KT & ĐS – “Nói thiệt, nhiều người cứ bực bội vì cái cầu trong sa hình thi bằng lái, cho rằng làm khó người đi thi. Nhưng, nếu ai vượt qua tốt đoạn hình này thì rất có lợi trong thực tế, vì có lái thực tế rồi mới… cảm ơn cái sa hình này…”, anh Dũng tài xế, vừa cười vừa nhận xét…
Đã là “mô” thì nhỏ cũng khổ
Có thâm niên gần 10 năm sau tay lái, trong đó ba năm đầu làm tài xế taxi, bài học vượt cầu trong sa hình cứ ấn tượng mãi với anh Dũng. Ấn tượng đó theo anh trong những năm đầu lái taxi. Số là trong một lần chở khách từ bệnh viện về, điểm dừng là ngôi nhà nằm trong một con hẻm nhỏ tại phường 11, quận Tân Bình. Do không thể thả khách ngoài đầu hẻm nên anh cho xe vào trong xóm. Lúc ra, do không có chỗ quay đầu nên anh phải de ngược ra đầu hẻm. Đường bằng thì chẳng có gì bàn, đến đầu hẻm thì gặp cái dốc nhỏ. Ngoài đường chính thì xe cộ nườm nượp, nên không thể de cái ào, vậy là nhích. Khổ nỗi cái xe cứ lên đến gần đỉnh dốc thì phải thắng, đến khi nhả thắng để đạp ga thì xe lại trôi vào, gần 10 phút mặc cho vài bác tài xe ôm đứng ra hướng dẫn, mà anh không thể nào cho cái xe ra đường lớn được. Giải pháp cuối cùng là anh phải nhờ người chặn đường để đạp mạnh ga de ngược trở ra. “Bài học lý thuyết trong trường “nhả nhẹ chân côn, rà nhẹ ga…” tôi nhớ lắm, mà đến lúc đó không tài nào làm được, phần tâm lý căng thẳng, phần không thực hành nhiều nên hai chân cứ loạn cả lên… giá mà lúc đi học luyện kỹ “chiêu” này thì đâu có khổ…”, Dũng bật cười ha hả.
Nỗi khổ vì cái mô đâu phải chỉ mình anh Dũng, cũng đâu chỉ có ngoài đường trong hẻm. Với nhiều người nó nằm ngay trước cửa nhà. Lái xe đi tới vài ngàn kílômét, vậy mà có người phải mất cả tháng trời mà vẫn không de qua nổi cái mô đất trước nhà. Anh Quang Vinh, nhà trong hẻm 333 Lê Văn Sỹ là một trường hợp. “Đi phan Thiết, Nha trang, Vũng Tàu không biết bao nhiêu lần, vậy mà cái dốc nhỏ để vào nhà lái xuôi không vào, de không xong, nhiều lúc thấy… xấu hổ…”, để tránh ngập trong hẻm nhỏ nên cái dốc nhà anh Vinh cao chừng 30cm so với mặt đường. Do nhà có xe hơi, chiều ngang con hẻm không lớn, nên khi làm dốc anh đã tính kỹ độ lài của dốc, vậy mà sau những lần đưa xe vào nhà ít nhất đã hai lần anh phải mang xe đi “tút” lại phần hông trái của xe do va quẹt và một lần gọi thợ sắt đến sửa lại cái cổng. “Cái dốc ám ảnh đó phải mất vài tháng trời tôi mới quen “tính” của nó để điều chỉnh ga cho hợp lý… Lúc đầu cứ vào được hai bánh thì đến hai bánh còn lại không tài nào vượt qua được, phải de cho thật thẳng với ngôi nhà, dặn vợ con né ra hết rồi nhấn mạnh ga lùi, khi nào thấy cái đầu đụng nóc xe cái rầm thì biết là xe đã vào nhà, khổ hết biết! Bây giờ thì nhẹ nhàng rồi”, anh Vinh kể cái khổ cách đây nhiều năm mà tình tiết anh nhớ rõ như vừa mới hôm qua.
