Khi câu chuyện thương tâm về “chú lính chì” Thiện Nhân và những người cưu mang chú gây xúc động trong cả nước, trở thành biểu tượng của lòng nhân ái, cổ tích của thời hiện đại, thì những vụ bạo hành, lạm dụng tình dục, mua dâm học sinh, buôn bán trẻ em diễn ra ở Hà Giang, Tây Nguyên, Hà Tĩnh, Quảng Bình và nhiều nơi khác diễn ra ngày một nhiều hơn, được đăng tải thường xuyên hơn trên mặt báo và trên truyền hình, không khỏi để chúng ta xót xa, suy nghĩ. Và mới cách đây vài ngày thôi, vụ một em nữ sinh của trường pTTH trần Nhân Tông ở Hà Nội bị bạn bè cũng là học sinh cùng trường công khai đánh đập tàn nhẫn giữa ban ngày, trước sự chứng kiến của nhiều người ở vườn hoa pasteur được quay thành clip tung lên mạng, đã gây một cơn sốc dư luận về sự xuống cấp đạo đức trong trường học và xã hội. Bây giờ, người ta hay nói “bao giờ cho tới ngày xưa” với một sự tiếc nuối. Dẫu biết rằng, cái ngày xưa ấy mới chỉ cách đây khoảng vài thập niên thôi. Cái thời mà những chàng trai, cô gái như Lê Mã Lương, Đặng Thuỳ trâm, Nguyễn Văn Thạc… sẵn sàng rời ghế trường đại học để lên đường ra trận với mơ ước cao đẹp và giản dị của tuổi trẻ: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù!”. Cái thời mà cả nước ăn bo bo, mặc quần áo vải thô… mọi sinh hoạt được tính bằng tem phiếu, nhưng vẫn chắt chiu nuôi dưỡng bao tài năng trẻ, để họ toả sáng trước thế giới văn minh đem vinh quang về cho Tổ quốc như Lê Bá Khánh trình, Đặng Thái Sơn… Cái thời xưa cực kỳ gian khổ và bi tráng ấy, con người sống nhân ái hơn, biết yêu thương sẻ chia, đùm bọc nhau nhiều hơn và luôn hướng đến những điều tốt đẹp. Chính vì thế mà dân tộc ta đã vượt lên được, đứng vững được trước mọi khó khăn, thách thức để đi tới ngày hôm nay. Đã qua chặng đường hơn 20 năm Đổi mới, và cũng chừng ấy năm cả nước bước vào nền kinh tế thị trường. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, nhất là khu vực đô thị, các thành phố lớn. Nhưng tại sao kinh tế đi lên, thì đạo đức lối sống và văn hóa lại đi xuống? Ngày càng nhiều vụ bạo hành ở học đường xảy ra, ngày càng nhiều trẻ vị thành niên phạm tội ác trên đường phố; mối quan hệ thầy – trò vốn rất thiêng liêng bị sứt mẻ, bị đảo lộn.v.v. và v.v.? phải chăng đó là lỗi của người lớn. Người lớn đã không là tấm gương sáng để con trẻ soi vào. Người lớn đã làm nhiều điều xấu để lũ trẻ bắt chước. Tội lỗi thậm chí cả tội ác mà trẻ em gây ra hôm nay là nhân quả của lối sống ích kỷ, tàn nhẫn, đầy lòng tham và vô trách nhiệm với gia đình, với cộng đồng, vô cảm với nỗi đau đồng loại của chính người lớn. Xin đừng quên, một xã hội chỉ thực sự tốt đẹp khi ở đó trẻ em được tôn trọng, được yêu thương chăm sóc, giáo dục đầy đủ của gia đình và xã hội. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân!”. Ngày hôm nay trẻ em hư, đó là lỗi của người lớn!. |
Lỗi ở người lớn
1