|
Lấn chiếm đất bãi sông Hồng đang là thực trạng nóng bỏng diễn ra nhiều năm nay tại các phường Yên Phụ, Tứ Liên, Phú Thượng… (Tây Hồ – Hà Nội). Kè bãi sông bằng hệ thống móng cọc, bao cát xong rồi đổ đất, phế thải xây dựng lên và… làm nhà, trồng cây, thậm chí là dựng lều xưởng sản xuất, quán vườn sinh thái… đang là những thực tế bức xúc.
Thi nhau lấn chiếm đất sông
Có mặt tại khu vực ngõ 76 An Dương vào thời điểm cuối tháng 8/2009, chúng tôi quá đỗi ngỡ ngàng vì tốc độ lấn chiếm diễn ra quá nhanh chóng ở nơi đây. Vùng đất bãi trước kia thoáng đãng, mênh mông vậy mà giờ đây, nhiều nhà xưởng, vườn cây đã mọc lên chi chít. Thậm chí, ngay cả lối ra bến sông cũng bị bóp nhỏ lại bởi những hàng rào gạch xây dựng được những gia đình lấn chiếm tại đây dựng lên. Cả vùng đất bãi rộng mênh mông giờ đây đã bị xẻ thành nhiều khu vực. Trên đó, người dân đã ngang nhiên quây hàng rào gạch, thậm chí là xây dựng rồi dựng nhà, lều xưởng sản xuất.
Khi có mặt tại đây, chúng tôi còn chứng kiến cảnh một hộ gia đình đang hối hả chở gạch về và hò hét người nhà ra dựng “hàng rào dã chiến” cạnh bờ sông. Tiến sát ra mép sông, tình trạng đổ đất, phế thải xây dựng lấp dòng chảy diễn ra ngày càng nhiều.
Quan sát những phần nền nhà rộng cả trăm mét vuông, có thể thấy được chủ nhân của những lô đất này không hề đổ đất, phế thải một cách tự phát. Những đối tượng này đã dùng bao cát, cọc tre quây từng vùng đất bãi sông, sau đó đổ đất lên để lấn chiếm. Đất đổ đến đâu, được san phẳng và trồng cây, dựng lều lán đến đó.
Nhìn cảnh tượng đó, một số người dân qua lại khu vực này ngao ngán lắc đầu: “Cứ cái đà này chẳng mấy chốc nữa sông Hồng sẽ bị lấp. Tiền tỷ bán đất lại rơi vào túi những cá nhân làm liều tại khu vực này”.
Vào thời điểm này, nước sông Hồng đang cạn nên lòng sông càng bị thu hẹp đáng kể. Chính vì vậy, tình trạng đổ đất cát, phế thải để lấn bãi sông càng có thêm điều kiện phát triển. Nhiều khu vực sát mép bãi sông hàng ngàn mét vuông vườn cao chất ngất được san lấp mọc lên. Cũ hơn một chút thì có thêm cây xanh, hàng rào gạch. Còn lại có những điểm mới tinh vẫn đang được nối dài ra sát mép nước.
Nhiều năm rồi vi phạm vẫn xảy ra
Lấn chiếm đất bãi sông Hồng để làm vườn, dựng nhà xưởng, lều lán… là tình trạng đã được báo chí liên tục phản ánh thời gian qua. Liên quan đến tình trạng này, từ năm 2005 đến nay, Báo đã có nhiều bài điều tra, phản ánh tình trạng vi phạm đất bãi. Chỉ riêng tại khu vực bãi An Dương, theo báo cáo của chính quyền địa phương có những trường hợp vi phạm lấn chiếm đất xây dựng nhà hàng, xưởng sản xuất với số lượng lớn… đấy là chưa kể hàng loạt những trường hợp khác quây tường rào, dựng nhà cấp 4 và trồng các loại cây cối.
Trên địa bàn quận Tây Hồ có 100ha đất bãi, trong đó, tập trung nhiều nhất tại hai phường Tứ Liên và Phú Thượng. Hầu hết diện tích trên đang được người dân sử dụng để trồng hoa màu, số còn lại bị bỏ trống, hoang hóa. Khó khăn lớn nhất cho công tác quy hoạch tại đây chính là việc toàn bộ diện tích trên nằm trong khu vực thoát lũ, không được quy hoạch xây dựng. Đây cũng là nguyên nhân làm cho tình trạng lấn chiếm đất bãi, thậm chí là lén lút sang nhượng diễn ra khá bức xúc trong thời gian vừa qua. Tình trạng lấn chiếm đất bãi bức xúc nhất hiện diễn ra tại khu vực bãi thải thuộc phường Tứ Liên…
Theo chính quyền địa phương thì khu đất này trước đây là chỗ người dân trồng dâu nuôi tằm, sau đó được chuyển sang cho một số chủ lò gạch khai thác thành các khu vực thùng, đấu. Năm 1995, TP Hà Nội trưng dụng 26.000m2 đất tại đây để làm bãi đổ phế thải. Đến năm 2007, khi đã sử dụng hết công suất khu bãi thải này chính thức được đóng cửa. Lợi dụng tình trạng đó, một số người dân khắp nơi “nhảy dù” đến ngang nhiên san lấp, quây tường rào trồng cây cối và làm nhà ở.
Tình trạng vi phạm này kéo dài đã nhiều năm nay và mặc dù chính quyền địa phương đã tiến hành xử lý, cưỡng chế và giải tỏa nhiều lần nhưng đến nay, tình trạng vi phạm vẫn đang có chiều hướng tái diễn. Nhiều trường hợp ngang nhiên lấp đất, xây dựng nhà xưởng, trồng cây, tuy nhiên với cách xử lý thiếu kiên quyết, “phạt cho tồn tại” như hiện nay không thể giải quyết dứt điểm vi phạm. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng lấn chiếm đất bãi diễn ra ngày một nghiêm trọng.
Theo CAND