Những chỉ số tăng trưởng tốt của nền kinh tế trong hai tháng đầu năm và dự kiến cho cả quý I/2010 đang được đánh giá là một dấu hiệu lạc quan cho thị trường BĐS, là cơ sở để các doanh nghiệp kinh doanh BĐS có thể tiếp tục triển khai các dự án của mình. Tuy nhiên, trái với qui luật mọi năm, thời điểm này các ngân hàng vẫn đang rất dè dặt khi tung ra các khoản vay, nhất là với vay vốn cho lĩnh vực đầu tư BĐS. Nhiều người lo ngại, khả năng tính thanh khoản của thị trường địa ốc sẽ khó khăn ngay trong đầu quý II. Về phía nhà đầu tư, ngay cuối năm 2009 và đầu năm 2010, họ đã phải đối mặt với việc thị trường đóng băng, không bán được hàng. trong khi đó, giá nhà đất vẫn đứng ở mức cao. Giao dịch cầm chừng, các nhà đầu tư càng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi vốn để trả nợ. Nhiều chuyên gia dự báo, khả năng áp lực giảm giá nhà đất sẽ tăng. Nhưng thời gian qua, tại một số khu vực “nhạy cảm” ở Hà Nội và Tp.HCM, vẫn nở rộ thông tin về rao bán căn hộ, “suất” chung cư. Dường như kịch bản khuấy động thị trường bằng các thông tin ảo đang được giới đầu tư tung ra. Những diễn biến như vậy càng khiến người có nhu cầu thực không dễ định hướng để mua được một ngôi nhà. Xoay xở trong tư duy hạn hẹp theo… “kiểu phân lô” đô thị, xí phần dự án… đến nay, thị trường BĐS vẫn cứ “mông lung” chưa có đường ra rõ ràng. Bài học và những diễn biến bất thường của thị trường BĐS năm 2009 vẫn còn đó! Thị trường BĐS sẽ chuyển biến tốt khi mà tăng trưởng của nền kinh tế có những biểu hiện tích cực. Cộng thêm, nếu chính sách về quản lý, điều hành thị trường này ngày một minh bạch hơn sẽ bớt đi tình trạng “om” hàng, vừa giảm thiệt hại cho giới đầu tư, vừa giúp thu thêm nguồn vốn cho ngân sách. Thế nhưng, tất cả vẫn đang chờ. Và, dường như mong muốn minh bạch hơn cho thị trường BĐS vẫn đang vấp phải lực cản vô hình mà ở đó có một phần “đóng góp” không nhỏ của những nhóm lợi ích. |
Mông lung
42