Người nước ngoài vẫn ‘nghe ngóng’





Hơn hai tuần sau khi nghị quyết về việc thí điểm cho người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam có hiệu lực (từ 1/1), thị trường bất động sản TP HCM chưa có chuyển biến nào. Lượng người đến xem nhà thì nhiều nhưng giao dịch thì không.

Ngay khi chính sách trên còn nằm trên bàn giấy, nhiều chuyên gia địa ốc khá lạc quan, thậm chí có người còn e ngại việc mở rộng cửa như trên sẽ tạo “cơn bão” mua nhà tại các thành phố lớn, khiến các căn hộ cao cấp tiếp tục tăng giá. Theo tính toán của Bộ Xây dựng, sẽ có khoảng 10.000 người trong tổng số 80.000 người nước ngoài đang làm ăn sinh sống lâu dài tại Việt Nam nằm trong diện có đủ điều kiện để mua nhà trong khi số lượng căn hộ cao cấp lúc đó vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu nhà ở cũng như đầu tư của người trong nước.
 


Người nước ngoài vẫn nghe ngóng
Người nước ngoài vẫn chưa vội mua nhà ngay. Ảnh: Hoàng Hà


Tuy nhiên, tại nhiều dự án căn hộ cao cấp được dự báo là khá tiềm năng như Saigon Pearl, các dự án ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Cantavil Hoàn Cầu, Blooming Park… lượng khách hàng là người nước ngoài đến tìm hiểu có tăng hơn so với trước, nhưng giao dịch thì không. Theo thống kê từ phòng kinh doanh dự án Cantavil Hoàn Cầu, người nước ngoài tham quan nhà mẫu tuy có nhích lên trong nửa tháng đầu năm 2009 song chưa có người đặt cọc mua nhà. Mới nhất là dự án Riverside Residence của Phú Mỹ Hưng, dù hầu hết đã được đặt cọc mua vào đầu năm 2009 với mức giá thấp nhất là 35 triệu đồng một m2 nhưng chủ yếu khách hàng vẫn là người trong nước.


Điểm sáng duy nhất của thị trường bất động sản có lẽ là tại dự án Saigon Pearl. Trong tháng 12/2008, Saigon Pearl tiếp nhận 16 khách nước ngoài tham quan căn hộ nhưng chỉ bán được 2 căn. Tuần lễ đầu của tháng 1, dự án này đón 7 khách ngoại quốc tham quan nhưng chưa có giao dịch. Sáng 9/1, Saigon Pearl đã bàn giao căn hộ Ruby đầu tiên cho một phi công người Australia đang công tác tại Vietnam Airlines. Khách hàng này đã tìm hiểu và đặt hàng căn hộ từ tháng 12/2008.


Chính sách về người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam sẽ thí điểm trong 5 năm. Còn thủ tục mua bán nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài được áp dụng như đối với công dân ở trong nước, các tranh chấp về nhà ở sẽ được giải quyết theo các quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy vậy, để được hưởng quyền lợi này, cá nhân và tổ chức nước ngoài phải hội đủ một trong các điều kiện như kết hôn với người Việt, đầu tư, kinh doanh hoặc có cống hiến đặc biệt được Chủ tịch nước và Thủ tướng tặng bằng khen. Trước đây, người nước ngoài không được pháp luật Việt Nam thừa nhận quyền sở hữu về nhà ở. Thông thường, họ chỉ thuê căn hộ hoặc nhờ thân hữu (bạn bè, vợ, con…) là người trong nước đứng tên. Do đó sự cởi mở này được xem là cơ hội cho người ngoại quốc có nhu cầu về nhà ở khi đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.


Trên thực tế, hầu hết những người nước ngoài thật sự có nhu cầu đều đã mua nhà ở Việt Nam. Tuy nhiên, loại căn nhà mà họ yêu thích thường phải đạt những yếu tố như vừa có thể làm văn phòng, vừa là chỗ ở; thuận tiện giao thông… Với những yếu tố này, một số dự án căn hộ thường không đạt yêu cầu so với loại nhà phố (loại nhà người nước ngoài chưa được phép mua). Cụ thể, nhiều căn hộ cao cấp, chủ dự án không cho chuyển đổi kiểu kết hợp giữa nhà ở và làm văn phòng; giới hạn người ra vào…


Một điều quan trọng hơn là nhiều người nước ngoài cho rằng giá căn hộ vẫn còn khá cao nên sau khi mua xong là hết vốn làm ăn. Ví dụ một căn nhà ở trung tâm thành phố hiện giá thấp nhất cũng phải từ 100.000 USD đến 500.000 USD, thậm chí có căn gần cả triệu USD. Mặt khác, một điều khiến nhiều người ngại không kém là mua nhà thì dễ nhưng để có được giấy chủ quyền thì không dễ chút nào. Nhiều chuyên gia cũng dự báo rằng hiện do suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung và không khí trầm lắng của thị trường địa ốc trong nước nói riêng, lượng người nước ngoài mạnh tay đổ tiền vào bất động sản trong thời điểm này còn hạn chế. Điều này đồng nghĩa với việc nếu thị trường bất động sản có tín hiệu tốt, khởi sắc hơn thì người nước ngoài mới dám mạnh tay đổ tiền mua nhà.


Ông Trương Quốc Hưng, Giám đốc kinh doanh Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng, cho rằng mặc dù nghị quyết thí điểm cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1 nhưng thông tin này chưa được tiếp nhận một cách cụ thể. Ông Hưng nhận định nhiều khả năng khách nước ngoài vẫn còn đắn đo nghe ngóng tình hình thị trường chứ chưa quyết định vội.


Trong khi đó, ông Bùi Tiến Thắng, Phó tổng Giám đốc Công ty Sacomreal, nhận định: “Người nước ngoài chưa mạnh tay mua nhà vì nhiều hạn chế suy thoái kinh tế, lực hút của bất động sản còn yếu. Thêm vào đó, đối tượng này phải có thu nhập cao, có kế hoạch sinh sống lâu dài tại Việt Nam ít nhất là 2-3 năm. Ngoại trừ chủ các doanh nghiệp có khả năng mua nhà thì chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại các TP lớn như TP HCM, Hà Nội không mấy mặn mà bởi họ chỉ làm việc ngắn hạn tại Việt Nam và phần lớn đều được doanh nghiệp bố trí chỗ ở.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *