Ngày 18/1 tới, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật xi măng kỷ niệm 10 năm xây dựng và phát triển. Nhân dịp này, phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh về công tác đào tạo.
Thưa ông, được biết, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật xi măng là cơ sở duy nhất trong cả nước đào tạo công nhân kỹ thuật (CNKT) cho ngành Công nghiệp sản xuất xi măng. Ông có thể cho biết rõ hơn về tiêu chuẩn đào tạo nguồn nhân lực mới của Trường? – Hiện nay, trong cả nước có rất nhiều nhà máy xi măng đã, đang và sẽ được xây dựng trên dây chuyền thiết bị hiện đại. Đó là chưa kể một số nhà máy xi măng lò đứng khác đang và chưa có kế hoạch chuyển đổi sang công nghệ hiện đại. Hầu hết lực lượng lao động cũ không còn phù hợp và không đủ trình độ chuyên môn để tiếp quản và vận hành dây chuyền sản xuất mới khi các dự án xi măng đi vào hoạt động. Do vậy, việc đào tạo và đào tạo lại để có nguồn nhân lực mới là một yêu cầu cấp bách phục vụ cho việc chuyển giao công nghệ theo nhu cầu của DN. Nguồn nhân lực mới là đội ngũ CNKT được đào tạo cơ bản, có đủ năng lực về trình độ kiến thức và phẩm chất đạo đức, có tác phong công nghiệp để làm chủ thiết bị công nghệ hiện đại trong ngành Công nghiệp xi măng và các ngành công nghiệp khác. Trách nhiệm này trước hết là của Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật xi măng, thuộc TCty Công nghiệp xi măng Việt Nam.
Đào tạo nguồn nhân lực mới cho ngành Công nghiệp sản xuất xi măng bao gồm những ngành nghề gì? – Nhiệm vụ trung tâm và hàng đầu của Trường là đào tạo cấp bằng trung cấp nghề hệ chính quy dài hạn 24 tháng, 18 tháng và 12 tháng cho các ngành nghề sản xuất xi măng như: Vận hành thiết bị sản xuất xi măng; sửa chữa lắp đặt thiết bị điện xi măng; sửa chữa lắp đặt thiết bị cơ khí xi măng; phân tích cơ lý, hoá xi măng; khai thác mỏ nguyên liệu; vận hành thiết bị sản xuất bao bì xi măng; hàn công nghệ cao. Bên cạnh đó, Trường đào tạo các khoá ngắn hạn 6 tháng, 9 tháng, cấp bằng sơ cấp nghề cho các ngành nghề trên. Trường đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao, cấp chứng chỉ CNKT các ngành nghề sản xuất xi măng và bồi dưỡng nâng bậc CNKT các ngành nghề sản xuất xi măng. Hình thức đào tạo của Trường vừa tập trung vừa đào tạo tại chỗ, tùy theo nhu cầu và điều kiện sản xuất của các đơn vị. Nhà trường đã có những giải pháp nào để đảm bảo nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập? – Mục tiêu hàng đầu là chất lượng đào tạo. Để đạt mục tiêu này, chúng tôi đã nghiên cứu, xây dựng hoàn chỉnh bộ giáo trình chuyên ngành, được Bộ Xây dựng, TCty Công nghiệp xi măng Việt Nam phê duyệt. Bộ giáo trình luôn được cập nhật, bổ sung những thông tin, kiến thức mới, đáp ứng đòi hỏi nguồn nhân lực mới ngày càng cao của ngành Công nghiệp xi măng và các ngành công nghiệp khác trong giai đoạn hiện nay. Trường có đội ngũ giáo viên tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn, kiến thức thực tế, áp dụng các phương pháp giảng dạy mới giúp học sinh phát huy tính sáng tạo và chủ động trong học tập. Trường có khu giảng đường khang trang, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, thư viện và các trang thiết bị, mô hình phục vụ công tác giảng dạy hiện đại và thường xuyên được bổ sung mới. Khu ký túc xá của học sinh được trang bị tiện nghi đầy đủ, phục vụ cho 400 học sinh ở nội trú và nhà ăn cho 300 học sinh. Để công tác đào tạo đạt hiệu quả, chất lượng cao, Trường đã quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ giáo viên tham gia học nghiệp vụ sư phạm bậc 1, bậc 2 và cử cán bộ quản lý đào tạo học cao cấp lý luận chính trị đi đôi với việc đổi mới nội dung chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy. Ngoài việc bố trí giáo viên hợp lý, nhất là giáo viên chuyên ngành, Trường tăng cường công tác quản lý học sinh về mọi mặt từ trên lớp đến ký túc xá… Cùng với việc đào tạo đội ngũ CNKT, hiện nay Trường đã liên kết đào tạo với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Mỏ địa chất để tổ chức đào tạo kỹ sư hệ tại chức tại trường. Vậy, kết quả đào tạo 10 năm qua như thế nào, thưa ông? – Qua 10 năm xây dựng và phát triển, Trường đã đào tạo 13 khoá hệ chính quy và hàng chục khoá tại chỗ, với số lượng hơn 7.000 CNKT sản xuất xi măng bao gồm cả dài hạn, ngắn hạn, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao, cấp chứng chỉ CNKT các ngành nghề sản xuất xi măng và bồi dưỡng nâng bậc thợ CNKT các ngành nghề sản xuất xi măng cho các Cty, nhà máy xi măng trong và ngoài TCty Công nghiệp xi măng Việt Nam trên địa bàn cả nước. Điều rất đáng mừng là đại đa số học sinh được tuyển chọn từ các Cty xi măng thành viên và các dự án xi măng địa phương nên học sinh khi ra trường đều có việc làm và thu nhập ổn định. Ông có thể cho biết phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài của Trường? – Định hướng phát triển ngành Công nghiệp xi măng Việt Nam từ nay đến năm 2015 đã được Chính phủ phê duyệt với sản lượng 67,68 triệu tấn/năm. Như vậy, nguồn nhân lực mới do Trường đào tạo là rất lớn. Từ đó, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Trường trước mắt cũng như lâu dài vẫn là đào tạo nguồn nhân lực mới cho ngành Công nghiệp xi măng Việt Nam nhiều hơn và tốt hơn. Trước yêu cầu của công tác đào tạo, được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Xây dựng, TCty Công nghiệp xi măng Việt Nam và các bộ, ngành, thời gian tới Trường sẽ được nâng cấp thành Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật xi măng. Với vị thế mới, Trường sẽ từng bước chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đa dạng hoá ngành nghề, mở rộng phạm vi đào tạo, đối tượng đào tạo, điều chỉnh một cách hợp lý mọi mặt công tác theo mạng lưới trường đào tạo nghề chuẩn quốc gia. Đó là cơ sở để Trường thực hiện mục tiêu đào tạo đội ngũ CNKT – nguồn nhân lực mới cho ngành công nghiệp xi măng Việt Nam và các ngành công nghiệp khác trên địa bàn cả nước. Xin cảm ơn ông ! |
Nguồn nhân lực mới cho ngành Xi măng
1