Trang chủ » Luật Thuế nhà, đất: Chưa nên áp dụng thuế đối với nhà ở

Luật Thuế nhà, đất: Chưa nên áp dụng thuế đối với nhà ở

bởi Kien Truc - Kientruc.vn

Cuối tuần qua, tại Hội trường, các ĐBQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế nhà, đất. Các ý kiến thảo luận tập trung vào quy định đối tượng chịu thuế; nhóm các căn cứ tính thuế và chính sách miễn giảm thuế được quy định trong dự thảo Luật.

So với pháp lệnh thuế nhà, đất hiện hành, dự thảo Luật đã đưa thêm nhà ở vào đối tượng chịu thuế. Tuy nhiên, các ĐBQH cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, chưa nên đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế. Lý giải điều này, các ĐB đồng tình với Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng: Nhà là tài sản gắn liền với công sức, sự tích lũy lâu dài của người dân. trước khi có được số tiền xây dựng nhà, người dân đã phải thực hiện nghĩa vụ về thuế, trong đó có thuế thu nhập cá nhân. trong quá trình xây dựng nhà, người dân phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi mua nguyên vật liệu xây dựng, thi công xây dựng… Việc đánh thuế nhà sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng lên thuế.

Bên cạnh đó, tài sản nhà, đất là vấn đề nhạy cảm, tác động trực tiếp đến mỗi người dân; đó không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn mang ý nghĩa xã hội. trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống người dân trong nước còn nhiều khó khăn, việc áp dụng thêm một sắc thuế có thể sẽ gây tâm lý không đồng thuận. Một vấn đề nữa là trên thực tế, việc kiểm soát diện tích, đánh giá giá trị nhà để tính thuế là vấn đề phức tạp, trong khi các điều kiện thực hiện lại chưa sẵn sàng. Do vậy, trước mắt chỉ nên thu thuế đối với đất; chưa áp dụng thuế đối với nhà.

Theo ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), cần cân nhắc kỹ vào thời điểm này bởi quyền có nhà ở, có nơi trú ngụ là quyền cơ bản của mỗi công dân. Chính vì vậy, nên tạo mọi điều kiện để công dân thực hiện được quyền này. phần đông người dân mức thu nhập còn thấp, nếu áp dụng sắc thuế này sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người, dễ dẫn đến việc phát sinh tâm lý không đồng thuận trong dân chúng.

Còn  ĐB trần Du Lịch (Tp.HCM) thì cho rằng, chưa đến lúc đánh thuế BĐS là tài sản của toàn dân. Với thu nhập bình quân đầu người như hiện nay, chúng ta nên bảo đảm mỗi người dân có một căn nhà để ở ổn định. Nếu quy định như dự thảo Luật thì sẽ tác động đến toàn dân nhưng không thu được đáng kể, có khi chi phí bỏ ra còn lớn hơn. Theo ông Lịch, trong vòng 10 năm nữa chúng ta cũng chưa nên đặt vấn đề thu thuế này.

Đa số ĐB cho rằng nếu áp mức thuế suất theo biểu thuế luỹ tiến từng phần tính theo năm đối với nhà ở từ 500 triệu đồng trở lên sẽ không khuyến khích người dân xây dựng nhà kiên cố, to đẹp…

Xét về tính khả thi của luật, ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) cho rằng không nên đưa ra mục tiêu tăng cường khả năng quản lý Nhà nước về nhà, đất. Bởi cách đặt vấn đề như vậy là đi ngược lại với logic quản lý. Về nguyên tắc, khi nào quản lý được thì mới ban hành chính sách, chứ không phải ban hành chính sách để tăng cường khả năng quản lý.

Nhiều ĐBQH đồng tình với quan điểm của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cho rằng: Điều 6 của Dự thảo Luật quy định “căn cứ tính thuế là diện tích nhà, đất được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất; đối với nhà, đất không có Giấy chứng nhận thì là diện tích thực tế đang sử dụng. Đối với người có nhiều đất thì căn cứ vào diện tích đất vượt hạn mức để áp dụng thuế suất lũy tiến (mỗi mức cao hơn 0,03%)”. Quy định như vậy thì việc triển khai áp dụng vào thực tiễn có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, tính khả thi không cao vì: Tiến trình cấp Giấy chứng nhận hiện rất chậm; nhiều nhà, đất chưa được cấp Giấy chứng nhận. Đối với nhà, đất không có Giấy chứng nhận thì việc xác định diện tích sử dụng thực tế là rất phức tạp, khó khăn và tốn kém. Nếu chỉ dựa vào số liệu tự kê khai thì phần lớn là không chính xác, gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; còn nếu Nhà nước tiến hành đo đạc, xác minh thì sẽ tốn kém và mất nhiều thời gian do không đủ nguồn nhân lực để thực hiện.

Thứ hai là để thu được thuế lũy tiến đối với người có nhiều nhà, nhiều đất ở nhiều địa bàn khác nhau thì đòi hỏi phải có cơ sở quản lý dữ liệu nhà, đất chặt chẽ, liên thông giữa các địa phương và các số liệu về nhà, đất của từng cá nhân, tổ chức phải được cập nhật thường xuyên. trong khi đó ở Việt Nam cơ sở này chưa đi vào vận hành.

Thứ ba là dự thảo Luật quy định đối với nhà có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên phải nộp thuế nhưng lại chưa xác định cơ quan nào thực hiện chức năng thẩm định giá trị nhà.

Đa số ĐBQH đều cho rằng cần nâng pháp lệnh thuế nhà, đất thành Luật, nhằm hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý về quản lý, sử dụng đất đai; khuyến khích thị trường BĐS phát triển lành mạnh; bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích giữa người sử dụng đất với Nhà nước trong điều tiết nguồn thu. ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) nhấn mạnh, cần xem xét lại các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng chịu thuế, giá tính thuế… bởi những ngổn ngang của Luật Đất đai chưa được khắc phục triệt để. ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) chỉ rõ, các điều kiện để thực hiện Luật này chưa hoàn thiện như chưa vận hành cơ sở dữ liệu về đất đai, không có cơ quan thẩm định giá trị nhà ở… thì chi phí triển khai sẽ lớn hơn rất nhiều nguồn thu đạt được, khó bảo đảm thu thuế công bằng, ngăn chặn nạn đầu cơ. Hơn nữa, với thủ tục tính thuế phức tạp sẽ cản trở người dân nộp thuế.

Nhiều ĐBQH đề nghị, Ban Soạn thảo cần rà soát thực tế áp dụng pháp lệnh Thuế nhà, đất và nên tiến hành lấy ý kiến nhân dân để hoàn chỉnh dự thảo Luật trước khi trình QH xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ bảy.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.