Gần 500 bức tranh do chính tay các bé của trường vẽ theo các chủ đề khác nhau như: gia đình, mẹ, cô giáo, ngày hội thể thao, phong cảnh Hà Nội, Nhật Bản… đã được trưng bày rất công phu, đẹp mắt tại 5 phòng học của trường. Những nét vẽ ngây thơ, ngộ nghĩnh song vẫn thể hiện tình cảm và năng khiếu của các bé với gia đình, với bạn bè và cô giáo. Ngoài gần 500 bức tranh được trưng bày trên, các cô cùng các bé còn tự tay vẽ và trang trí phong cảnh 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông ở đất nước mặt trời mọc và đã thực sự thu hút người xem. Đây là cuộc triển lãm tranh có quy mô lớn nhất với sự tham gia của nhiều bé nhất của trường Mầm non Hoa Anh đào trong 5 năm hoạt động tại VN.
Triển lãm tranh chỉ là một trong nhiều hoạt động nằm trong chương trình giảng dạy của trường Mầm non Hoa Anh Đào. Cách đây 3 tháng, Trường cũng đã tổ chức Ngày hội thể thao cho các bé với sự tham gia của bố mẹ và nhiều cô giáo. Gần 100 bé, trong đó có các bé mới vừa tròn 2 tuổi, nhún nhẩy, đưa tay làm các động tác theo tiếng còi của cô giáo Maico. 12 bài thể dục, bài xếp hình, trò chơi như kéo co, đi cà kheo, nhảy dây… đã cuốn hút các bé cùng bố mẹ suốt buổi sáng mà không một em nào bỏ ra ngoài hoặc khóc nhè. Chứng kiến không khí vui chơi, sự tận tụy, chuyên nghiệp của các cô giáo và cả tinh thần cộng đồng của người Nhật, cô giáo Nguyễn Thu Mai, giáo viên một trường mầm non ở Hà Nội nói: “Bao giờ trẻ em VN được như thế này, các em bé Nhật Bản thật hạnh phúc”. Không phải đơn giản mà trường Mầm non Hoa Anh Đào có được một cơ ngơi và số lượng học sinh Nhật Bản đông như bây giờ. Cuối năm 2001, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng mẫu giáo ở Tokyo, Sakura Hori cùng mẹ và chị gái sang VN du lịch. Đất nước VN mến khánh cùng tâm lòng rộng mở của con người đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng ba mẹ con Sakura. Sau hai năm làm việc cho một của hàng Nhật Bản ở Hà Nội, Sakura hiểu rằng Hà Nội rất đông người Nhật sinh sống, làm việc cùng gia đình vợ con, song lại chưa có trường mẫu giáo nào dành cho con em họ. Với sự giúp đỡ tận tình của một gia đình VN, Sakura quyết tâm mở trường mầm non nuôi dạy trẻ em Nhật Bản trong sự hoài nghi của không ít người. Vượt qua nhiều thủ tục phiền hà của các cơ quan VN, đầu năm 2004 Sakura đã có trong tay giấy phép mở trường. Có lẽ do chờ đợi từ lâu nên khi biết có trường dạy học cho trẻ em Nhật Bản tại Hà Nội, nhiều người Nhật đã tìm ngay đến địa chỉ này để gửi con. Tuy nhiên, việc khó nhất là tuyển cán bộ quản lý và cô giáo bởi việc dạy và học vừa phải theo chương trình giảng dạy của Nhật Bản vừa phải tuân thủ các quy định của giáo dục VN. Nghĩa là các bé vừa được học làm người, kỹ năng sống, học văn hoá, thể chất… Hơn thế, các cô giáo VN vừa phải biết tiếng Nhật, vừa phải có chuyên môn và cả sự tận tuỵ, kiên nhẫn. Cho đến nay, trường đã có một cơ ngơi khá khang trang với hơn 20 cán bộ, giáo viên trong đó có nhiều giáo viên Nhật Bản cùng gần 100 em bé. Tôi đã 3 lần có mặt trong lễ tốt nghiệp của trường và chứng kiến những giây phút trang trọng, cảm động mà chính mình dù đã tốt nghiệp đại học cũng chưa bao giờ có được. Hội trường Nhà Văn hoá Q.Tây Hồ được trang trí đẹp mắt với hoa và các bức tranh của các em. Các bé gái xinh xắn trong những bộ kimônô đủ màu sắc, bé trai trong trang phục com lê, cà vạt được mời lên sân khấu cùng mẹ để nghe bà hiệu trưởng đọc quyết định tốt nghiệp và ra trường trong tiếng nhạc du dương. Rồi các bé lần lượt nói lời cảm ơn, lời hứa và tặng hoa cô giáo, bố mẹ. Cuối cùng bé cầm trong tay bằng tốt nghiệp và hoa đi từ sân khấu xuống cuối hội trường giữa tiếng