Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội: Đến thời điểm này, Hà Nội mới có 76 xã, phường đã tổ chức thu gom và vận chuyển rác đi xử lý, chôn lấp tại các bãi rác của thành phố, đạt tỉ lệ 17%. Ở một số xã, phường đã hình thành các tổ chức quản lý rác thải, phổ biến ở 2 loại hình: Hợp tác xã cổ phần dịch vụ vệ sinh môi trường và Tổ dịch vụ vệ sinh môi trường. Chính quyền các địa phương đã hỗ trợ các phương tiện thu gom rác thải như: xe cải tiến, xe bò chở rác…Đội ngũ thu gom rác ở mỗi xã, thị trấn thường có quy mô nhỏ, từ 3 đến 10 người. Phí vệ sinh do các đơn vị trên trực tiếp thu trên cơ sở đơn giá thu phí được chính quyền địa phương phê duyệt. Tuy nhiên, nhiều xã, phường ở Hà Nội hiện vẫn tổ chức chôn lấp rác ngay tại địa phương. Chất thải không được phân loại hoặc xử lý hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là gây ô nhiễm cho hệ thống nước ngầm, nước mặt trên địa bàn. Nguyên nhân của tình trạng này, trước hết là do ý thức và sự hiểu biết của người dân nông thôn còn hạn chế, ít quan tâm đến vệ sinh môi trường. Các tập quán lạc hậu trong sản xuất và sinh hoạt như nước thải sản xuất thải ra môi trường mà không qua xử lý, chất thải rắn không có hệ thống thu gom và xử lý, chuồng trại chăn nuôi bố trí gần nơi ở… chưa được thay đổi. Mức đầu tư của Thành phố cho các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn còn thấp so với nhu cầu. Trước thực trạng trên, để giữ gìn và bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống cho người dân khu vực ngoại thành, UBND thành phố Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện Chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2009 – 2015, định hướng đến 2020. Mục tiêu dự kiến của chương trình này là đến năm 2015, Hà Nội có 60% số xã, thị trấn vùng nông thôn có tổ chức thu gom và lý rác thải sinh hoạt. |