|
KTĐT – Nếu hôm nay chúng ta để họ ngang nhiên chặt phá dù chỉ là một cây sưa vì lợi ích cá nhân, thì ngày mai họ sẽ dám tàn phá cả những điều lớn hơn của đất nước.
Khi lòng tham được đẩy lên cao như giá gỗ sưa
Rộ lên từ giữa năm 2007 và trong 2 tháng gần đây, các vụ chặt hạ cây sưa tại Thủ đô đã không còn là câu chuyện trách nhiệm của riêng cơ quan chức năng bảo vệ cây xanh hay công an, chính quyền sở tại nữa. Gần 20 vụ chặt trộm cây sưa trong vòng chưa đến 2 tháng không còn là “hồi chuông đáng báo động” nữa, mà nó trở thành một “dàn chuông” cấp bách. Và đằng sau những báo động khẩn thiết ấy, dư luận lại bắt buộc phải đặt ra những câu hỏi “tại sao”, khi mà lâm tặc “lừng lững cầm cưa đi giữa phố phường Hà Nội”…
Trước khi xảy ra hàng loạt vụ chặt trộm cây gỗ sưa tại Hà Nội, thì “sưa tặc” đã hoành hành tại nhiều tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên. Nhiều tỉnh có số lượng gỗ sưa nhiều như Gia Lai, Quảng Nam… vốn lâu nay đã nóng với tình hình lâm tặc chung, cách đây 2 năm lại ồn ào với những vụ lâm tặc chặt gỗ sưa hay lực lượng kiểm lâm chặn bắt nhiều xe trở loại gỗ này.
Một thời gian, chẳng biết “sưa tặc” đã “làm thịt” hết số gốc sưa ở đây hay là “các cơ quan chức năng đã nỗ lực ra quân truy quét” nhưng người ta lại thấy một số tỉnh phía Bắc rộ lên thông tin về những kẻ chuyên đi thu mua gỗ sưa từ trong dân. Có những nơi, có thời điểm giá 1 kg gỗ sưa vào năm 2007, 2008 đã lên tới vài trăm nghìn.
Và một khi, lòng tham bị đẩy lên như giá gỗ sưa khiến thế gian lại truyền nhau thêm những câu chuyện bi, hài. Nhiều kẻ ăn không ngồi rồi lúc nào cũng có nguy cơ “trở thành tội phạm” choáng váng với cách kiếm tiền từ cây sưa bình thường chẳng có giá trị gì này.
Còn nhớ, trong năm 2008, một số tờ báo đã đăng tải nhiều thông tin “dở khóc dở cười” về cái sự “sốt” của gỗ sưa. “Sốt” hay “sốt” ảo người đời khó mà biết nổi, nhưng giá trị tiền bạc sờ sờ trước mắt mà cây sưa mang lại đã làm xôn xao nhiều vùng quê phía Bắc một thời.
Đó là câu chuyện về 3 cây sưa được trồng để lấy bóng mát trong sân một UBND xã ở Vĩnh Phúc có tuổi 20 năm vì nằm chắn lối đi nên được đem bán khi sửa sang lại trụ sở. Quyết định của xã trên vừa ban xong đã có nhiều người về dạm mua và cuối cùng xã phải… đấu giá. Số tiền hơn 1 tỷ đồng thu được từ 3 cây sưa cũ kỹ với chức năng che bóng mát đã làm người dân choáng váng. Nhiều gia đình khi biết cái giá ngất ngưởng của loại gỗ này, đã mang bán cả những đồ đạc có giá trị về tinh thần và gắn bó hàng chục năm với mình ra bán lấy vài chục, vài trăm triệu…
Để “khuyến khích” người dân ở các làng quê mang đồ đạc làm bằng gỗ sưa ra bán, các đầu nậu đã tung hỏa mù về thông tin, giá cả một cách thuyết phục. Giá gỗ sưa đỏ ban đầu được mua với giá vài trăm nghìn một cân, sau nâng lên gần 1 triệu, thậm chí có người rỉ tai nhau đã bán gỗ sưa với giá gần 2 triệu đồng. Tác dụng của gỗ sưa cũng được truyền tụng rằng đầu nậu mua để bán sang nước ngoài làm chất liệu ướp xác, làm chất pha trong ma túy, làm những đồ thờ cúng xịn… Tất cả những giả thiết trên được một số nhà khoa học phủ nhận.
