Trang chủ » Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII: Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra 4 dự án Luật

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII: Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra 4 dự án Luật

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Ngày 2/11, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra 4 dự án Luật: Bưu chính; Nuôi con nuôi; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi); Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). trước đó, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về việc sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Luật Giáo dục hiện hành.


Đưa phổ cập mầm non 5 tuổi trở thành nhiệm vụ trọng tâm của đất nước
(Ảnh: các cháu tại trường mầm non hoa Hướng Dương, KĐT Linh Đàm – Hà Nội)

Hiện đại hóa hoạt động bưu chính

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Lê Doãn Hợp, qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, dự thảo Luật Bưu chính trình Quốc hội lần này đã tiếp thu và hiệu chỉnh một số nội dung về tính khả thi, cấu trúc, phạm vi điều chỉnh của Luật; nguyên tắc hoạt động bưu chính và chính sách của Nhà nước về bưu chính; quyền và nghĩa vụ của DN cung ứng và của người sử dụng dịch vụ bưu chính…

Thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Bưu chính để tạo khung pháp lý đầy đủ hơn trong lĩnh vực này, giúp cho việc chính quy hóa, hiện đại hóa hoạt động bưu chính phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng để việc áp dụng được thuận lợi, đi vào cuộc sống, nâng cao tính khả thi, dự thảo cần được chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn; bổ sung chế tài; hạn chế thấp nhất việc ban hành các văn bản dưới luật.

Nâng cao công tác bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em

trình bày Tờ trình dự án Luật Nuôi con nuôi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ, mục đích là tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, ổn định, có giá trị áp dụng lâu dài để thu hút sự quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em, nâng cao trách nhiệm trong việc bảo đảm quyền của trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Việc ban hành luật này còn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các cặp vợ chồng trong nước muốn có con nuôi; bảo vệ quyền và lợi ích của các cha mẹ nuôi, giúp họ ổn định tư tưởng và yên tâm nuôi dưỡng, chăm sóc con nuôi như con đẻ.

Xác định rõ trách nhiệm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu, điểm mới của dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) là đã xác định rõ ràng hơn nhiệm vụ, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia; một số thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước trong việc thực thi chính sách tiền tệ; thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước trong quản lý Nhà nước đối với hoạt động thanh tra, giám sát an toàn hoạt động ngân hàng; vai trò quản lý của Nhà nước đối với bảo hiểm tiền gửi. Dự án Luật cũng cụ thể hóa một số cơ chế, điều kiện đảm bảo để Ngân hàng Nhà nước có thể thực thi được các nhiệm vụ với trách nhiệm cao hơn.

Thẩm tra dự án này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng tuy đã có nhiều tiến bộ, đổi mới so với luật hiện hành về những vấn đề hoạch địch và thực thi chính sách tiền tệ, vai trò của cơ quan giám sát đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng nhưng dự thảo còn một số điểm thiết yếu cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện.

Tạo sự tự chủ của các tổ chức tín dụng

Với các điểm mới về phạm vi điều chỉnh, tiêu chí phân loại giữa ngân hàng và các tổ chức tín dụng không phải là ngân hàng, các quy định về quản trị tổ chức tín dụng, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Chính phủ cho là sẽ tạo ra một cơ sở pháp lý đảm bảo sự tự chủ trong kinh doanh của các tổ chức tín dụng, đồng thời bảo đảm sự chặt chẽ, thận trọng trong hoạt động ngân hàng. Dự thảo đã mở rộng phạm vi đến điều chỉnh cả về thành lập, tổ chức, quản lý, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại và giải thể của các tổ chức tín dụng; trong đó, nội dung quản lý là nội dung thay đổi lớn nhất, nhiều nhất.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật này của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng dự thảo đã có nhiều đổi mới, khắc phục được một số bất cập của luật hiện hành nhưng còn bộc lộ một số hạn chế như: Chưa tạo được sự hài hòa giữa bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; quy định về quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng nặng về hành chính, cấp phép, chưa thể hiện tư tưởng đổi mới quản lý.

Tuy nhiên, dự thảo còn nhiều quy định chưa cụ thể, có nhiều nội dung giao Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quy định; một số nội dung còn có sự trùng lặp với các luật khác.

Sửa đổi Luật Giáo dục hướng tới 4 mục tiêu

Luật Giáo dục được Quốc hội sửa đổi, ban hành năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006, đã tạo được cơ sở pháp lý để tập trung xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà trong thời kỳ CNH, HĐH. Tuy nhiên, sau hơn ba năm thi hành, Luật Giáo dục cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để tăng cường hiệu lực thi hành và để phù hợp hơn với thực tiễn. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Chính phủ trình Quốc hội lần này sẽ được sửa đổi, bổ sung 27 điều, khoản, với 4 mục tiêu: Đưa phổ cập mầm non 5 tuổi trở thành nhiệm vụ của đất nước, hệ thống giáo dục; nâng cao chất lượng giáo viên; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; chăm sóc tốt hơn cho giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.