Năm 2009 đã trôi qua đánh dấu một chặng đường phát triển quan trọng của Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Xây dựng), góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của Ngành. Đó là chặng đường 25 năm hoạt động và trưởng thành của lĩnh vực đối ngoại, góp phần đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Ngành, tìm kiếm và mở rộng quan hệ quốc tế cho các đơn vị trong Ngành, nhanh chóng tiếp cận với những tiến bộ về khoa học công nghệ, phương thức quản lý, phương pháp luận khoa học, các thực tiễn tốt, các bài học kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, thu hút vốn đầu tư, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, cải thiện chất lượng cuộc sống tại các đô thị.
Thực hiện những chủ trương đối ngoại của ngành Xây dựng, theo tinh thần đổi mới của Đảng được nhấn mạnh tại Đại hội Đảng X, là thực hiện “chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế” và vận dụng linh hoạt tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh mà nổi bật là nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “thêm bạn bớt thù”, Bộ Xây dựng đã và đang chủ động, kiên trì các hoạt động hợp tác quốc tế mang lại lợi ích thiết thực. Về công tác tiếp khách quốc tế. Hàng năm Bộ đã có hơn 100 buổi tiếp và làm việc với các đoàn khách quốc tế đến tìm hiểu cơ chế chính sách, cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực ưu tiên của Ngành. Về công tác xây dựng văn kiện hợp tác, văn bản pháp luật đối ngoại. Hàng năm tổng hợp, lập báo cáo và đóng góp ý kiến các văn bản hợp tác song phương với trên 40 nước theo yêu cầu của các bộ, ngành liên quan và đề xuất các lĩnh vực hợp tác mới. Tăng cường hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý các hoạt động hợp tác quốc tế, tạo điều kiện tốt nhất để các chuyên gia quốc tế tham gia các dự án, các đối tác quốc tế tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo Bộ và các đơn vị trong Ngành, tổ chức các sự kiện quốc tế. Về công tác hội nhập kinh tế thế giới. phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản pháp luật thực hiện cam kết WTO, xây dựng danh mục bảo lưu Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN, báo cáo tình hình thực hiện các cam kết trong ASEAN của ngành Xây dựng, cử người tham gia các cuộc đàm phán Chính phủ với EU, WB, các thành viên trong và ngoài WTO về các hiệp định thương mại và kinh tế quốc tế. Về công tác quản lý hợp tác quốc tế. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia, các tổ chức tài chính, các tổ chức quốc tế. Bộ đang điều phối và thực hiện 13 dự án ODA từ 7 quốc gia và tổ chức quốc tế, với tổng kinh phí trên 300 triệu USD với hiệu quả cao; đồng thời cũng đang kêu gọi vận động 11 dự án khác với tổng kinh phí trên 1 tỷ USD, mở rộng ra các lĩnh vực mới như phát triển đô thị, phát triển giao thông đô thị, kinh tế xây dựng… đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của thực tiễn quản lý các hoạt động xây dựng, phát triển đô thị của Việt Nam. Về hoạt động của Diễn đàn Đô thị Việt Nam. Với 25 thành viên, Diễn đàn đã tổ chức các tổ công tác hỗ trợ xây dựng chính sách cho Bộ như soạn thảo các nghị định, thông tư, chiến lược… tổ chức hội nghị, hội thảo bàn tròn lấy ý kiến chuyên gia, tạo ra kết quả thiết thực trong công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật Ngành. Về công tác xúc tiến đầu tư ra nước ngoài. Các DN của Ngành đẩy mạnh xúc tiến tăng cường đầu tư xây dựng ra nước ngoài, trước mắt tại Lào, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Căm-pu-chia, Séc, Cuba, Venezuela, Angiêri… xuất khẩu VLXD ra các thị trường trung Đông, Ả Rập, Đông Âu, châu phi, Nam Mỹ. Về công tác Ủy ban Liên Chính phủ (UBLCp). Bộ tổ chức tốt các kỳ họp UBLCp luân phiên do Chính phủ gia Việt Nam – Cuba, Việt Nam – Angiêri, Việt Nam – Libi, tổ chức điều phối thực hiện các nội dung cam kết trong biên bản kỳ họp của các bộ, ngành, kiểm điểm tình hình thực hiện và đề ra các thoả thuận hợp tác trong kỳ tiếp theo. Đặc biệt trong năm 2009 Bộ đã tổ chức tốt kỳ họp thứ 27 UBLCp Việt Nam – Cuba tại La Habana và kỳ họp thứ 10 UBLCp Việt Nam – Libi tại tripoli, tăng cường hơn nữa các mối quan hệ truyền thống với các nước bạn. Năm 2010, Vụ Hợp tác Quốc tế tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương nhằm một mặt thu hút các nguồn lực xây dựng đất nước, mặt khác nâng cao vị thế của Ngành và của đất nước trên trường quốc tế. Tích cực vận động thu hút và tổ chức sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA cho các lĩnh vực ưu tiên của Ngành; đẩy mạnh các hoạt động liên doanh liên kết trong đầu tư xây dựng tại Việt Nam bằng nguồn vốn FDI giữa các đơn vị kinh tế của Ngành với các đối tác nước ngoài. Điều phối tốt các hoạt động hợp tác quốc tế trong khuôn khổ các UBLCp mà Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm đồng chủ tịch. Cử các đoàn nghiên cứu thị trường, tìm hiểu khả năng xuất khẩu các loại hàng hoá, dịch vụ của ngành Xây dựng để đa dạng hoá các loại hình hợp tác song phương. Điều phối tốt các hoạt động của Diễn đàn Đô thị Việt Nam (VUF), tận dụng Diễn đàn làm nơi quảng bá các đường lối chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước trong ngành Xây dựng và thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức tài chính, các tổ chức quốc tế cho các chương trình mục tiêu ưu tiên của Ngành. Tăng cường hoạt động của các diễn đàn hợp tác, tổ chức hội nghị, hội thảo với sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà chuyên môn trong nước và quốc tế để tạo ra sự đồng thuận và hài hoà trong các chính sách cơ bản của Ngành. Tăng cường hỗ trợ cho các DN thuộc Bộ, các địa phương trong công tác xúc tiến thương mại, hoạt động liên doanh liên kết, tìm kiếm cơ hội đầu tư, thu hút nguồn lực nước ngoài.
TS phạm Khánh Toàn |