Trang chủ » Luật Thuế nhà, đất có điều chỉnh được giá đất?

Luật Thuế nhà, đất có điều chỉnh được giá đất?

bởi Kien Truc - Kientruc.vn

phiên thảo luận chiều 25-5 về dự thảo Luật Thuế nhà, đất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa quy định về thuế đối với nhà ở và chỉ giữ lại các quy định về thuế áp dụng đối với đất.


Diện mạo khu đô thị mới phía Tây Tp. Hải Dương

Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội phùng Quốc Hiển trình bày, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có hai luồng ý kiến khác nhau về việc đưa hay không đưa nhà ở vào diện chịu thuế.

Đa số ý kiến ĐBQH chưa tán thành với việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế vì: nhà ở là tài sản riêng gắn liền với công sức, sự tích lũy lâu dài của người dân. Mặt khác, Nhà nước hiện đang khuyến khích và ban hành nhiều chính sách phát triển nhà ở cho người dân.

Một số ý kiến cho rằng, việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế tại thời điểm hiện nay là cần thiết, nhằm tăng cường công tác quản lý, từng bước điều tiết nguồn thu vào ngân sách Nhà nước; hạn chế tình trạng đầu cơ nhà ở.

Sau khi cân nhắc trên nhiều khía cạnh, nghiên cứu thận trọng các ý kiến đóng góp, UBTVQH cho rằng, mặc dù việc áp dụng thuế đối với nhà ở góp phần tăng cường công tác quản lý nhà ở, đất ở và cũng là kinh nghiệm thực thi chính sách thuế của một số nước trên thế giới trong quá trình phát triển, song trước mắt chưa nên đưa nhà ở vào diện chịu thuế.

Theo UBTVQH, việc áp dụng thuế nhà ở tại thời điểm hiện nay chưa có sự đồng thuận cao trong nhân dân. Hơn nữa, khi nền kinh tế chưa ổn định, việc áp dụng thuế nhà ở sẽ tác động đến tâm lý và làm tăng thêm nghĩa vụ tài chính đối với một bộ phận người dân.

Một trong những mục tiêu áp dụng thuế đối với nhà ở là nhằm hạn chế đầu cơ nhà ở, song trên thực tế giá trị nhà ở lại gắn liền với giá trị đất và đầu cơ lại tập trung vào đất, căn cứ vào vị trí, địa thế của đất mà không phải đầu cơ giá trị xây dựng nhà trên đất. Do vậy, để hạn chế đầu cơ thì phải tập trung áp dụng công cụ điều tiết đối với đất.

Áp dụng thuế nhà ở thực chất là áp dụng thuế tài sản, song trên thực tế, ngoài nhà ở còn có nhiều loại tài sản khác có giá trị lớn, thậm chí lớn hơn giá trị xây dựng của nhiều loại nhà như ô tô, máy bay, tàu thủy, du thuyền… Nếu chỉ áp dụng thuế tài sản đối với nhà ở thì chưa bảo đảm tính hợp lý, công bằng của một sắc thuế. Mặt khác, một số nước có trình độ phát triển hơn Việt Nam cũng chưa áp dụng thuế đối với nhà ở.

Hơn nữa, tại thời điểm hiện nay, việc tổ chức thực thi thuế đối với nhà ở có thể gặp khó khăn do nhiều điều kiện bảo đảm thực thi chưa đầy đủ, đồng bộ. Dự kiến số thu từ thuế nhà ở cho ngân sách Nhà nước không lớn, trong khi đó chi phí cho công tác hành thu lại không nhỏ.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, hầu hết ý kiến của ĐBQH lại không đồng tình với việc loại bỏ nhà ra khỏi đối tượng chịu thuế vì như thế sẽ không đạt được mục tiêu giảm giá đất.

Đại biểu Nguyễn Hồng Anh (Hà Nội) cho rằng những lý do không đưa nhà vào đối tượng nộp thuế mà UBTVQH đưa ra là chưa thuyết phục. Hiện nay giá nhà, đất đang bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực của nó, Nhà nước cần sử dụng công cụ quản lý của mình để đưa nhà về giá trị thực của nó, trong đó có chính sách thuế. Ông Nguyễn Hồng Anh đề nghị phân nhà ra nhiều loại, trong đó không đánh thuế nhà với những người có thu nhập thấp, nhà ở nông thôn, còn chung cư cao cấp, biệt thự… thì nên đưa đánh thuế.

Đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) cho rằng, mục tiêu khi Quốc hội ban hành Luật Thuế nhà, đất là để chống đầu cơ và hạ giá đất xuống vì chúng ta đang phải chi phí quá nhiều cho đất, trong khi những người dân bình thường không đủ tiền mua đất. Tuy nhiên, nội hàm những điều khoản trong dự thảo luật này chưa bảo đảm được mục tiêu đó.

“trong khi chúng ta đang làm luật bên ngoài giá đất vẫn tăng, đầu cơ vẫn tăng”, ông Dung bức xúc. Theo ông , việc đưa nhà ra khỏi đối tương chịu thuế thì sẽ không chống được đầu cơ. Ông đề nghị không đánh thuế những đối tượng chỉ sở hữu một nhà vì khi xin ý kiến nhân dân, điều khoản thuế nhà không được đồng tình chỉ vì thế.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh thay mặt đơn vị soạn thảo cho rằng giá trị nhà tính theo mét vuông sàn xây dựng, nhà bao giờ cũng nằm trên diện tích đất, giá trị nhà bao giờ cũng nằm trên giá trị đất. Ông Vũ Văn Ninh cho rằng nhà ở trung tâm thành phố giá trị xây dựng của nó cũng như nhà ở nông thôn, thậm chí giá trị xây dựng nhà thành phố còn rẻ hơn ở miền núi.

Theo phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Kiên, mục tiêu ngăn chặn đầu cơ không chỉ là của Luật thuế nhà, đất, mà còn có những quy định khác trong Thuế thu nhập cá nhân, thuế chuyển quyền sử dụng đất… Vì thế, việc loại bỏ thuế nhà ra khỏi quy định của Luật thuế nhà, đất đã được tham khảo ý kiến của nhân dân và các chủ thể khác.

Ngoài ra, một số đại biểu như trần Du Lịch (Tp Hồ Chí Minh), trịnh Thị Nga (phú Yên)… cho rằng khoản 6 điều 7 của dự thảo quy định về việc nộp thuế của đất lấn chiếm là không hợp lý. Đại biểu trịnh Thị Nga cho rằng quy định này sẽ khiến địa phương khó xử lý đối với những trường hợp lấn chiếm đất đai.

Theo phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Kiên, đát lấn chiếm cũng là tài sản của Nhà nước, vì thế phải thu thuế, chứ không đồng nghĩa Nhà nước thu thuế là được ở hẳn. Ngoài ra, người lấn chiếm đất còn phải chịu sự xử lý theo những quy định khác của pháp luật.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.