|
Hanoinet – Đóng tiền theo hợp đồng để mua nhà tại khu đô thị Cầu Bươu (Thanh Trì, Hà Nội) từ năm 2001, đã 9 năm trôi qua, hàng chục hộ dân bỏ tiền vào dự án này vẫn phải đi để đòi nhà, chưa biết khi nào có kết quả.
Ngỡ ngàng vì giá nhà tăng… 400%
Cách đây một tuần, hàng chục người dân thuộc diện nộp tiền mua nhà trên đã rủ nhau mang những tấm băng-rôn màu đỏ, giơ cao trước trụ sở Tổng Công ty Kinh doanh và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) trên đường Hai Bà Trưng để một lần nữa đòi quyền lợi của mình. Sự việc đã thu hút sự hiếu kỳ của đông người đi đường.
Những hộ dân này đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty Kinh doanh phát triển nhà Hà Nội (đến năm 2005 đổi thành Công ty Cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị, gọi tắt là Công ty 10, là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Handico) để mua nhà.
Những hợp đồng nguyên tắc này được Công ty 10 ký từ cuối năm 2001 để bán nhà cho dân tại giai đoạn 1 khu đô thị Cầu Bươu (Thanh Trì, HN), với giá là 2,5 triệu đồng/m2.
Trao đổi với PV, ông Đào Huy Nguyên và bà Lê Thị Bích Dung – đại diện cho các hộ dân cho hay: “Đến tháng 11/2007, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi lần đầu tiên sau 6 năm ký hợp đồng, Công ty 10 họp dân và thông báo: mang hợp đồng nguyên tắc năm 2001 đổi sang hợp đồng mua bán mới”.
Mức giá mới được thông báo tăng gấp 400% so với giá 2,5 triệu đồng/m2. Ai không nộp thì huỷ hợp đồng và trả thêm tiền lãi 3%/năm. Lý do được đưa ra là do nguyên vật liệu xây dựng tăng theo thời gian…
Người dân không chịu, cho rằng nếu có vướng mắc, tại sao trong 6 năm Công ty 10 không thông báo đến dân để cùng giải quyết mà lại tăng giá đột ngột? Số tiền của dân nộp đi đâu khi thu tiền đợt 2 vẫn không thấy làm hạ tầng?
Khi ký hợp đồng nguyên tắc thì Công ty 10 chưa cổ phần, việc này diễn ra vào năm 2005 và người dân mua nhà cũng cho là sai, họ lập luận: Số tiền của dân nộp trước khi cổ phần hoá không phải số tiền công ty vay (không có hợp đồng thoả thuận cho vay). Vậy số tiền này cho vào khoản nào khi cổ phần?
“Giám đốc Công ty 10 khi ký hợp đồng nguyên tắc với chúng tôi là ông Nguyễn Đăng Thân. Vài năm sau ông này chết” – ông Đào Huy Nguyên nói. “Khi xảy ra sự việc, chúng tôi nhiều lần đến trụ sở của Công ty 10 tại Thanh Trì để làm việc. Nhưng ông giám đốc mới lại nói: việc này do anh Thân tự làm, ban lãnh đạo mới không biết. Như vậy là phủi tay, chuyển đổi sang cổ phần hoá mà không có tính kế thừa? Ngoài ra chúng tôi cũng có những bằng chứng, chính ông giám đốc mới khi ký hợp đồng nguyên tắc còn là phó giám đốc, cũng tham gia vào việc này” – ông Nguyên khẳng định.
Bùng nhùng mãi tại Công ty 10 mà không giải quyết được việc nên các hộ dân bèn kéo nhau lên thẳng Tổng Công ty Handico khiếu nại, với mong muốn “công ty mẹ” sẽ phải có trách nhiệm.
Công ty “mẹ” vô can?
PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Khiêu – Phó Tổng giám đốc Handico về các vấn đề quanh vụ việc trên.
Ông Khiêu khẳng định: “Việc ký hợp đồng nguyên tắc với các hộ dân năm 2001 là lỗi do Công ty 10. Khi đó Handico chưa hề có văn bản phê duyệt phương án kinh doanh (giá bán nhà). Giá 2,5 triệu đồng/m2 là do Công ty 10 tự đưa ra, mà không hề báo lên Tổng công ty”.
“Đáng lẽ ra, người mua phải tỉnh táo, tìm hiểu xem giá bán đó đã được duyệt hay chưa” – ông Khiêu trách ngược.
“Đến nay, khi Công ty 10 đã cổ phần hoá thì họ hạch toán độc lập, hoàn toàn có đủ tư cách pháp nhân, tự chịu trách nhiệm. Tổng công ty không có quyền phê duyệt gì nữa” – ông Khiêu nói.
Trả lời câu hỏi: “Vậy trong suốt 5 năm, cho đến trước khi Công ty 10 cổ phần hoá, Hadico đã để công ty thành viên qua mặt?”, thì ông Khiêu chỉ né tránh: “Thì nhiều sự việc phải qua người dân tố cáo, qua báo chí phản ánh mới phát hiện ra. Tôi nghĩ, có lẽ phải nhờ đến toà án kinh tế để xem xét hợp đồng nguyên tắc trước đây”.
Vì những lý do trên nên ông Khiêu cho rằng, người dân đến khiếu kiện tại trụ sở Handico là sai địa chỉ. “Hiện nay anh Cương – giám đốc mới của Công ty 10 đang đi công tác. Chúng tôi đã chỉ đạo Công ty 10 phải tổ chức cuộc họp với dân vào ngày 6/5 tới, để giải quyết những khiếu nại của bà con”.
Theo VNN