(Phỏng vấn Giám đốc công ty TNHH Đất Lành Nguyễn Văn Đực)
TTCT – “Nếu chỉ nhìn vào con số đăng ký xây dựng nhà ở xã hội mà thấy đó là khả thi thì không thực tế, vì các doanh nghiệp tư nhân rất đắn đo trong việc xây dựng nhà ở xã hội. Nói thẳng ra là chưa có doanh nghiệp tư nhân nào hiện nay đưa ra chiến lược của họ về phát triển nhà ở xã hội. Theo tôi được biết chỉ có hai doanh nghiệp nhà nước là Vinaconex và HUD là có chiến lược, còn các doanh nghiệp tư nhân thì không mặn mà vì thủ tục và công tác đền bù khó khăn” – ông Đực nói.
Chung cư dành cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp ở Q.Tân Bình, TP.HCM do Khu công nghiệp Tân Bình đầu tư – Ảnh: N.C.T. |
* Đó chưa hẳn là nguyên nhân chính để họ không mặn mà với nhà ở xã hội?
– Đơn giản là doanh nghiệp tư nhân không muốn xây nhà ở xã hội vì họ muốn xây dựng nhà ở thương mại… dễ bán hơn, thu lợi cao hơn.
* Ông nghĩ gì về con số 600 dự án nhà ở xã hội đã đăng ký?
– Đăng ký chỉ là đăng ký chứ đâu có ràng buộc gì về pháp lý. Chưa có chế tài nào phạt doanh nghiệp đăng ký mà không thực hiện cả.
* Theo ông, khó khăn đối với doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội là gì?
– Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là khi chạy được thủ tục làm các khu đô thị mới, họ phải bồi thường với giá tương đối cao. Khi họ có được số đất đó thì… không muốn làm nhà ở xã hội vì lãi thấp, trong khi doanh nghiệp phải sống bằng lợi nhuận. Xu hướng căn cứ vào một số dự án đã triển khai để làm chuẩn trong việc định giá nhà cũng có thể gây khó cho doanh nghiệp. Vừa qua, một số báo công bố mức giá 250 triệu đồng/căn hộ 50m2 khiến một số cơ quan cho rằng nên lấy mức này làm chuẩn.
Tôi cho rằng với mức giá trên chỉ có thể xây dựng tại các tỉnh thưa dân, đất rẻ, dễ giải phóng mặt bằng chứ không thể thực hiện được tại các thành phố lớn là nơi đang có nhu cầu rất cao về nhà ở cho người thu nhập thấp. Việc xây nhà ở xã hội giao cho doanh nghiệp tư nhân rồi chỉ giới hạn cho họ hưởng lãi 10% là không khả thi.
Doanh nghiệp tư nhân hiện nay rất khó khăn trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng, rồi đủ các loại thủ tục khác rất cực (không dưới 33 thủ tục) mới có được mặt bằng, rồi còn lo vốn đầu tư mà chỉ cho họ lãi 10%. Chưa kể khi xây dựng được nhà họ phải xây dựng giá bán rồi trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt giá bán.
Bên cạnh đó, sắp tới giá đền bù đất trồng lúa ở những vùng có điều kiện hạ tầng thuận lợi gấp hai lần giá đất thổ cư càng khiến các doanh nghiệp tư nhân đắn đo trong việc làm nhà ở xã hội.
* Để giải quyết khó khăn này, theo ông, phải như thế nào?
– Theo tôi, Nhà nước phải đứng ra làm nhà ở xã hội, không nên đổ dồn trách nhiệm cho doanh nhân. Nhà nước phải có chiến lược về quỹ đất để làm nhà ở xã hội, rồi đem quỹ đất đó đưa ra đấu thầu hay chỉ định thầu. Nhà nước không thể đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nếu doanh nghiệp cảm thấy không có lãi thì họ không làm. Ngay cả các tổng công ty lớn họ cũng đâu có mặn mà mà chỉ làm cho có phong trào. Thực tế ngay ở các TP lớn như TP.HCM và Hà Nội, nhu cầu nhà ở xã hội rất cao nhưng các doanh nghiệp đầu tư về bất động sản và nhà ở vẫn chưa vào cuộc thật sự.
Hiện có một loại quỹ đất vàng ở các khu trung tâm TP.HCM mà quan điểm của Bộ Xây dựng muốn lấy khu đó làm nhà ở xã hội. Theo chúng tôi, nhà ở xã hội không thể ở khu trung tâm được vì 1ha khu đất đó giá trị bằng 50ha ở khu ngoại ô. Nếu lấy đất trong nội thành để xây căn hộ thu nhập thấp thì sẽ rất phí và làm nhếch nhác bộ mặt đô thị trung tâm, không phù hợp với sự phát triển xã hội. Theo tôi, với nhà ở xã hội Nhà nước nên làm 80-90%, còn doanh nghiệp chỉ “tiếp sức” được 10-20%. Các doanh nghiệp nhà nước cũng vậy, chưa hẳn mặn mà với nhà ở xã hội đâu, vì đây là phong trào chứ đâu có căn cơ bền vững.
* Theo quy định, Nhà nước sẽ giao quỹ đất sạch cho tư nhân xây dựng nhà ở xã hội. Với TP.HCM điều này có khả quan?
– Theo tôi là có khả quan vì thành phố hiện nay có hàng ngàn mét vuông đất công manh mún đang bị bỏ hoang, hàng tỉ đôla nằm trong đó mà không có ai quản lý. Nếu Nhà nước có cách làm khoa học cho đấu thầu khu đất đó rồi đem tiền đó ra ngoại ô đầu tư nhà ở xã hội thì rất tốt. Nhưng tôi cảm thấy lãnh đạo TP.HCM chưa tha thiết lắm vấn đề này.
Giảm 50% thuế Trao đổi với TTCT ngày 28-7, cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà cho biết đến nay mới chỉ có ba địa phương gồm Thái Nguyên, Vinh, Bắc Ninh đã khởi công dự án xây dựng nhà ở cho sinh viên. Riêng nhà ở cho người thu nhập thấp, mới chỉ có hai tổng công ty HUD và Vinaconex tham gia xây dựng tại khu đô thị Việt Hưng (Gia Lâm, Hà Nội), Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) và Chương Mỹ (Hà Tây cũ) từ quỹ đất được quy hoạch cách đây năm năm. Hiện có nhiều dự án đăng ký nhưng rất khó khởi công vì “bí” nguồn vốn và quỹ đất. Ông Hà cũng cho hay Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành quyết định số 96 ngày 22-7-2009 nhằm sửa đổi một số cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở cho sinh viên, công nhân và nhà cho người thu nhập thấp. Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện các dự án phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê và cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị sẽ được giảm 50% mức thuế giá trị gia tăng từ ngày 22-7-2009. Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia chương trình còn được miễn thuế thu nhập phải nộp năm 2009 đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở để cho các đối tượng trên thuê và nhà để bán, cho thuê mua đối với người thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở. |
ĐỖ HỮU LỰC thực hiện
______________
TP.HCM làm nhà giá rẻ ra sao? – Nhà ở xã hội: dành cho người làm việc trong các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang trên địa bàn TP.HCM và sinh viên. Hiện có 130.000 người cần nhà, trong đó có 20.000 người đang có nhu cầu cấp bách về nhà ở. TP.HCM đã giao 426ha đất cho các chủ đầu tư để triển khai 99 dự án nhà ở xã hội với tổng số hơn 37.600 căn (trong đó có 31.200 căn hộ chung cư, số còn lại là nền đất) và được chia làm hai giai đoạn: Trước khi Luật nhà ở có hiệu lực (1-7-2006), TP.HCM đã triển khai 52 dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên với tổng số gần 10.740 căn chung cư, nền đất. Đến nay đã hoàn thành 28 dự án với hơn 5.620 căn chung cư, nền đất. Sau khi có Luật nhà ở, TP bố trí thêm 164ha đất, dự kiến xây gần 27.000 căn nhà ở xã hội với tổng mức đầu tư trên 9.400 tỉ đồng. Riêng từ nay đến năm 2010 sẽ hoàn thành tám dự án với hơn 2.800 căn. TP.HCM xác định nguồn vốn đầu tư nhà ở xã hội từ việc hoán đổi đất công để lấy quỹ nhà. Chính quyền giao cho doanh nghiệp các khu đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng và doanh nghiệp ứng vốn ra để đầu tư xây dựng. Sau đó chính quyền hoán đổi cho doanh nghiệp quỹ đất tương đương với giá trị của quỹ nhà họ giao. Giá đất mà chính quyền giao được tính theo giá thị trường, còn quỹ nhà của doanh nghiệp tính theo phương thức: chi phí xây dựng được kiểm toán + lãi vay ngân hàng + 10% lợi nhuận định mức. – Nhà ở giá thấp: hiện có khoảng 30.000 hộ gia đình nghèo tại TP.HCM đang gặp khó khăn về nhà ở. Đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia xây dựng nhà ở giá thấp nhưng chưa thực hiện được do thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư. TP đã kiến nghị các cơ quan chức năng cho thí điểm cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở giá thấp. Cụ thể cho phép doanh nghiệp bán cho người thu nhập thấp theo hình thức thu tiền một lần hoặc trả góp. Giá bán do chủ đầu tư quyết định nhưng phải qua thẩm định của chính quyền. P.P.H. |