Trang chủ » Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII: Hoàn thiện việc quản lý dự án, công trình quan trọng quốc gia

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII: Hoàn thiện việc quản lý dự án, công trình quan trọng quốc gia

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Theo kế hoạch, ngày 19/6, Quốc hội (QH) sẽ thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của QH về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư.


Quy mô vốn đối với một công trình trọng điểm quốc gia sẽ tăng từ 20 nghìn tỷ đồng lên 35 nghìn tỷ đồng.   Ảnh: Ngụy Hoàng Sơn

Quy mô vốn đối với một công trình quan trọng quốc gia sẽ tăng từ 20 nghìn tỷ đồng lên 35 nghìn tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn Nhà nước chiếm 30%.

Nghị quyết 66/2006/QH11 của QH về dự án, công trình quan trọng quốc gia được ban hành đã đáp ứng những thay đổi của nền kinh tế, đồng bộ hoá với các luật mới được ban hành, bổ sung thêm một số quy định cần thiết và tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và giám sát việc thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế QH Hà Văn Hiền thì tới đây, sẽ có nhiều dự án, công trình quan trọng với quy mô lớn đầu tư tại Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài cần trình QH quyết định, trong khi đó Nghị quyết hiện hành chỉ áp dụng đối với các dự án, công trình đầu tư trong nước. Một số tiêu chí để xác định dự án phải trình QH quyết định chủ trương đầu tư không còn phù hợp với thực tế như mức vốn đầu tư được xác định theo thời giá năm 2006, một số tiêu chí khác qua thực tế áp dụng cho thấy chưa được quy định rõ ràng.

Các đại biểu cho rằng sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 66 là cần thiết và phù hợp điều kiện thực tế. Dự thảo đưa ra một số tiêu chí mới theo hướng nâng mức quy mô đầu tư, số lượng di dân tái định cư, địa bàn đặc biệt quan trọng… tại các dự án được coi là dự án, công trình quan trọng quốc gia. Quy mô vốn đối với một công trình quan trọng quốc gia sẽ tăng từ 20 nghìn tỷ đồng lên 35 nghìn tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn Nhà nước chiếm 30%. Nhiều đại biểu cho rằng nâng mức tổng vốn đầu tư là phù hợp, nhưng cần có giải trình cụ thể con số 35 nghìn tỷ đồng và vốn Nhà nước phải chiếm 30%? Những công trình lớn, liên quan đến đời sống của bộ phận lớn người dân với số vốn hơn 35 nghìn tỷ, nhưng vốn Nhà nước chiếm không tới 30% lại không được coi là công trình quan trọng quốc gia? Nhiều đại biểu băn khoăn, đối với những công trình thay đổi mục tiêu ban đầu và thay đổi mức vốn khiến tổng vốn tăng lên hơn 35 nghìn tỷ đồng có phải xin chủ trương đầu tư của QH không khi mà thực tế công trình đã khởi công nhiều năm, và nếu QH không thông qua thì sẽ giải quyết thế nào?

Để phù hợp với tình hình thực tế và thuận tiện cho việc áp dụng, phạm vi của Nghị quyết mới sẽ quy định về tiêu chí, trình tự, thủ tục, nội dung hồ sơ Chính phủ trình QH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư cho cả dự án, công trình trong nước và công trình đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, hồ sơ của Chính phủ về dự án, công trình quan trọng phải được cơ quan có liên quan của QH thẩm tra. trình tự, thủ tục xem xét về chủ trương đầu tư và theo dõi thực hiện dự án phải căn cứ vào các tiêu chí: Chính phủ trình dự án, công trình quan trọng để QH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư sau khi có ý kiến thẩm tra của cơ quan có liên quan của QH và đã báo cáo với UBTVQH. Tiếp theo là QH xem xét và thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư đối với từng dự án, công trình quan trọng. Căn cứ vào Nghị quyết của QH về dự án, công trình quan trọng, Chính phủ có trách nhiệm triển khai thực hiện. Chính phủ phải báo cáo về tình hình thực hiện các dự án, công trình quan trọng với QH. Khi có thay đổi mục tiêu, phát sinh tăng vốn đầu tư trên 20%, kéo dài thời gian thực hiện dự án, công trình quan trọng từ 1 năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất để xem xét, quyết định.

Việc rà soát, sửa đổi các quy định không còn phù hợp của Nghị quyết 66 nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, cải thiện môi trường đầu tư ở nước ta, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, đặc biệt là đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, việc xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung như bổ sung phạm vi đối với dự án đầu tư ra nước ngoài, thời gian dự án kéo dài phải báo cáo QH… sẽ giúp cho việc tăng cường giám sát của QH đối với dự án, công trình quan trọng. Ngoài ra, việc điều chỉnh tiêu chí về quy mô vốn đầu tư tăng lên sẽ mở rộng quyền hạn của Chính phủ trong việc xem xét quyết định các dự án đầu tư quy mô lớn, phù hợp với năng lực và yêu cầu quản lý, điều hành hiện nay của Chính phủ.

Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết 66, QH đã xem xét điều chỉnh và quyết định chủ trương đầu tư một số dự án như: Xem xét điều chỉnh Dự án Khí – Điện – Đạm phú Mỹ. Điều chỉnh chỉ tiêu, nhiệm vụ của dự án trồng mới 5 triệu héc-ta rừng trong giai đoạn 2006 – 2010; Thông qua chủ trương đầu tư dự án nhà máy thủy điện Lai Châu và dự án Điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Tại kỳ họp này, Chính phủ đang chuẩn bị những thủ tục cần thiết để trình QH dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – Tp.HCM.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.