Trang chủ » Mùa động thổ

Mùa động thổ

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Khi những đợt heo may pha mùi cơn bấc vừa nổi lên thì mùa xây dựng cũng bắt đầu. Những cơn mưa rào mùa hè chấm dứt, thời tiết hanh khô có khi hàng mấy tháng liền, rất thuận lợi cho việc thi công những công trình. Mùa xây dựng kéo dài từ tháng tám âm lịch năm trước cho đến hết tháng tư âm lịch năm sau, nhưng rầm rộ nhất là từ rằm tháng giêng cho đến giữa tháng tư. Điều này có phần khác với trước. Mấy chục năm trước, mùa hanh khô thuận lợi cho xây dựng chỉ kéo dài chừng dăm tháng giữa hai năm, từ lúc heo may nổi cho đến hết tháng hai. Bây giờ mùa xây dựng kéo dài hơn vì hai lý do. Thứ nhất là mùa khô kéo dài hơn (cứ nhìn thời tiết ngay năm Canh Dần này thì biết. Tháng hai âm rồi mà mưa dầm xuân cũng hiếm chứ đừng nói mưa rào). Hai là kỹ thuật và trình độ xây dựng bây giờ đã cao hơn trước rất nhiều, người ta có đủ phương tiện để có thể xây dựng ngay trong mưa. Đã xây dựng cũng là có “động thổ”.


Ảnh chỉ có tính chất minh họa

“Động thổ”, là động tác động nhát cuốc hay nhát mai đầu tiên vào đất để xây dựng công trình. Nhưng theo quan niệm của người đời, trước khi động cuốc động mai phải có lễ, cũng gọi là lễ động thổ, với ý nghĩa là tế cáo với vị thổ thần cai quản thửa đất đó, đang ngự ở cõi âm, rằng gia chủ ăn nên làm ra, đã đủ điều kiện làm nhà trên thửa đất mà chính quyền cõi dương cho mình sử dụng. Lễ này phải làm trước, và chỉ khi lễ tất, nghĩa là khi thổ thần đã nhận lễ, đã gật đầu cho phép rồi, thì gia chủ mới được động mai động cuốc. Người trần mắt thịt, dĩ nhiên là không thể biết được thần gật hay lắc. Muốn dò được ý ngài, phải có những người có “năng lực đặc biệt”, đó là những ông thầy. Nếu như mươi năm trở về trước, lễ này chỉ được làm cho “có lễ”, nghĩa là làm một cách rất qua loa, thậm chí nhiều người còn chẳng thiết làm, thì  mươi năm trở lại đây, nó trở thành một nghi lễ “bắt buộc” tuy bất thành văn, và nghi thức của nó càng ngày càng rườm rà, long trọng, phiền phức và tốn kém. Kể chuyện người không bằng kể chuyện mình. Tháng 7 âm lịch năm ngoái, tôi định sửa chữa ngôi nhà trong Hoài Đức để dọn vào đó ở, tránh xa cái ồn ào chốn Hà thành. Vợ tôi giẫy nẩy lên:

– Không được động thổ vào tháng Ngâu.

– Bà biết một mà không biết hai. Vợ chồng Ngâu phải xa nhau suốt đời, chỉ tháng bảy hàng năm họ mới được đàn Ô Thước bắc cầu cho gặp gỡ. Vậy tháng bảy là tháng đoàn tụ, tháng tốt chứ không phải tháng xấu.

Nhưng nói thế nào mặc lòng. trong nhà tôi, quyền đàn bà là to nhất, đành lui đến tháng 8 vậy. Muốn làm lễ phải chọn ngày, nhưng chọn ngày rồi lại phải xem tuổi gia chủ, xem ngày sinh giờ sinh, xem hướng đất hướng nhà rồi mới chọn được giờ. Ông thầy mà tôi thỉnh, ở một làng gần với khu đất của tôi, đã cất lời sau một hồi lầm rầm tính toán:

– Tháng tám có hai ngày tốt, là ngày mùng chín và ngày hai mươi, làm nhà, sửa nhà đều rất đẹp. Bác sinh năm Ngọ, tháng Ngọ, ngày Ngọ, giờ Ngọ. Cái nhà bác đang sửa hướng tây, thì chọn giờ Thìn, ngày mùng chín tháng tám động thổ là đẹp nhất.

Vốn là thằng vô sừng vô sẹo, lại dốt nát chẳng hiểu gì về những lẽ huyền bí trong cõi linh thiêng, thôi thì thầy bảo sao tôi làm vậy, tuyệt đối theo thầy. Hỏi lễ lạt cần những gì, ông đọc một thôi một hồi làm tôi không sao nhớ nổi. Cuối cùng, tôi chọn một giải pháp “tối ưu”:

– Thôi thì… trăm sự tôi nhờ thầy. Nhờ thầy sắp lễ luôn cho, tốn kém bao nhiêu tôi xin gửi bằng tiền.

Và tôi thấy nhẹ cả mình khi thấy thầy gật, bảo tiền sắp lễ hết khoảng 800 ngàn, còn thì “phần hành lễ tôi giúp bác thôi”. Tuy vậy, tôi vẫn đặt lên cái đĩa trên bàn thờ nhà thầy hai tờ tiền mệnh giá 500 ngàn. Sở dĩ vậy là do trước đó, vợ tôi đã hỏi dò xung quanh. Sau mỗi cuộc lễ, người ta thường bỏ vào phong bì cho thầy 200 ngàn…

Đúng 6 giờ sáng mùng 9, vợ chồng tôi có mặt ở nhà thầy, thấy mọi thứ đã được thầy chuẩn bị khá chu tất: xôi đã chín, chân giò đã luộc, hoa quả, tiền giấy, vàng giấy, trầu cau, hương hoa, rượu… đã sẵn sàng, duy có con gà trống vẫn nhốt trong lồng.

