Trang chủ » Kỳ họp thứ năm, Quốc hội Khoá XII: Phát huy hiệu quả từ gói kích cầu của Chính phủ

Kỳ họp thứ năm, Quốc hội Khoá XII: Phát huy hiệu quả từ gói kích cầu của Chính phủ

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments





Sáng 26/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009 trong những tháng đầu năm.



Đa số ý kiến của các đại biểu nhất trí với báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 5. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2008 so với số liệu đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trước có một số thay đổi nhưng về căn bản đã kiềm chế được lạm phát, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, chuyển mạnh sang cơ chế giá thị trường, bảo đảm được an sinh xã hội và giữ vững an ninh, quốc phòng, có bước chuẩn bị tích cực cho kế hoạch năm 2009. Những kết quả đó thể hiện sự nỗ lực to lớn của các cấp, ngành, doanh nghiệp và toàn dân. Tuy nhiên, việc khắc phục những mặt tồn tại, yếu kém đang đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ khó khăn, phức tạp hơn cho công tác chỉ đạo điều hành trong thời gian tới.


* Làm gì để gói kích cầu phát huy tác dụng


Phân tích, đề ra những giải pháp cũng như những vấn đề cần lưu tâm trong quá trình triển khai gói kích cầu của Chính phủ là mối quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên họp sáng 26/5.


Nêu lên những mặt còn hạn chế của gói kích cầu, đại biểu Bùi Văn Tỉnh (Hoà Binh) phân tích: giải pháp kích cầu mới giải quyết được những vấn đề trước mắt mà chưa có giải pháp dài hạn về phát triển kinh tế, chính sách hỗ trợ còn nặng tính bình quân; việc giảm thuế chưa giải quyết được đầu ra cho sản phẩm và có tác động tiêu cực đến ngân sách nhà nước, làm tăng thâm hụt ngân sách về tài khoá năm 2009. Cũng cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) đánh giá gói kích cầu của Chính phủ chỉ mới quan tâm tới các doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, một số doanh nghiệp mạnh sẽ được mạnh lên nhưng những doanh nghiệp khó khăn, có nguy cơ phá sản khó có điều kiện tiếp cận vốn thì vẫn chưa được hỗ trợ. Việc miễn giảm thuế vẫn đang tập trung cho doanh nghiệp có thu nhập hiệu quả mà chưa quan tấm đến những doanh nghiệp không có cơ hội việc làm, không có tiền trả lương cho công nhân, không có khả năng tiếp cận vốn …


Từ những phân tích này đại biểu Bùi Văn Tỉnh kiến nghị cần có chính sách tài chính để tăng chi tiêu của Chính phủ. Đại biểu đánh giá với số lượng lớn gói kích thích kinh tế, chính sách tài khoá và tiền tệ nới lỏng dễ dẫn đến nguy cơ lạm phát; đồng thời cần có chính sách điều chỉnh tỷ giá để giải phóng nguồn ngoại tệ và kim loại quý dự trữ trong dân để thúc đẩy đầu tư, giải quyết việc làm và tăng khả năng xuất khẩu. Kiến nghị không nên để gói kích cầu mang tính bình quân và thiếu trật tự, đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng trong gói kích cầu, Chính phủ cần xác định các ngành kinh tế mũi nhọn theo trật tự ưu tiên, ưu đãi; đặc biệt cần quan tâm tái sản xuất kinh tế bảo đảm chống suy thoái và phát triển bền vững; tăng cường đầu tư cho các ngành chế biến nông, lâm, thủy, hải sản, đầu tư hạ tầng cơ sở điện, đường, trường, trạm… Đại biểu Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An) đề nghị Chính phủ cần ưu tiên tiếp tục kích cầu đầu tư cho các dự án tạo thêm nhiều việc làm; trong đó lưu ý đến khối doanh nghiệp vừa và nhỏ vì đây là khu vực giải quyết được nhiều công ăn việc làm; đề nghị Chính phủ cho phép quỹ tín dụng nhân dân được cho vay hỗ trợ lãi suất như các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện cho người dân được vay vốn thuận lợi hơn.


Đại biểu Nguyễn Hữu Nhị cũng như rất nhiều ý kiến khác phát biểu tại Hội trường sáng 26/5 đều nhấn mạnh đến công tác kiểm tra, giám sát thực hiện gói kích cầu của Chính phủ. Đại biểu Nguyễn Hữu Nhị nêu rõ: các gói kích cầu của Chính phủ là nguồn vốn rất lớn, trong quá trình triển khai rất dễ phát sinh tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí, sử dụng không đúng mục đích. “Chính phủ cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để phát huy hiệu quả của nguồn vốn”- đại biểu kiến nghị.


* Quan tâm tới phát triển nông nghiệp, nông thôn


Nhấn mạnh tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ đất nước là cơ sở phát triển kinh tế, ổn định xã hội bền vững, nhiều đại biểu tập trung phân tích tình hình nông nghiệp, nông thôn và đề ra các giải pháp.


