Nhìn những thông số về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, ai cũng thấy sướng. Con đường dài 1.570km này dự kiến khởi công năm 2014 và đưa vào vận hành năm 2020. Toàn tuyến có 27 ga (25 ga dọc tuyến và 2 ga đầu cuối), đi qua 20 tỉnh, thành. Với tốc độ bình quân 300 km/h, tàu sẽ chạy trong 5h38 từ Hà Nội đến Tp.HCM (đối với tàu nhanh, chỉ đỗ các ga Vinh, Đà Nẵng, Nha trang) và 6h51 với tàu thường đỗ ở tất cả các ga. Thời gian chạy từ Hà Nội – Vinh dự kiến là 1h24, Tp.HCM – Nha trang 1h30. Nghĩ lại mấy ngày đêm dài dằng dặc ngồi trên tuyến đường sắt hiện nay, ai chẳng mơ ước cái con đường cao tốc ấy có càng nhanh càng tốt.
Thế nhưng trong cuộc hội thảo gần đây được tổ chức tại Hà Nội cho thấy quá nhiều vấn đề gai góc để biến giấc mơ ấy thành hiện thực. Chướng ngại vật đầu tiên là tiền đâu? Tổng mức đầu tư dự tính là 55,853 tỷ USD, con số không hề nhỏ so với tiềm lực kinh tế của nước ta hiện nay. Các nhà khoa học còn tính toán rằng thực tế sẽ chi phí vào dự án này ít nhất là khoảng 100 tỷ USD, trong khi đất nước còn rất nhiều lĩnh vực hạ tầng khác đang cần đầu tư.
Tiếp nữa là vấn đề hiệu quả kinh tế của dự án. Nếu xây dựng một con đường vĩ đại như vậy nhưng nhu cầu đi lại và đặc biệt là khả năng thanh toán của đông đảo người dân còn hạn chế thì nên như thế nào? Có nhà khoa học cho rằng những số liệu đánh giá dự báo số lượng hành khách trong dự án có phần chủ quan, thiếu tính thực tế và lấy ngay bài học khi xây dựng đường Hồ Chí Minh trước đây, các con số về lưu lượng xe chạy, hiệu quả kinh tế thu được thấp hơn hàng chục lần. Do đó, cần phải thử nghiệm trước để làm căn cứ đánh giá, như thí điểm cung đoạn Sài Gòn – Nha trang chẳng hạn.
Một vấn đề gai góc nữa phải giải quyết là sự ảnh hưởng tới môi trường. Các nhà khoa học cảnh bá Một dự án phá mất 1.383ha đất rừng, tái định cư cho 16.500 hộ (gấp đôi số hộ tái định cư trong dự án hồ thủy điện Sơn La) mà không hề thấy nhắc tới tác động môi trường. Toàn tuyến có 214km đắp đường trên nền đất thấp sẽ tạo ra địa hình cao như một con đê chắn nước, tạo ra lụt cục bộ, vậy thoát lũ ra sao? Năm 2020, dự án tiêu thụ nguồn điện 770 triệu kwh, nguồn này sẽ lấy từ đâu? Toàn những câu hỏi hóc búa…
Tuy nhiên, trong thời đại kinh tế toàn cầu phát triển như vũ bão hiện nay, đường sắt cao tốc đang phát triển như một tất yếu không chỉ ở từng quốc gia mà trong tương lai còn nối liền các châu lục. Việt Nam không thể ngoại lệ. Nói ra những rào cản để thấy rằng ở một đất nước còn nghèo như Việt Nam, cần có phương án nào để đạt được hiệu quả nhất mà thôi. |
Lấn bấn với đường săt cao tốc
0