– Bác là chủ đất, thì con gà lễ thổ thần phải do chính bác cắt tiết. Bác ra tay đi, xong, giao cho bác gái làm, rồi lên đây tôi bảo.

trong lúc vợ tôi làm lông, mổ gà đưa vào luộc, thầy bảo tôi kê khai tên tuổi từ cụ, ông bà, bố mẹ cho đến toàn gia của tôi, từ trai gái, dâu rể cho đến cả thằng cháu nội mới được hơn năm tuổi. Tay viết lời khai, lòng khấp khởi mừng, vì theo lời thầy, thì sau cuộc lễ này, toàn gia nhà tôi sẽ được thổ thần cho “nhập khẩu” vào đất mới, và được sống dưới sự che chở, bảo hộ của ngài. Còn khẩu cõi dương, thì đương nhiên là phải theo luật cư trú rồi.

Lễ được chia làm hai mâm. Một mâm đặt lên bàn thờ trong ngôi nhà do chủ cũ làm trên thửa đất tôi mua. Mâm thứ hai, có chú gà trống luộc nằm rất hùng tráng, mỏ ngậm một bông hồng, được bày giữa sân. Đây là lễ chính. Giục tôi thắp hương xong, thầy bảo.

– Vợ chồng bác đứng đằng sau tôi, tôi bảo gì thì làm nấy.

Vuốt lại cái đầu cho mượt, xốc lại quần áo cho chỉnh tề, vợ chồng tôi răm rắp làm the

– Quỳ… lạy năm lạy… bình thân…

trong tràng giang đại hải những lời khấn của thầy, tôi chỉ nghe loáng thoáng “Hà Nội tỉnh… Hoài Đức huyện…” và tên tuổi cả nhà mình. Rồi lại quỳ, lại lạy, lại bình thân. Chỉ vào cái cuốc để sẵn ở vị trí định xây, thầy bả

– Bác động thổ đi.

Tôi vung cuốc bổ độ mươi nhát xuống chỗ định xây. Lễ tất. Tôi bày mâm, mời thầy và mấy anh em bạn bè quanh xóm, toán thợ xây cùng thụ lộc. Thầy xua tay:

– Tôi không có thì giờ. Không giấu gì bác. Hôm nay tốt ngày, từ giờ đến chiều còn phải làm lễ cho ba đám nữa…

Rồi ông thổ lộ. Từ đầu cho đến cuối mùa xây dựng, không mấy ngày ông không được mời đi. Nhất là những ngày tốt, thì “chạy xô” ba bốn đám là chuyện bình thường. Hỏi có khi nào được mời đi làm lễ động thổ những công trình lớn của nhà nước không? Ông cười, nét mặt đầy kiêu hãnh:

– Năm nào chả có mấy nơi đánh xe về tận nơi đón. Càng những công trình lớn, những ông ở ban quản lý dự án, những ông nhà thầu càng cẩn thận, càng chu đáo trong lễ động thổ. Những lễ đài, cờ hoa, khẩu hiệu, diễn văn, rồi hàng chục quan chức cầm những cái xẻng quấn giấy xanh đỏ xúc mấy xẻng đất tượng trưng chỉ là cái lễ động thổ bề ngoài, gọi là lễ… duy vật. Nhưng thực ra trước đó mấy ngày, cái phần lễ… duy tâm đã được các ông ấy làm rồi. Lễ động thổ những công trình lớn không phải là con gà, chai rượu quê với vài tờ tiền giấy như thế này đâu, mà là rượu Tây, bia lon, thuốc lá ba số, nho Mỹ và hàng xấp đô-la mã. Cứ xem thế thì đủ biết, không chỉ thế giới người mới có sự phân biệt giàu nghèo.

Quả là đúng vậy. Cách đây mấy năm, nhân đi điều tra một vụ vi phạm Luật Đất đai ở Đại Lải (Vĩnh phúc), tôi từng được chủ tịch xã Lý Kông Sinh rủ đi dự lễ động thổ một công trình lớn xây dựng ngay trên đất Ngọc Thanh của anh ta. Và trong bữa thụ lộc của lễ, tôi có dịp nói chuyện với thầy Mai. Thầy quê tận Thanh Miện (Hải Dương), được nhà thầu đón lên từ hôm trước. Vì quá hâm mộ cái danh tiếng của thầy, nên nhà thầu mời thầy không chỉ chủ trì lễ động thổ mà còn “bao sân” toàn bộ các lễ lạt khác từ khi động thổ cho đến lúc bàn giao, quyết toán công trình. Mỗi cuộc lễ, phong bì của thầy khá dầy. Bất cứ lúc nào thầy cần, chỉ a-lô một cái là có xe con rước lên ngay. trong bữa chén, thấy Lý Kông Sinh tỏ ý lo vì đang bị công an “hỏi thăm”, thầy đã xem số cho anh ta và bảo “chẳng việc gì”.

Bây giờ thì Lý đang thụ án vì vi phạm trong quản lý đất đai. Còn tôi, sau lần tương phùng bèo nước, tôi chưa gặp lại thầy Mai.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.