Đại biểu Nguyễn Hữu Trí (Tiền Giang) đề nghị tổng kết, rút ra kinh nghiệm trong việc thực hiện liên kết mô hình 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông, từ đó chỉ đạo nhân rộng gắn với việc triển khai tổ chức thực hiện 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, tạo sự chuyển biến đồng bộ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đại biểu phân tích thực trạng sản xuất nông nghiệp hiện nay còn manh mún, nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng thấp, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Để xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, hiện đại, Nhà nước cần có cơ chế chính sách tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc đối với vấn đề hợp tác xã, đặc biệt là công tác đào tạo cán bộ cho hợp tác xã. Theo đại biểu, nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập không thể để nông dân tự phát mà phải có chính sách đồng bộ, tạo điều kiện cho người nông dân và nông sản đủ điều kiện cạnh tranh trên thị trường. Đại biểu cũng nêu lên những vướng mắc trong việc đào tạo lao động trong nông nghiệp nông thôn và đề nghị Chính phủ cần có cơ chế chính sách hướng dẫn các địa phương thực hiện tránh lãng phí trong đào tạo (vấn đề trường lớp, giáo viên…)


Đề nghị Chính phủ cần tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở như giao thông, thuỷ lợi cho vùng nông thôn, miền núi là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội. Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hoá) kiến nghị nông dân, nông thôn cần được sự ưu tiên hỗ trợ về hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, nâng cấp lưới điện để tạo thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng cho vay vốn ưu đãi để tạo thêm việc làm, nâng cao kiến thức về phát triển kinh tế thị trường, chủ động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế mở rộng thị trường nội địa, nhất là thị trường nông thôn với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý. Cũng về vấn đề phát triển nông thôn, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) đề nghị đối với các tỉnh miền núi, việc thực hiện các chương trình dự án như kiên cố hoá trường lớp, học không nên đặt vấn đề là phải có vốn đối ứng và đề nghị bố trí 100% số vốn cho các công trình này; phát hành trái phiếu Chính phủ bổ sung thêm 2 nghìn tỷ đồng để đầu tư cho các công trình giao thông thuỷ lợi và một số chương trình khác. Đại biểu nhấn mạnh cần đầu tư tập trung đồng bộ, dứt điểm tránh tình trạng dàn trải, đầu tư đi đầu tư lại. Đại biểu Ngô Văn Hùng (Lào Cai) kiến nghị xây dựng trạm y tế cho tuyến xã và cụm xã vì trên thực tế đang rất thiếu mô hình này cho bà con, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.


* Quan tâm tới khai thác bô-xít tại Tây Nguyên


Vấn đề khai thác bô- xít tại Tây Nguyên cũng thu hút được mối quan tâm của các đại biểu Quốc hội.


Đại biểu Lê Thanh Phong (tỉnh Lâm Đồng) cho biết tỉnh Lâm Đồng xác định đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh, các cấp ủy chính quyền, các bộ, ngành cơ sở rất quan tâm thường xuyên kiểm tra nắm tình hình, phối hợp với Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nếu có phát sinh. Đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quyết định thu hồi 943 ha đất với 743 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án, tiến hành đền bù 586 hộ trong đó có 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với số tiền 150 tỷ, xây dựng khu tái định cư cho 731 hộ và nhà ở cho 43 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở thị trấn Lộc Thắng. Đại biểu nhấn mạnh: “Quan điểm của tỉnh là không vì vấn đề môi trường mà không khai thác tiềm năng tài nguyên của tỉnh để phát triển kinh tế; nhưng cũng không vì mục tiêu phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng mà không đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường! Tỉnh sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường giám sát chặt chẽ việc thực hiện của chủ đầu tư theo đúng quy định”. Diện tích khai thác bô- xít nhỏ so với tổng diện tích đất tự nhiên, đất nông, lâm nghiệp nên cũng không ảnh hưởng lớn đến sản xuất trong vùng. Khu vực dự án là huyện nghèo, năng suất, sản lượng chè, cà phê rất thấp do tầng phủ mỏng. Sau khi khai thác sẽ phát triển nông, lâm nghiệp thuận lợi hơn. Đại biểu phân tích việc triển khai dự án khai thác bô- xít, bảo đảm sản xuất alumin sẽ tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh, thực hiện chủ trương công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo xu thế chung của đất nước, chuyển cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng trưởng tỷ trọng công nghiệp trong tổng giá trị GDP.


Cũng về vấn đề này đại biểu Điểu K’Ré (Đắc Nông) nhấn mạnh tới việc bảo vệ môi trường tại khu vực khai thác bô-xít. Đại biểu nói: Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra các giải pháp bảo vệ môi trường; Lập và trình duyệt Báo cáo tác động môi trường và tăng cường thanh tra, kiểm tra chủ đồng tư thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường. Theo đại biểu, sự phát triển của ngành khai thác bô- xít trên địa bàn góp phần đáng kể trong tăng trưởng GDP, tăng nguồn thu cho ngân sách của tỉnh và phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển dịch kinh tế theo mục tiêu chung của Đảng và Nhà nước. Dự án bô- xít alumin Nhân Cơ khi đi vào hoạt động dự kiến sẽ đào tạo nghề cho 1.600 công nhân công nghiệp, tạo việc làm ổn định cho khoảng 16 ngàn lao động liên quan, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao đời sống người dân. Sự hình thành vùng kinh tế công nghiệp theo vùng sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành kinh tế dịch vụ như giao thông vận tải, khách sạn, du lịch vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống…


Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề nghị công trình khai thác bô-xít Tây Nguyên phải được coi là công trình trọng điểm quốc gia và được Quốc hội thẩm tra, xem xét quyết định thấu đáo./.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.