vỗ tay vang dậy của mọi người. Một vài phụ huynh thay mặt bố mẹ các bé lên nói lời cảm ơn và chia tay nhà trường trong sự xúc động, ấm áp. Những bức ảnh chụp chung, những bài hát VN và Nhật Bản, những bó hoa tươi thắm, những lời chúc thành công đã để lại dấu ấn đậm nét trong trong lòng mọi người. Cách đây 3 năm, sau khi sang Nhật dự lễ bảo vệ luận án tốt nghiệp tiến sĩ của cậu con trai lớn, tôi đã viết bài phóng sự: Nước Nhật – phi thường từ những điều cỏn con. Trong đó kể về ý thức nơi công cộng, sự giáo dục toàn diện, tình yêu lao động và tinh thần dân tộc của người Nhật. Tokyo Disneyland là một trong 5 công viên lớn nhất của thế giới và là khu vui chơi giải trí lớn nhất của Nhật Bản. Mặc dù không phải là ngày nghỉ cuối tuần nhưng người đến chơi đông như hội. Đông người như vậy, song không một cọng rác, không một mẩu thuốc lá, từ sáng đến tối công viên Disneyland đều sạch như lau. Tôi đã chứng kiến các cháu bé cúi xuống nhặt bỏng ngô đánh rơi ném vào thùng rác hay một cụ bà Nhật đưa tay cầm giấy kẹo đi mấy chục mét bỏ vào thùng rác hộ một thanh niên ngoại quốc đang ngơ ngác đi tìm nơi để rác… Rỗi xếp hàng cũng là một nếp sống, là lẽ thường tình rất văn minh của người Nhật Bản. Ăn sáng, ăn tối ở khách sạn cũng xếp hàng chờ đến lượt, muốn chụp ảnh có hình biểu tượng của Disneyland cũng phải xếp hàng, mua hàng, lên tàu, lên xe buýt cũng xếp hàng. Thậm chí thanh toán và đi toilet cũng không thể thoát được cảnh đó. Song tuyệt nhiên không có cảnh chen ngang, xô đẩy nhau, từ người già đến trẻ nhỏ, tất cả đều bình thản nhẹ nhàng và kiên nhận chờ đợi, một sự kiên nhẫn lạ lùng. Lái xe đưa chúng tôi vào thăm Trung tâm nông nghiệp Nagoya, giáo sư Kimura vừa giải thích: Để giúp trẻ em thành phố hiểu biết công việc của những người nông dân và có điều kiện tiếp xúc với các con vật cùng cuộc sống của chúng, các thành phố của Nhật Bản đều xây dựng các Trung tâm nông nghiệp. Đến đây, các em nhỏ có thể tận mắt nhìn thấy chú gà con xinh xắn chui ra từ vỏ trứng hoặc vuốt ve những chú dê con, thỏ con, rồi ngồi lên những quả bí đỏ nặng vài chục cân, ngắm nghía những bông hoa hồng đủ màu sắc do lai tạo. Nơi đây người ta cũng dạy cho trẻ biết: Cốc sữa các em uống hàng ngày là do những chú bò kia mang lại, chiếc bánh làm từ gạo các em ăn là do các bác nông dân làm ra… Giáo dục ý thức tự lập từ nhỏ và tình yêu lao động đã trở thành truyền thống trong nhà trường ở Nhật Bản. Điều này đã tạo ra nhiều lao động có trình độ học vấn cao và có năng lực giúp đất nước “mặt trời mọc” đạt được tăng trưởng kinh tế diệu kỳ, làm cả thế giới phải thán phục. Điều này cũng lý giải vì sao, chỉ ở độ tuổi 3 – 4, song tất cả các cháu ở Trường mầm non Hoa Anh Đào đều tự lập từ việc ăn, uống, rửa tay, thu dọn bát đĩa đến việc trải đệm, đi ngủ, tập bơi. Nghiệm ra, việc gì người Nhật cũng chi li, tinh tế. Sau một thập kỷ (1993-2003), kinh tế trì trệ mà người Nhật Bản gọi là “Thập kỷ bị đánh mất”, đang được khôi phục lại bởi sự nỗ lực phi thường của mỗi người dân từ những việc nhỏ bé, cỏn con hàng ngày. Nhưng nghiệm ra người Nhật nhờ nghiêm túc từ những việc cỏn con ấy, họ mới có được một nước Nhật hiện đại như ngày nay và nhanh chóng vươn lên vị trí số hai về kinh tế trên thế giới. Sakura dịch ra tiếng Việt là hoa anh đào, loài hoa đặc trưng của đất nước mặt trời mọc. Sakura cũng là tên cô giáo đã tâm huyết, kiền trì để có một mái trường cho trẻ em Nhật giữa lòng Hà Nội hôm nay. Đây đã và mãi là địa chỉ thân thiết, tin cậy của đông đảo người Nhật đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. |
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 Sakura giữa lòng Hà Nội
45