Còn với anh Hải, nhà trong một con hẻm trên đường Nguyễn Văn Đậu, Bình Thạnh, thì chỉ vì cái dốc cao có 10cm đã khiến anh phải thay gạch lót hiên nhà không biết bao nhiêu lần. “Bơm ga mạnh để vào thì bánh xe nghiến mặt nền, riết rồi gạch vỡ hoài. Làm bêtông thì xấu mặt tiền nhà, còn để gạch thế này mệt quá, chưa tìm ra được giải pháp. Cái mô nhỏ thôi mà nó làm phiền hết biết…”.
Nhiều “mô” khổ nhiều
“Con đường vào nhà tôi phải gọi là con đường đau khổ, chẳng biết đường mới cao tới đâu nên nhà phải nâng cao. Nền cao thì đưa xe vào ra khổ, nhưng khổ nhất là mặt đường, do mới là mặt đường cấp phối đá hộc, nên mỗi lần về đến đầu hẻm là chẳng muốn vào nhà, mang tiếng ngồi xe hơi nhưng còn khổ hơn người đi xe máy…”, anh Tiến than. Nhà anh nằm trên con đường đang được sửa dở dang thuộc phường Tăng Nhơn phú B, quận 9. Do mưa xói đất nên mặt đường đá nhiều hơn đất, mỗi lần phải ngồi xe, chỉ việc lách tránh bãi đá, ổ gà trên đường cũng đủ toát mồ hôi, chưa kể do lách tránh, nhiều khi phải lấn đường. “Anh cứ thử ngồi sau vôlăng, mắt căng ra nhìn đường, tay chân hoạt động liên tục, còn miệng vẫn phải nở nụ cười cầu tài, xin lỗi các phương tiện khác thì anh mới hình dung ra nỗi khổ phải lái xe vào những con đường mấp mô. Mình kể thế này vẫn chưa thấy hết cái khổ đâu”, anh Tiến lắc đầu.
Có một thứ mô trên đường mà bất kỳ ai lái xe, ít nhất cũng một lần phải bực mình: mô ngang trên đường. Không ít tay lái “non” hết hồn thắng gấp vì những cái gờ này. Được sinh ra để báo hiệu nhắc nhở tài xế gần đến giao lộ, song do mỗi nơi thực hiện khác nhau về độ cao, nên có chỗ vừa đủ độ cao, tạo rung nhắc nhở tài xế, còn có cái khiến tài xế hết hồn vì quá cao khiến xe chao đảo và buộc phải thắng gấp. “trong nội thành thắng gấp không ngại, nhưng đang di chuyển ngoài xa lộ, các phương tiện đều lưu thông tốc độ cao, mình thắng gấp rất dễ trở thành tội đồ, mà không thắng thì cái xe như muốn rụng cả bốn bánh, nhiều lúc tức chỉ biết chửi đổng”, chị Nga, nhà ở quận Tân Bình chia sẻ. Theo lời chị Nga, khỏi phải nói đi tỉnh, chỉ tính riêng xa lộ Hà Nội, cao độ của những lằn ngang này cũng đã khác nhau. Do lằn được sơn trắng nên rất khó phát giác ra độ cao, chỉ đến khi vào rồi mới biết nên tài xế thật khó xử lý tình huống.
Có bao nhiêu thứ “mô” ám ảnh người lái xe trên đường? Câu trả lời chỉ có những người đang lái xe mới có thể thống kê được. Còn làm thế nào để giảm bớt những loại mô này, thì chỉ có ngành giao thông công chính mới trả lời nổi. trong thời gian chờ các loại “mô” bớt đi, chỉ còn cách tự thương lấy mình. Với những người đang học lái, cách tốt nhất là nên học thật kỹ “chiêu” lên xuống cầu trong sa hình mới hy vọng yên tâm khi lái xe trong điều kiện đường sá hiện nay.
Bài: tr. Minh Minh hoạ: Hồng Nguyên
|