Chiều 25/5, Quốc hội tập trung thảo luận về dự thảo Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp sau khi đã được Quốc hội cho ý kiến từ kỳ họp trước.
trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu không đồng tình với việc đưa nhà ở vào diện chịu thuế vì cho rằng nhà ở là tài sản riêng, gắn liền với công sức, sự tích luỹ lâu dài của người dân. Mặt khác, Nhà nước đang khuyến khích và ban hành nhiều chính sách phát triển để nhiều người dân có nhà ở. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến lại đề nghị nên đưa nhà ở vào diện chịu thuế. Việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế tại thời điểm hiện nay là cần thiết, nhằm tăng cường công tác quản lý, từng bước điều tiết nguồn thu vào ngân sách Nhà nước. Công cụ tài chính là thu thuế không thể bỏ qua, nhưng cần đưa ra giải pháp linh hoạt là không đánh thuế nhà ở của người có một nhà. Không đánh thuế nhà ở không phải là giải pháp hữu hiệu để giúp cho những người làm công ăn lương có nhà mà chính là tạo thuận lợi cho hoạt động đầu cơ. Một số đại biểu cho rằng mục tiêu áp dụng thuế đối với nhà ở là nhằm hạn chế đầu cơ nhà ở, song trên thực tế giá trị nhà ở lại gắn liền với giá trị đất và đầu cơ lại tập trung vào đất, căn cứ vào vị trí, địa thế của đất mà không phải đầu cơ giá trị xây dựng nhà trên đất. Do vậy, để hạn chế đầu cơ thì phải tập trung áp dụng công cụ điều tiết đối với đất. Vấn đề này được Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội phùng Quốc Hiển phân tích: Tình trạng đầu cơ hiện nay chính là đầu cơ đất. Ví dụ nhà cùng một diện tích, một thiết kế thì giá trị như nhau nhưng rõ ràng nhà ở Thủ đô Hà Nội bán được giá cao hơn nhà ở Lai Châu không phải là vì cái gì đẹp hơn mà chính là giá trị đất. Cùng quan điểm đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng cho rằng giá trị nhà tính theo mét vuông sàn xây dựng, nhà bao giờ cũng nằm trên diện tích đất, giá trị nhà bao giờ cũng nằm trên giá trị đất. Nhà ở trung tâm thành phố giá trị xây dựng của nó cũng như nhà ở nông thôn, thậm chí giá trị xây dựng nhà thành phố còn rẻ hơn ở miền núi. Cũng có ý kiến cho rằng, áp dụng thuế đối với nhà ở thực chất là áp dụng thuế tài sản, song trên thực tế, ngoài nhà ở còn có nhiều loại tài sản khác có giá trị lớn, thậm chí lớn hơn giá trị xây dựng của nhà ở như ô tô, máy bay, tàu thủy, du thuyền… Nếu chỉ áp dụng thuế tài sản đối với nhà ở thì chưa bảo đảm tính hợp lý, công bằng của một sắc thuế. Ngay cả, một số nước có trình độ phát triển hơn Việt Nam cũng chưa đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế. Về việc đánh thuế nhà ở và đất phi nông nghiệp. Một số ý kiến khác cũng bày tỏ đồng tình với Dự án luật. Tuy nhiên, về đối tượng chịu thuế có ý kiến cho rằng đất khai thác, chế biến khoáng sản, đất làm VLXD phải thu với một mức khác. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Hiện nay chúng ta có rất nhiều chính sách khác nhau, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thì đánh thuế mang tính bình đẳng trong việc sử dụng đất. Nhưng đối với khai thác khoáng sản và làm VLXD đang chịu thuế tài nguyên, cộng với việc thuộc đối tượng sản xuất kinh doanh thì lại phải chịu thuế VAT và thuế thu nhập DN chứ không phải chỉ có một sắc thuế này điều tiết. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị lưu ý đến một số trường hợp đặc biệt cần được ưu tiên, ưu đãi như mô hình nhà vườn ở Huế vì đây là một đặc trưng văn hoá kiến trúc. Nếu bị điều chỉnh bởi luật này các nhà vườn sẽ bị chia nhỏ không giữ được nét đặc sắc văn hoá, kiến trúc của riêng Huế.
|
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII: Đánh thuế người nhiều đất và đầu cơ nhà đất
9