|
Mưu sinh muôn màu cuộc sống
Để có một căn hộ khang trang loại trung bình đối với công chức, viên chức và người lao động có thu nhập thấp ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố khác là một điều không đơn giản. Bởi thực tế giá bất động sản tại các thành phố lớn ở Việt Nam cao ở tốp đầu thế giới, ngược lại với thu nhập bình quân của những đối tượng lao động này thì quả là giấc mơ khó thành hiện thực.
Chuyện không lấy gì làm xa lạ, một căn hộ trung cư cũ tại Hà Nội cũng có giá tới 7 trăm triệu đến 1 tỷ đồng, trung cư mới phải tính tiền tỷ, đó là chưa nói đến giá đất, có lúc leo thang đến chóng mặt.
Anh Ngô Xuân Hải quê ở Bình Lục, Hà Nam, lên Hà Nội trọ học, khi ra trường anh may mắn hơn nhiều sinh viên khác là được vào một đơn vị cấp Cục để làm việc. Với anh, đó là một điều rất may mắn. Theo dự định tương lai thì công việc ổn định, anh tính sẽ kiếm tiền mua căn hộ và xây dựng gia đình, ổn định cuộc sống. Nhưng giấc mơ giản dị và nỗ lực cố gắng đó đâu phải dễ dàng thực hiện được. Làm việc ở một cơ quan uy tín nhưng thu nhập của anh chỉ đủ ngày hai bữa cơm, tiền xăng xe và chi tiêu lặt vặt hàng ngày. Đôi khi còn phải nợ tiền thuê nhà trọ…
Anh Hải tâm sự: Ngày còn đi học, mấy sinh viên cùng nhau ở một phòng trọ, tằn tiện qua ngày với số tiền vài trăm ngàn của gia đình gửi lên. Giờ đây đi làm, không thể ở chung mãi được, đi làm với mức thu nhập hơn hai triệu đồng/ tháng, tiêu tằn tiện may ra còn đủ chứ tính gì đến chuyện mua nhà cửa…
Đó là chưa kể đến hàng ngàn công nhân lao động đang ngày ngày gồng mình lên với cuộc sống mưu sinh khi đồng lương quá ít ỏi. Hay những giáo viên vẫn phải thuê nhà trọ, ngày dạy chính khóa, tối chạy xô với việc gia sư, dạy kèm… Và hàng ngàn sinh viên vẫn đang tá túc tại những căn phòng vách ngăn, lợp phy blô ximăng, hơn chục m2 mấy người ở chung, nước thiếu, điện đắt, vệ sinh, an ninh không đảm bảo. Chưa mưa đã ngập, nắng lên thì nóng như rang… Chất lượng học tập liệu có đảm bảo trong khi môi trường sinh hoạt hàng ngày không đảm bảo ấy.
Không ít học sinh đua đòi những thói hư tật xấu cũng từ những dãy nhà trọ thiếu đảm bảo đó, sự tự do không ai quan tâm, quản lý đó một phần tạo điều kiện để một số bạn trẻ trượt dài trên con đường màu xám. Giấc mơ đổi đời của không ít sinh viên ở các miền quê là có nghề nghiệp, việc làm tốt và có cuộc sống ổn định. Trong cuộc sống mưu sinh muôn màu, chúng ta có quyền được hy vọng, được ước mơ và phấn đấu để hiện thực hóa những điều giản dị đó.
Theo kết quả điều tra của Bộ Xây dựng công bố mới đây, hiện chỉ có 22% trong tổng số gần 3 triệu học sinh, sinh viên được ở trong ký túc xá; chỉ 20% trong tổng số 1 triệu lao động trực tiếp và khoảng 1,2 – 1,5 triệu lao động gián tiếp có chỗ ở; chỉ có khoảng 2/3 trong tổng số 2 triệu cán bộ, công chức tự lo được nhà ở cho mình, số còn lại (chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn) phải ở ghép hộ, ở nhờ, ở tạm…
Giấc mơ sẽ có thật…
Để tạo bước đột phá thực sự trong chính sách phát triển nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp, cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Xây dựng đã chính thức trình Chính phủ phương án cụ thể và đã được thông qua. Mục tiêu của phương án này là trong vòng 6 năm nữa, 60% số sinh viên, 50% công nhân lao động cũng như cán bộ có thu nhập bình quân dưới 1,5 triệu đồng/tháng sẽ có nhà ở.
Niềm vui của các thầy và trò trường đại học Thái Nguyên như được nhân lên khi dự án nhà ở xã hội đã được khởi công trên địa bàn tỉnh. Cảnh học sinh loay hoay tìm nhà trọ, giáo viên trẻ thiếu chỗ ăn nghỉ… tương lai gần chuyện đó chỉ còn trong quá khứ. Nằm trong chủ trương của Chính phủ về việc xây nhà ở xã hội từ nguồn vốn kích cầu, tỉnh Thái Nguyên đã long trọng tổ chức lễ khởi động dự án cách đây hơn 2 tháng trước. Những tưởng, dự án khởi động rồi… để đấy, nhiều ý kiến đã cho rằng chưa biết khi nào mới thành hiện thực. Câu chuyện không dừng lại ở đó, bởi đã không ít những công trình đường bộ giang dở, khiến nhân dân mất lòng tin vào tín độ các dự án. Tuy nhiên, chỉ hơn 2 tháng, đến nay các dự án hầu hết đã được triển khai, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ hệ thống móng vào đầu tháng 10 tới đây.
Chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với GS.TS. Từ Quang Hiển, Giám đốc Trường đại học Thái Nguyên và được ông chia sẻ sâu sắc về vấn đề này. GS.TS. Từ Quang Hiển nói: Hiện, trường có 19 đơn vị thành viên với khoảng 70 nghìn sinh viên. Trong khi đó, số ký túc xá hiện nay của trường chỉ đáp ứng được khoảng 17-18% và đều có tuổi thọ trên 20-30 năm, số sinh viên còn lại đều phải ra ngoài thuê, không bảo đảm điều kiện học tập.
Thái Nguyên là địa phương tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng và trung học dạy nghề, chỉ đứng sau Hà Nội và Tp.HCM. Tỉnh sẽ tập trung triển khai các dự án nhà ở xã hội dành cho sinh viên theo hai giai đoạn, 2009 – 2010 và 2011 – 2015. Trong đó, ngay giai đoạn 1, các cơ sở đào tạo của tỉnh đã được đầu tư khoảng 600 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác huy động từ địa phương. Cụm công trình trên gồm 15 khối nhà ở 5 tầng, với tổng diện tích xây dựng cụm công trình này gần 35.000m2, với số vốn đầu tư lên tới 230 tỉ đồng. Khi cụm công trình này được đưa vào sử dụng, sẽ góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho khoảng trên 5.000 học sinh – sinh viên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Không chỉ riêng Thái Nguyên, nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đang hối hả triển khai đồng bộ các công trình, đẩy nhanh tốc độ giải ngân có hiệu quả nguồn vốn kích cầu của Chính phủ. Đại diện nhà thầu Vinaconex cho biết: Để làm được nhà ở đảm bảo chất lượng mà có mức giá thấp thì các chủ đầu tư đứng trước những thách thức rất lớn. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, Vinaconex đã tiên phong thực hiện thí điểm ở một số dự án và thực tế đã cung ra thị trường các sản phẩm nhà ở này với mức giá mà 200- 300 triệu đồng/căn hộ – có diện tích khoảng 50m2.
Để có được những căn hộ giá rẻ, nhà thầu đã phải lựa chọn nhiều giải pháp cải tiến từ quy hoạch, công nghệ xây dựng đến tiến độ công trình. Cụ thể là, về lĩnh vực quy hoạch thì phải gắn quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội nằm trong các dự án phát triển đô thị kinh doanh thương mại để hạ tầng chung của đô thị hỗ trợ cho nhà ở xã hội. Về thiết kế, Tổng công ty đã thành lập các công ty tư vấn để nghiên cứu ra các mẫu nhà phong phú, đa dạng, có công năng sử dụng linh hoạt hợp lý. Đối với căn hộ nhà ở xã hội thì diện tích căn hộ bị hạn chế nhưng những không gian sinh hoạt vẫn cần phải đảm bảo, do vậy hàm lượng chất sám trong thiết kế các căn hộ này phải chiếm tỷ trọng cao. Về công nghệ xây dựng, vật liệu xây dựng thì phải hướng tới sự đổi mới thay thế cho những yếu tố truyền thống. Đây là một điều quan trọng nhất để hạ giá thành. Việc này trong những năm vừa qua Vinaconex đã đặc biệt chú trọng đưa các ứng dựng công nghệ, vật liệu mới vào xây dựng. Không chỉ xây dựng nhà cho người thu nhập thấp mà cho cả nhà thương mại, nhằm rút ngắn được tiến độ quản lý tốt chất lượng, giảm bớt các chi phí và hạ giá thành.
Theo ông Trần Dương Hợp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên, vào thời điểm này giải pháp kích cầu của Chính phủ hết sức có ý nghĩa nhằm giảm thiểu lạm phát, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và đặc biệt là hướng vào thị trường mục tiêu đang gặp nhiều khó khăn, đó là nhà ở cho học sinh sinh viên, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp tập trung, nhà ở cho người thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở. Riêng với Thái Nguyên, tiến độ đang được đẩy nhanh, mỗi công trình có tổng số vốn là hơn 10 tỷ đồng, gồm tòa nhà 5 tầng, 39 phòng, dự kiến đến 15/8/2010 hầu hết các công trình sẽ được hoàn thành.
Chúng tôi tìm đến những công trình đang xây dựng nhà ở xã hội, không khí thật khẩn trương. Những căn nhà ổ chuột mà hiện tại những sinh viên đang phải trọ học sẽ được thay bằng những khu nhà khang trang, tiện nghi… Một mùa thu nữa đang về trên quê hương cách mạng, toàn tỉnh đang phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh tế – xã hội đề ra và quyết tâm sớm trở thành Trung tâm vùng trước 2010. Kinh tế đất nước đang từng ngày đổi thay, đời sống xã hội từng bước được nâng cao, cùng với niềm vui chung ấy là giấc mơ về nhà ở cho học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp đang dần trở thành hiện thực.
Theo ĐCSVN