|
Gần đây, trên địa bàn TP Hà Nội cùng với sự xuất hiện của một số tuyến phố mới đang tồn tại tình trạng loạn biển số nhà. Điều này đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân địa phương cũng như việc quản lý của các cơ quan chức năng…
Loạn số nhà trên các tuyến phố mới
Trong những phản ánh gửi về Báo CAND, nhiều bạn đọc đã cho biết, thời gian gần đây trên nhiều con đường và những tuyến phố mới mở trên địa bàn Hà Nội xuất hiện tình trạng… loạn số nhà. Tình trạng bát nháo về số nhà đã gây ra nhiều rắc rối cho chính những chủ nhân của các ngôi nhà trên.
Cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Một trong những tuyến phố bị phàn nàn nhiều nhất đó là đường Kim Liên mới – đoạn đường từng được báo chí bình chọn là “đoạn đường đắt nhất hành tinh”.
Thời gian trước, đi dọc đường Kim Liên, hầu như ai cũng cảm thấy rất khó chịu bởi nạn… loạn số nhà. Số chẵn nằm bên cạnh số lẻ, cách nhau cả hàng chục số nhưng vẫn nằm sát nhau loạn xạ. Thời gian gần đây, tuyến đường này đã được đánh lại số nhà, tuy nhiên, hiện tại phần lớn các hộ dân tại đây vẫn để nguyên cùng một lúc cả hai số nhà (cũ và mới).
Bên cạnh đó, có nhiều cửa hàng sau khi xây dựng sửa sang lại đã kẻ vẽ biển hiệu và ghi luôn số cũ lên trên nền để quảng cáo. Thế nên cùng một ngôi nhà có hai biển số nhà đang là thực tế tồn tại trên tuyến đường này.
Đơn cử như việc một công ty có trụ sở tọa lạc trên trục đường này phía trên ghi số 134 đường Kim Liên mới, còn phía dưới lại ghi biển số là 228 Xã Đàn. Cách đó không xa, một trường hợp khác cũng vậy. Phía trên là số nhà 93B, tổ 26B, phường Phương Liên, ở dưới biển số lại được mặc định là số 59… Điều này cũng đã lặp lại ở hàng loạt các ngôi nhà nằm ở dọc trục đường này như: 384 và 48, 17 và 420, 141 và 440 rồi 472 và 123…
Cùng chung tình trạng tương tự là tuyến phố Lê Văn Lương. Chỉ một đoạn ngắn vài trăm mét trên tuyến phố này nhưng số nhà… hoa cả mắt. Cùng một dãy liền kề nhưng số to đứng cạnh số nhỏ, số chẵn chen vào số lẻ. Từ số 11 rồi 19, 45, 20, 18, 61 và rồi lại… 18. Tuyến phố này có đủ các loại dịch vụ từ bia hơi, ăn uống, sửa chữa ôtô, xe máy, hàng quán…
Thật quá vất vả cho những ai lần đầu tiên tìm đến những địa chỉ này mà chỉ… nhăm nhăm nhìn vào biển số nhà. Tuyến đường Lê Văn Lương đã vậy, khi theo đường Nguyễn Thị Định rẽ vào Khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính chúng tôi càng hoảng hơn.
Có những ngôi nhà ở đây được gắn 2-3 biển số nhà. Cả dãy phố mới khang trang nhưng số nhà cứ như số lô tô nhảy loạn xạ cả lên từ 33-16-35-15… Đặc biệt bên cạnh tình trạng loạn số còn có tình trạng… viết sai lỗi chính tả tên đường.
Điển hình cho tình trạng này là tại con đường mang tên Tiến sỹ Nông học Lương Định Của ở phường Kim Liên – Đống Đa – Hà Nội một số trường hợp đã tự ý đổi tên thành… Lương Đình Của. Tuyến đường Tam Trinh quận Hoàng Mai (Hà Nội) thì có rất nhiều hộ dân đã đổi thành đường… Tam Chinh.
Cần sự rà soát điều chỉnh để… dẹp loạn
Thực tế cho thấy, việc loạn biển số nhà trên một số tuyến phố hiện nay đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, hoạt động kinh doanh của người dân cũng như công tác quản lý cơ sở của chính quyền địa phương.
Sáng 3/9, trao đổi với chúng tôi, đại diện chính quyền UBND phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: Tình trạng hỗn độn biển số nhà trên một số tuyến phố (Lê Văn Lương, Nguyễn Thị Định, Hoàng Ngân…) thuộc địa bàn phường đã xuất hiện từ nhiều năm nay.
Căn nguyên làm xuất hiện thực trạng trên chính là do bởi, sau khi các tuyến phố đi vào hoạt động, những khu dân cư không nằm trong diện giải phóng mặt bằng vẫn đánh số theo các ngõ, ngách của trục đường cũ.
Đơn cử như đoạn đường Lê Văn Lương, người dân vẫn sử dụng số nhà ăn theo ngách 72 phố Quan Nhân và trực đường Nguyễn Ngọc Vũ. Mặt khác, đặc điểm giáp ranh về địa giới với phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) cũng là một trong những nhân tố khiến việc đánh biển số nhà trên phố Nguyễn Thị Định hiện chưa có sự đồng nhất.
Đáng chú ý, theo lý giải của chính quyền địa phương, tình trạng tự ý gắn biển số nhà của người dân cũng là một trong nguyên nhân gây nên sự hỗn độn biển số nhà. Nhiều hộ gia đình (tập trung ở khu biệt thự) đã giấu bặt những thông tin cá nhân, tự ý đánh biển số nhà do đó, tại các khu vực này, biển số nhà bị chồng chéo lên nhau, số nhà xen lẫn với ký hiệu lô đất v.v…
Chính quyền địa phương cũng thừa nhận, tình trạng này đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ cho sinh hoạt của người dân cũng như công tác quản lý của chính quyền địa phương…
Để khắc phục tình trạng trên, ngay trong năm 2007, UBND phường Trung Hòa đã lập biểu, làm tờ trình kiến nghị lên UBND quận Cầu Giấy, thông qua đó xin lắp mới hàng trăm biển số nhà, biển công trên các tuyến phố mới đã đi vào hoạt động trên địa bàn và sau đó đã được UBND quận Cầu Giấy chấp thuận.
Do đó, vào thời điểm này, đã có hơn 100 biển số nhà được lắp đặt. Tuy nhiên, đứng trước việc vẫn còn không ít hộ gia đình có 2 số nhà, năm 2008, UBND phường tiếp tục kiến nghị lên UBND quận cho lắp mới thêm hàng trăm biển số nhà, biển công khác.
Thế nhưng, sau khi đã được đồng ý và thực thi việc lắp đặt, UBND phường lại nhận được công văn tạm dừng việc gắn biển số nhà từ phía UBND quận Cầu Giấy. Lý do mà UBND quận Cầu Giấy đưa ra chính là để chờ đặt tên nốt cho các tuyến phố chạy ngang qua địa bàn còn lại rồi lắp luôn cả thể…
Tình trạng loạn số nhà, sai tên chính tả tên một số tuyến phố ở Hà Nội đang là một thực tế cần sớm được các cơ quan chức năng khắc phục.
Đặc biệt là trong thời điểm dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long đã cận kề. Trên thực tế, để khắc phục những bất cập trên, mỗi quận, huyện chỉ cần cử ra một tổ công tác thống kê, rà soát lại rồi sau đó tập hợp lại, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương đưa ra các biện pháp giải quyết.
Theo CAND