hợp lý. Từ đó, người dân tại các làng xóm sẽ học tập, nghiên cứu, vận dụng vào xây dựng nhà ở của gia đình mình phù hợp hơn, đẹp đẽ hơn” – KTS Phan Đăng Trình. Xem ra câu chuyện tìm kiếm mô hình KTNT mới chỉ bắt đầu…
Theo Báo Xây Dựng