Cơn lốc đô thị hóa đang biến những vùng ven “sau một đêm” trở thành vàng. Ven các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Hải phòng… tốc độ xây dựng đang diễn ra chóng mặt. trên những thửa đất một thời trù mật nay đang là những biệt thự, khu đô thị kiểu Âu, Á, Kim, Cổ đủ loại. Sự chia nhỏ đất ở trong làng xã khi đô thị hóa đang bị đẩy nhanh với tốc độ chia cắt cao. Bán đi một phần đất ở để nâng cao thu nhập khi giá đất tăng là con đường tất yếu của người dân để cải thiện về thu nhập, đời sống. Không thể hy vọng một người nông dân sẽ giữ nguyên 500m2 đất ở của ông cha để lại trong khi thu nhập hàng tháng trên mảnh ruộng của mình không đủ cho con ăn học và chữa bệnh. Đất đai là tài sản có giá trị nhất và chia nhỏ đất, bán bớt một phần (chỉ giữ lại 80 – 120m2) là hiện tượng xã hội không thể ngăn chặn, là cách ứng xử giảm bớt sự chênh lệch đời sống đô thị – nông thôn một cách chính đáng nhất. Hơn 10 năm tới Việt Nam sẽ có khoảng 16 triệu dân từ dân cư nông nghiệp thành dân cư đô thị (hiện trên 29 triệu dân). Riêng Hà Nội mở rộng vừa qua đã có hơn 2 triệu dân nông nghiệp với gần 300 xã (hơn 1.000 làng) đang chuyển thành các khu vực đô thị. Đất đai theo đó cũng có giá hơn rất nhiều. Thế nhưng, trong quá trình đô thị hoá vùng ven đòi hỏi phải có sự nhìn nhận lại công tác quy hoạch. Hơn 20 năm qua, chưa có một làng xã đô thị hoá nào được quy hoạch và thực hiện quy hoạch tốt. Thế nên, những bức xúc của các vấn đề đô thị hoá vùng ven ngày càng căng thẳng hơn, đặc biệt là vấn đề đất đai và môi trường sống. Đó là chưa tính đến các ứng xử, quan hệ xã hội bị phá vỡ. Bây giờ sự phát triển của các vùng ven đô thị đang như một con đường lầy lội mà xe cộ vẫn phải qua lại bởi dòng đô thị hoá không thể dừng. Cái rơi vãi, mất đi dọc đường đô thị hóa không lấy lại được là một nền văn hoá làng xã đang suy tàn. Các làng xã đô thị hóa đang không thể gìn giữ và phát triển được những giá trị tích cực của văn hoá truyền thống. Chỉ còn lại những âm ỉ của các câu chuyện về đất đai, về sự giằng xé trong tâm can người dân. Đó là cái mất lớn nhất, nguy cơ lớn nhất trong quá trình phát triển. |
Nguy cơ
45
Bài trước