Kỷ niệm 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Thành phố Điện Biên Phủ-vóc dáng một đô thị trung tâm vùng Tây Bắc





Một đô thị với quy hoạch hiện đại như bông hoa Ban giữa vùng đất lịch sử mà nhụy hoa là khu trung tâm, còn những cánh hoa là khu bảo tàng lịch sử-văn hóa, du lịch, nghỉ dưỡng và vành đai cây xanh, vùng bảo tồn kiến trúc không gian truyền thống của đồng bào dân tộc Thái…là hình ảnh của thành phố Điện Biên Phủ-thủ phủ của tỉnh miền núi biên giới Điện Biên trong tương lai gần. Vóc dáng đó đã hiện hữu ví như thiếu nữ Thái sắp bước vào tuổi “trăng tròn” đang cuốn hút hàng vạn lượt du khách vượt đèo núi lên đây chiêm ngưỡng, nhân dịp kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 5 này. 
 
Sự phát triển vượt bậc  
  
Năm 1990, khi tỉnh lỵ Lai Châu cũ (nay là tỉnh Điện Biên) được chuyển về vùng đất lịch sử để tránh thảm họa lũ ống, lũ quét ở Mường Lay, thị xã Điện Biên Phủ được thành lập trên nền thị trấn của huyện Điện Biên cũ với vài căn nhà cấp 4 và xã Thanh Minh thuần nông nghèo khó. Song với tinh thần và khí phách phát huy truyền thống Điện Biên, cộng với niềm hứng khởi được “an cư lạc nghiệp” lâu dài, nên chỉ trong vòng 10 năm đội ngũ cán bộ và đồng bào các dân tộc địa phương đã “đồng tâm hiệp lực” nhanh chóng biến cải vùng đất này trở thành đô thị loại II vào năm 2004, đúng vào dịp kỷ niệm nửa thế kỷ Chiến thắng lịch sử Điện Biên.  
 
Hiện thành phố có 4 vạn người và 8 đơn vị hành chính với tổng diện tích trên 6.000ha, so với ngày đầu thành lập số dân tăng gấp 4 lần còn diện tích đất đai tăng gấp đôi. Nhưng ngoài ấn tượng là một thành phố du lịch có kết cấu điện-đường-trường-trạm khá hiện đại mang dáng dấp đặc thù của kiến trúc miền núi Tây Bắc. Điều kỳ diệu nhất đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố bình quân hàng năm đạt 17%, riêng năm 2008 đạt tới 19,1%, thu nhập bình quân đầu người 1.389 USD/năm đứng đầu vùng Tây Bắc, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,99% đang là niềm mong ước của không ít đô thị trên địa bàn vùng núi.  
 
Lý giải về những điều “kỳ diệu” đã diễn ra trên vùng đất lịch sử ngày nay, ông Nguyễn Quang Sáng, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Ngay từ Đại hội lần thứ nhất (1993-1998), Đảng bộ thành phố đã xác định phát triển thương mại-dịch vụ-du lịch là chủ đạo. Từ Nghị quyết đúng đắn đó, cán bộ và đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã nhanh chóng cụ thể hóa những chương trình hành động vào thực tế địa phương một cách sống động. Vì vậy đã tạo ra những bước tiến lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó tỷ trọng thương mại-dịch vụ-du lịch cho tới thời điểm này đã chiếm trên 56%, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng trên 40%, nông-lâm nghiệp chỉ còn vẻn vẹn 3,2%. Nếu như trước năm 2000, nền kinh tế của thành phố Điện Biên Phủ vẫn nặng về “tự cấp tự túc” thì ngày nay tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ xã hội mỗi năm ước đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, bao gồm 13 doanh nghiệp nhà nước, 89 doanh nghiệp tư nhân và 2.510 hộ cá thể tham gia kinh doanh thương mại.  
 
Ông Sáng nhớ lại: Dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2004, đoàn cán bộ gồm 200 người của thành phố Hồ Chí Minh lên thăm Điện Biên đã dành hẳn 1 xe tải lớn chở cả lều dã chiến và lương thực, thực phẩm đi theo dự phòng. Nhưng rút cục như ông Trưởng đoàn nhận xét: “Hàng hóa trên đây phong phú chẳng kém gì chợ Bến Thành, thậm chí nhiều thứ còn rẻ hơn. Còn cách thức phục vụ thì như là người thân quen trong dòng tộc vậy!’. Chính vì dịch vụ phát triển đa dạng, cùng với hệ thống đường bộ được nâng cấp ngày càng êm thuận. Đặc biệt là vận tải hàng không Hà Nội-Điện Biên thường xuyên tăng chuyến bay tùy theo nhu cầu thực tế, nên lượng khách trong và ngoài nước lên địa bàn tham quan du lịch không ngừng gia tăng, doanh thu từ du lịch mỗi năm đạt khoảng 81 tỷ đồng.  
 