Nhưng tại sao gỗ sưa lại đắt như vậy vẫn là một bí ẩn như có chủ ý…
Và những câu hỏi “tại sao?”
Sau khi thu mua hết số gỗ sưa tươi tồn tại rải rác tại các làng quê, nhiều đầu nậu tính bài liều khi khan hàng. Chúng tiến về Thủ đô, thuê người chặt trộm cây sưa khi nắm được thông tin Hà Nội có tới vài trăm cây sưa to. Liên tục các vụ “sưa tặc” lộng hành giữa Thủ đô như giữa rừng. Từ năm 2007, hàng cục cây sưa đỏ bị đốn, bị tỉa khiến người dân bức xúc. Họ càng bức xúc hơn khi “sưa tặc” vác cưa tấn công vào những nơi tâm linh, những nơi mang giá trị văn hóa tinh thần cao đất Thăng Long như khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, công viên.
Lạ kỳ hơn nữa, khi cây sưa trăm tuổi trong công viên gò Đống Đa bị chặt hạ không phải do bàn tay và những nhát cưa của “sưa tặc”. Báo chí và dư luận đã một thời bức xúc khi chính những người quản lý ở đây đốn cây sưa đó, với lý do “cây mục, tránh gây ảnh hưởng đến người dân”.
Những người liên quan đã bị cơ quan công an khởi tố, nhưng nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra. Tại sao chính những người bảo vệ cây xanh, bảo vệ văn hóa của Thủ đô lại làm ngược lại với những gì được giao? Tại sao lòng tham dễ dàng lấn át được trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ mà họ mang trong mình? Không biết những người quản lý thành phố có biết được rằng khi những người được giao sứ mệnh bảo vệ cây xanh, bảo vệ văn hoá lại ngang nhiên tàn phá những thứ họ phải bảo vệ thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Câu hỏi “tại sao” không chỉ được thốt lên ít như vậy. Gần đây, khi Thủ đô lại liên tiếp mất trộm những cây sưa đỏ, đích thân Bí thư Thành uỷ Hà Nội đã phải lên tiếng về tình trạng này và chỉ đạo cho các cơ quan chức năng thành phố điều tra, kiên quyết đưa những kẻ chặt hạ cây xanh ra trước pháp luật. Chỉ vài ngày sau khi có chỉ đạo của Giám đốc công an Hà Nội, cơ quan công an đã huy động lực lượng tập kích một kho gỗ sưa lớn tại Thủ đô, rồi ngày hôm sau bắt nóng hơn chục đối tượng “sưa tặc”.
Khi những thông tin công an phá án đường dây chặt trộm gỗ sưa này được đăng tải, nhiều người dân đã phản ánh với báo chí. Có khen, có chê. Nhân dân khen về thành tích xuất sắc, phá án nhanh. Nhưng cũng có những người dân mạnh dạn đặt ra câu hỏi, tại sao lâm tặc vác cưa, vác kiếm đốn hạ gần 20 cây sưa trong vòng 2 tháng qua tại Hà Nội mà không tên nào bị “tóm”? Dù hành động vào ban đêm, nhưng tại sao lâm tặc lại dễ dàng qua mắt cơ quan chức năng đến vậy? Và tại sao, công an lại phá án nhanh đến thế, nếu không có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố? Đơn vị quản lý cây xanh ở Thủ đô phải có trách nhiệm và các biện pháp cụ thể như thế nào chứ không chỉ là những báo cáo gửi thành phố và cơ quan công an sau mỗi vụ cây sưa bị đốn hạ?
