Cách đây đã nhiều năm, mỗi khi đề cập đến việc đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phát huy vai trò của các cấp quản lý nhà nước (QLNN) về xây dựng thì thường vấp phải một lực cản rất… “nóng” từ thực tế cơ sở. Đó là tình trạng thiếu nhân lực, thiếu đội ngũ cán bộ, kỹ sư, kiến trúc sư để giúp sức các Sở Xây dựng địa phương.
1Ở rất nhiều huyện trên địa bàn cả nước tồn tại cái gọi là “Phòng Giao thông – Công – Xây” nhưng chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm chưa được chuyên môn hóa, chưa giúp được UBND cấp huyện thực hiện tốt chức năng QLNN; còn tại các xã hầu như không có cán bộ chuyên trách quản lý về xây dựng. Điều đó trái ngược và mâu thuẫn với yêu cầu thực tế là cấp huyện, xã ngày càng được phân cấp mạnh về thẩm quyền, trách nhiệm trong việc quyết định và quản lý các dự án đầu tư xây dựng. Tuy nhiên đến nay, đã nhiều năm trôi qua, khi mà công tác QLNN về xây dựng ngày càng đặt ra những yêu cầu cấp bách, càng nhiều các lĩnh vực đòi hỏi cấp cơ sở phải phát huy tối đa tinh thần chủ động, sáng tạo thì vấn đề nhân lực và trình độ đội ngũ cán bộ tại địa phương vẫn hết sức khó khăn. Được biết, hiện vẫn có những sở xây dựng chỉ có… 20 người, trong đó bao gồm cả nhân viên hành chính, văn thư, đánh máy, lái xe, bảo vệ, tạp vụ… Với nguồn nhân lực mỏng như vậy, rõ ràng việc cập nhật đầy đủ diễn biến đời sống xây dựng tại tất cả các huyện, xã trên địa bàn tỉnh là việc gần như không thực hiện nổi. Ông Giám đốc Sở Xây dựng Sơn La từng thừa nhận: “Làm sao có thể cập nhật thông tin hỗ trợ quản lý trong khi muốn đi một vòng các huyện, xã trong tỉnh phải mất đến… 1 tháng!”. Hơn nữa, với cán bộ quản lý ngành tại địa phương, chức năng, nhiệm vụ của họ đâu chỉ có quanh quẩn trong mỗi việc khảo sát, nắm bắt tình hình, bởi theo đúng quy định hiện hành, với những địa phương không có Sở Kiến trúc – Quy hoạch, Sở Giao thông – Công chính, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng… thì tất thảy mọi việc như quản lý xây dựng, kiến trúc, quy hoạch phát triển đô thị, cụm dân cư nông thôn, quản lý nhà ở, công thự, trụ sở làm việc, quản lý VLXD, công trình công cộng, cụm dân cư nông thôn… đều do Sở Xây dựng chịu trách nhiệm. Ông Nguyễn Hoàng Liên Sơn – Giám đốc Sở Xây dựng Kon Tum nêu lên một thực tế: “Hiện nay các ngành: Giao thông, Địa chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… đều thiết lập được hệ thống quản lý tới huyện, xã, có nơi vươn tới các thôn, bản nhưng ngành Xây dựng thì chưa thực hiện được điều này, sở dĩ một phần do thiếu nhân lực”. Cũng theo ông Sơn, đời sống xây dựng rất rộng lớn, có nhiều việc, nhiều lĩnh vực liên quan tới các ngành khác như địa chính, tài chính – vật giá, kế hoạch – đầu tư… nhưng lại thiếu cơ quan quản lý thường xuyên theo sát, nắm bắt , điều chỉnh kịp thời. Từ thực trạng này, rất dễ hình dung một thực tế đáng lo ngại, khi mà lực lượng chưa đủ, lại nặng về quản lý là chính nên tiếng nói chưa ngang tầm với vai trò, thì dĩ nhiên công tác chuyên môn cũng rất khó đạt được hiệu quả. Một cán bộ lãnh đạo ngành tại địa phương cho hay: “Rõ là đang thiếu cán bộ, nhưng xin thêm người lại trái với tinh thần giảm biên chế, mà không có biên chế thì khó kéo được người về. Đó là cái vòng luẩn quẩn không dễ khắc phục!”
2Giám đốc Sở Xây dựng Đắc Lắc cho rằng, phân cấp phân quyền càng mạnh càng tốt nhưng với các địa phương đặc thù như miền núi, hải đảo… cần được điều hành bằng những cơ chế, quy định đặc thù chứ không thể theo khung điều hành chung như với các tỉnh đồng bằng, TP. Chẳng hạn, yêu cầu để cấp chứng chỉ hành nghề đối với kỹ sư tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát là phải có thời hạn công tác 5 năm, điều này với Đắc Lắc và chắc chắn rất nhiều tỉnh miền núi khác, không thể thực hiện nổi, bởi mời được kỹ sư, kiến trúc sư trẻ ra trường về công tác tại địa phương làm việc là điều hết sức khó khăn… Ngay như một văn bản được cho rằng sẽ khích lệ tối đa tinh thần tự chủ, chủ động cho cơ sở, mang lại “luồng gió mới” cho thực tiễn hoạt động xây dựng như Nghị định 99/CP về đổi mới QLNN về kinh tế xây dựng, thì xét riêng tại tỉnh miền núi Đắc Lắc cũng có khá nhiều chuyện bi hài. Trong khi NĐ cho phép chủ đầu tư và các nhà thầu được thương thảo giá trị hợp đồng để giá cả tiệm cận với thực tiễn, nhưng trên thực tế, mong muốn đó hầu như không thực hiện được. Không ít chủ đầu tư vẫn cương quyết bám vào đơn giá do Liên Sở Xây dựng – Tài chính công bố hàng tháng như cách làm thông thường đã duy trì hàng chục năm nay. Nghĩa là được giao quyền nhưng không dám nhận, không dám làm và sợ chịu trách nhiệm. Chủ đầu tư không phát huy được quyền làm chủ, nhưng họ lại cho rằng nguyên nhân của việc này là do 120 doanh nghiệp tư vấn xây dựng của tỉnh – nghĩa là số lượng doanh nghiệp tư vấn rất lớn – nhưng thực tế không đơn vị tư vấn nào đủ năng lực đứng ra công bố giá. 120 DN tư vấn làm chức năng dịch vụ nhưng thủ tục xây dựng trên địa bàn tỉnh vẫn tiến hành rất chậm. Tìm hiểu ra mới vỡ lẽ, 120 DN tư vấn là con số quá lớn, nhưng thực chất phần nhiều trong số đó hình thành từ nguồn cán bộ của 1 Cty tư vấn xây dựng của tỉnh, do các cá nhân bỏ việc chạy ra ngoài thành lập thêm Cty. Số lượng tăng nhưng chất lượng không tăng bởi thực tế nhân lực của tỉnh chỉ có bấy nhiêu thôi. Như vậy phân cấp mạnh cho cơ sở liệu có phù hợp trong bối cảnh năng lực của cán bộ cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ? – Đây là một câu hỏi gai góc và dĩ nhiên không nên đặt vấn đề theo kiểu “bàn lùi” như vậy khi tiến trình đổi mới hoạt động xây dựng đang diễn ra mạnh mẽ. Chính Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đã có lần thẳng thắn cho rằng, quan điểm đó có phần phiến diện vì với yêu cầu và trách nhiệm nặng nề của Ngành, dứt khoát phải tiến hành phân cấp và phân cấp mạnh hơn nữa, phải mạnh dạn giao cho cơ sở, ban đầu có thể làm chưa tốt, nhưng phải hướng dẫn, thậm chí phải bắt tay chỉ việc để họ làm tốt hơn… Mặc dù vậy, phải nhìn thẳng vào sự thật: Mỏng về lực lượng chính là điểm khó khăn nhất trong việc triển khai các ý tưởng cải cách mô hình quản lý Nhà nước của Ngành tại các địa bàn đặc thù như miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa…Hay nói cách khác nhiệm vụ nặng nề của ngành Xây dựng lúc này là vừa phải đẩy mạnh cải cách, xây dựng bộ máy, vừa phải chú ý tới khâu đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, hải đảo… để thực hiện chủ trương cải cách tổ chức bộ máy theo hướng tích cực, hiệu quả. |
Lấp đầy “khoảng cách” vùng đặc thù
104