 Tầm vóc mới  
  
Trong định hướng quy hoạch phát triển đô thị đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, thành phố Điện Biên Phủ đã và đang phát triển mở rộng về phía đông, nhằm hình thành chuỗi đô thị mới hiện đại để “cởi bỏ” chiếc áo cũ đã quá chật hẹp, biến vùng đất lịch sử này thành trung tâm kinh tế tổng hợp có tốc độ tăng trưởng và trình độ phát triển cao hơn nữa. Trong đó ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch, kinh tế biên mậu, công nghiệp chế biến và dịch vụ. Mặt khác, đây còn là nơi bảo tồn văn hóa lịch sử cách mạng, vùng sinh thái thiên nhiên và văn hóa tâm linh bền vững của cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc. Việc phát triển các khu đô thị mới dựa trên cơ sở khai thác mở rộng các quỹ đất trống và dải đất ven các đồi thoải, thung lũng và quỹ đất bán sơn địa đang bỏ hoang hóa hiện nay.  
  
Theo đó, định hướng quy hoạch đô thị Điện Biên Phủ sẽ có 9 đơn vị hành chính, mỗi đơn vị quy mô từ 2-2,5 vạn dân mà trung tâm sẽ là vùng Noong Bua hiện nay gồm khu hành chính, quảng trường, thương mại, ngân hàng…Còn những khu đô thị vệ tinh là các khu gia công mậu dịch, văn phòng đại diện thương mại, du lịch quốc tế; khu chợ đầu mối và tổng kho trung chuyển; khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Huổi Phạ; các khu nghỉ mát, lâm viên, du lịch leo núi mạo hiểm, trung tâm dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp và các trang trại nhà vườn thuộc vùng phía tây xã Thanh Minh. Hệ thống cây xanh công viên và các khu văn hóa-thể thao, vui chơi giải trí được bố trí ven bờ sông Nậm Rốm, Nậm Có và các hồ suối liên hoàn lưu thủy. Các khu đô thị này sẽ phát triển độc lập dựa vào hành lang giao thông quốc lộ 12, quốc lộ 279 và các trục đường mới, được gắn kết với nhau và với trung tâm Noong Bua bằng hệ thống đường khu vực.  
  
Ông Bùi Viết Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên khẳng định: Định hướng đưa thành phố Điện Biên Phủ phát triển thành trung tâm vùng Tây Bắc, trở thành trọng điểm du lịch trong hệ thống du lịch quốc gia. Vì vậy, toàn bộ trung tâm hành chính hiện nay của thành phố đặt tại phường Him Lam sẽ dời chuyển vào khu vực Noong Bua để dành chỗ xây dựng khu thương mại mới và các điểm dịch vụ du lịch. Điểm nhấn cho không gian đô thị Điện Biên Phủ là sự hình thành khu đô thị bảo tàng, nhưng vẫn bảo toàn nghiêm ngặt được các điểm di tích lịch sử hiện có. Từ điểm nhấn này, không gian đô thị mới sẽ tạo nên nét đặc trưng của một đô thị du lịch sử-văn hóa-sinh thái “độc nhất vô nhị” trên miền cực tây của tổ quốc.  
  
Đến thăm khu tái định cư Thủy điện Sơn La cho 406 hộ đồng bào tại Noong Bua, mọi người đã có thể cảm nhận được dáng dấp của khu đô thị mới bề thế, bởi những dãy nhà quy hoạch thông thoáng với hệ thống đường nội bộ như ô bàn cờ tạo không gian mở, kèm theo hệ thống trường học, y tế, dịch vụ được bố trí một cách khoa học xen kẽ màu xanh của các lâm viên, chứng tỏ chất lượng sống nơi đây được các nhà quản lý quy hoạch đặc biệt coi trọng. Ông Lò Văn Tiến là chủ hộ tái định cư nhận xét: So với nơi ở cũ tại bản Na Nát thuộc thị xã Mường Lay thì khu tái định cư Noong Bua tốt hơn hẳn. Ngoài mở cửa hàng bán thổ cẩm cho khách du lịch, gia đình ông còn dành diện tích nuôi gà thả vườn nên thu nhập cũng cao hơn thời làm nương nơi bản cũ. Nhờ có cơ chế và chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, riêng năm 2008 tổng giá trị xây dựng cơ bản của thành phố Điện Biên Phủ đạt xấp xỉ 400 tỷ đồng, trong đó nhân dân đầu tư trên 100 tỷ đồng xây dựng hoàn chỉnh 71.000m2 sàn nhà ở và xưởng sản xuất.  
  
Ngay từ đầu năm nay, trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ đã có tới 31 công trình trọng điểm được khởi công, tiêu biểu như doanh nghiệp tư nhân Trường Giang đã mạnh bạo đầu tư phá rỡ toàn bộ chợ trung tâm I để xây mới Trung tâm thương mại quy mô lớn nhất tỉnh. Những công trình đó đã và đang biến đổi vùng đất lịch sử hàng ngày, giúp đồng bào các dân tộc địa phương khai thác tiềm năng sẵn có vươn tới cuộc sống ấm no và bền vững hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *