Trang chủ » Nhếch nhác rác bên hè phố

Nhếch nhác rác bên hè phố










Một hình ảnh quen nhưng không đẹp mắt vẫn tồn tại ở nhiều con phố Hà Thành đó là những đống rác “bất đắc dĩ”. Rác tồn tại ở bất cứ nơi nào có thể, khiến mặt phố nhếch nhác đến nhức nhối.



Công nhân làm việc trên đường Khuất Duy Tiến vất vả quét, xúc đất







Những đống rác “bất đắc dĩ”



“Được” tập kết trong các ngõ xóm, trên vỉa hè phố, dưới gốc cây ven đường, bụi cỏ thậm chí ngay ở dải phân cách làn đường… và  bất cứ nơi nào có thể, nơi đông dân cư thì nhiều rác sinh hoạt, nhiều phố mới đang  xây dựng thì trở thành nơi tập kết phế thải VLXD. Nguyên  nhân, rất đơn giản, những đống rác ấy “bị” hình thành từ sự thiếu ý thức của một bộ phận dân cư. Thực tế trên nhiều tuyến phố đã được trang bị thùng đựng rác, nhưng cũng chỉ đứng đó cho có chứ rất ít người chịu bỏ rác vào thùng.



Chị Hoàng Thị Yến ở đường Trường Chinh cho biết: Nhiều người dân không đợi kẻng đổ rác mà tiện là để ngay túi rác ven đường. Họ cho rằng, vứt ở đó cho công nhân quét rác dọn nhưng lại không tính thời gian xe chở rác đi qua. Những túi rác nằm ven đường vài tiếng, thậm chí gần cả ngày trời, làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến môi trường.



Một công nhân quét rác trên phố Lê Văn Lương bức xúc: Có trường hợp xe rác vừa đi qua, cách mấy bước chân nhưng một số người vẫn vứt túi rác dưới gốc cây mà không chịu quá bộ vài bước cho rác vào xe.



Đi dọc phố Khâm Thiên, Cầu Giấy, Giải Phóng, Trường Chinh, Trương Định… vẫn thấy những túi rác nằm dưới lòng đường hay trên vỉa hè. Đê La Thành – con phố  nổi tiếng về đồ gỗ, vốn đã rất chật hẹp, nhưng những khoảng không quý hiếm ở vỉa hè cũng bị rác “chiếm chỗ”. Phố Đinh Tiên Hoàng nằm giữa trung tâm Thủ đô, ít rác hơn nhưng thỉnh thoảng vẫn còn những túi rác, bao nilông nằm eo xèo bên đường.



Theo quan sát của phóng viên, dọc đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng ít thấy những túi rác sinh hoạt hơn nhưng vào buổi sáng sớm “rác” đất, cát, sỏi bị rơi vãi từ những xe chở vật liệu xây dựng đêm đã khiến đường đầy bụi đất. Kinh hoàng nhất là buổi sáng sớm trời mưa nhỏ, hoặc lúc xe rửa đường vừa xả nước qua, đất và nước được dịp hòa trộn thành bùn nhão khiến không ít chủ phương tiện nhiều phen hú vía.



Dọc đường Nguyễn Trãi, Trần Phú, Nguyễn Viết Xuân, Lê Lợi, Lê Hồng Phong… của quận mới Hà Đông tình hình không khả quan hơn. Rác nằm ở vệ đường, dưới phố và góc vỉa hè. Những con phố đang được xây dựng như Khuất Duy Tiến, Khương Đình (người dân quen gọi là đường bờ sông mới)… ven đường trở thành nơi tập kết VLXD và phế thải khiến phố nhếch nhác.






Bao giờ Hà Nội có phố không rác?



Câu trả lời phụ thuộc vào mỗi chúng ta. Nếu mỗi công dân của Thủ đô có ý thức hơn, đổ rác đúng giờ quy định, vứt rác vào thùng, không ném, xả rác bừa bãi chắc chắn bộ mặt đô thị sẽ có nhiều thay đổi.



Thấy một cậu bé chạc tuổi nên mười phụ mẹ bán nước chè trên phố Đê La Thành đang nhoay nhoáy lấy lá chè từ trong ấm ném ra đường, tôi khựng lại hỏi lý do, cậu bé cười thủng thẳng: Thì đằng nào người ta chẳng phải quét đường.



Một nghịch lý vẫn tồn tại, thùng rác có nhưng không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ em cũng vứt rác ra đường. Nhiều em bé, cô cậu học trò ngồi sau lưng bố mẹ ăn quà, vứt rác ra đường rồi thản nhiên quay đi.



Thiết nghĩ, để Hà Nội có những con phố không rác, cần lấy giáo dục làm gốc. Bài học đầu tiên mà các em học trong trường nên là bài học về cách sống, cách ứng xử văn hoá, đặc biệt giáo dục để các em thấy được vứt rác ra đường là hành động thiếu ý thức, không văn hoá. Và đặc biệt là, người lớn hãy làm gương.

Bài viết cùng chuyên mục

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.