Tất nhiên, đó chỉ là những câu hỏi khi thủ phạm của các vụ chặt trộm cây sưa đã “lộ sáng”, nhưng như chúng tôi đã nói ở trên, ngoài sự cảm phục, người dân có quyền “phản biện” khi trong lòng còn day dứt…
Cuối cùng, dư luận đặt ra câu hỏi thường… khó trả lời nhất. Đó là câu hỏi về trách nhiệm. Ai cũng biết, “sưa tặc đời 2009” manh động hơn hẳn “sưa tặc đời 2007”. Nếu như năm 2007, chúng chỉ dám cưa trộm thì hiện nay, chúng sẵn sàng cướp trắng cây theo kiểu buộc dây thép vào cửa nhà dân, rồi dùng kiếm đe dọa; hay ngang nhiên cưa cây giữa phố phường đông đúc người qua lại…
Trước sự liều lĩnh của “sưa tặc”, một người dân sẽ rất sợ, hai người dân vẫn rất sợ chúng. Nhưng 3 triệu người dân Hà Nội với chính quyền và các cơ quan chức năng hùng hậu của mình không thể “sợ” một nhóm lâm tặc, dù chúng có manh động như thế nào!
Có một bác hưu trí đã thốt lên với chúng tôi rằng, bác không thể hiểu tại sao nhiều người dân lại quá thờ ơ với chuyện lâm tặc đốn hạ cây sưa. Tâm lý “cha chung không ai khóc”? Hay nó đã thành sự lãnh cảm? Hoặc làm ngơ? Và không ít người đân đã phải kêu lên rằng luật pháp của một đất nước đã bị nhiều kẻ quá coi thường. Đấy chính là điều nguy hiểm nhất mà chúng ta phải cảnh báo.
Chính Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đặt ra câu hỏi này: “Ai cũng thốt lên: sao lại có kẻ nỡ làm chuyện phá hoại ngang nhiên như vậy? Và rồi, một câu hỏi khác: thế chính quyền, các cơ quan chức năng, thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng, công an thành phố, công an khu vực… và những người dân Thủ đô yêu quý cây xanh không lẽ chịu thua, chẳng lẽ để lâm tặc mặc sức hoành hành giữa lòng Thủ đô Hà Nội?”.
Không chỉ là trách nhiệm quản lý đô thị, đích thân Bí thư Hà Nội đã kêu gọi, khơi dậy trách nhiệm của cả xã hội cùng tham gia bảo vệ cây sưa, bảo vệ tình yêu đối với những hàng cây xanh như là một giá trị văn hóa của Thủ đô. Nếu mỗi người dân cùng có chung một ý thức bảo vệ, chắc chắn, “sưa tặc” sẽ không còn đất để hoạt động…
Như thế, mỗi độ tháng 3 về, từng góc phố Hà thành mới nhuộm trắng hoa sưa với mùi thơm nhè nhẹ, quyến rũ và đầy bản sắc… Nhưng chuyện cây sưa không chỉ đơn thuần là cây sưa. Việc bảo vệ những cây cổ thụ và những cây quí hiếm chính là văn hoá. Nó chính là chuyện về nhận thức và lối sống thiếu văn hoá của con người.
Sự thật là họ đã và đang tàn phá thiên nhiên một cách ngang nhiên. Họ lấp hồ, chặt cây, săn bắt động vật hoang dã bừa bãi, bẫy và bắn chim chóc, xâm lấn các di tích văn hoá, lịch sử… Nếu hôm nay chúng ta để họ ngang nhiên chặt phá dù chỉ là một cây sưa vì một lợi ích cá nhân nho nhỏ, thì ngày mai họ sẽ dám tàn phá cả những điều lớn hơn của đất nước.
Theo VNN