Phối cảnh dự án Vinaland Tower
Trong hoàn cảnh nhiều người thu nhập thấp hiện chưa có nhà ở, việc Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Viên Nam (Vinaland), trụ sở tại quận 7 – TPHCM đưa ra chương trình “Chứng chỉ tiết kiệm nhà ở” được xem là bước đột phá. Tuy nhiên, cách của Vinaland hiện đang gây nhiều tranh cãi bởi tính pháp lý của dự án, hình thức huy động vốn,… Thậm chí có ý kiến cho rằng đây là cách “mượn đầu heo nấu cháo”, nếu không nói trắng ra là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Làm theo Bộ Xây dựng?
Tháng 1-2009, Vinaland bắt đầu phát hành “Chứng chỉ tiết kiệm nhà ở”. Để hợp thức hóa cho cách làm này, ngày 2-1, ông Hồ Đắc Hưng, Tổng Giám đốc Vinaland, đã ký văn bản ban hành quy chế quỹ tiết kiệm nhà ở. Quy chế này đưa ra mô hình huy động vốn mới để thực hiện hai dự án là trung tâm thương mại-dịch vụ-căn hộ cao cấp Vinaland Tower và Saigon South Center với 600 căn hộ chung cư trên đường Nguyễn Lương Bằng, quận 7. Theo quy chế, cán bộ, nhân viên Vinaland và cả những người có nhu cầu sẽ tiết kiệm để mua “chứng chỉ tiết kiệm nhà ở” với số tiền đóng hằng tháng là 5 triệu đồng/chứng chỉ và thời gian đóng kéo dài 60 tháng (tương tự hình thức gửi tiết kiệm), tổng số tiền đóng khoảng 300 triệu đồng/trường hợp. Mỗi chứng chỉ tiết kiệm tích lũy hằng tháng sẽ được chuyển đổi thành quyền mua 1 m2 sàn căn hộ với đơn giá gốc trong tương lai.
“Đọc kỹ quy chế hẳn hỏi!?”
Khi chúng tôi hỏi liệu việc làm của công ty có vi phạm Luật Nhà ở, bởi theo quy định, chủ đầu tư dự án chỉ được huy động vốn của khách hàng khi đã hoàn thành phần móng, ông Hoàng khẳng định “chứng chỉ tiết kiệm nhà ở” không phải là trái phiếu doanh nghiệp cũng không phải là giấy tờ có giá mà các tổ chức tín dụng phát hành để huy động vốn mà bản chất là một quan hệ dân sự trong việc vay tiền. Trong đó, Vinaland là người đi vay còn người mua chứng chỉ là người cho vay theo hình thức tiết kiệm dần hằng tháng. Ông Hoàng cho biết thêm, thời điểm công ty bán nhà, nếu người sở hữu chứng chỉ không muốn mua thì Vinaland sẽ trả lại tiền gốc cộng 100% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước ấn định. Hoặc sau 5 năm, Vinaland vẫn chưa khởi công dự án thì người sở hữu chứng chỉ sẽ được hoàn lại số tiền đã góp cộng với 200% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước… “Với tên gọi “Chứng chỉ tiết kiệm nhà ở”, liệu có làm cho nhiều người ngộ nhận đây là một loại giấy tờ có giá do tổ chức ngân hàng phát hành?…”- chúng tôi đặt câu hỏi. Không trả lời thẳng mà ông Hoàng chỉ nói: “Đọc kỹ quy chế hẳn hỏi!?”.
Đặt vấn đề về tính pháp lý của hai dự án được kêu gọi góp vốn, Công ty Vinaland trưng ra cho chúng tôi xem hai văn bản của UBND quận 7. Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện UBND quận 7 chỉ cho ý kiến về chủ trương, địa điểm quy hoạch để Công ty Vinaland thực hiện tiếp các thủ tục đầu tư theo quy định. Về hiện trạng và nguồn gốc đất là do các hộ dân đang sử dụng, còn công ty đang thỏa thuận bồi thường cho các hộ dân. Trong công văn này, UBND quận 7 còn khẳng định: “Công ty có trách nhiệm nộp hồ sơ tại tổ liên ngành (Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM) để thực hiện các thủ tục xin giao đất theo quy định…”. Như vậy, nói một cách nào đó Công ty Vinaland đang sử dụng dự án chưa có thật, mà lại còn nằm trên đất của người khác đang sử dụng hợp pháp để gọi góp vốn. Thử đặt trường hợp công ty không thể “chạy” được dự án đã vẽ ra, xem như dự án nhà kia sẽ nằm trên giấy dài dài. Chưa hết, trong tổng số 18.000 m2 đất làm dự án, nếu lỡ không mua được hết thì dự án làm sao triển khai… “Vinaland đang gọi góp vốn mua căn hộ trên đất chưa phải của mình, liệu có vi phạm pháp luật?”- chúng tôi hỏi. Ông Hoàng lại trả lời: “Đọc kỹ quy chế hẳn hỏi!?”.
Chính từ những yếu tố còn bất ổn trên, nhiều chuyên gia địa ốc khuyên người muốn tham gia giao dịch cần cân nhắc kỹ, bởi giao dịch trên có thể bị tuyên bố vô hiệu khi phát sinh tranh chấp.
|
May ít, rủi nhiều!
44
Kim Long
Bài trước