KTĐT – Đó là tâm lý chung và cũng là tình hình thực tế đang diễn ra trên các sàn giao dịch bất động sản (BĐS); nhất là khi đa phần các sàn giao dịch BĐS do chính chủ các dự án đầu tư kinh doanh BĐS thành lập với mục đích phân phối sản phẩm của đơn vị mình.
Hiện nay, nhiều chủ đầu tư đã tìm cách huy động vốn sớm cho dự án BĐS trước khi sản phẩm này đủ điều kiện giao dịch mua bán qua sàn. Lý do được chủ đầu tư viện dẫn để thanh minh cho việc chưa muốn đưa hàng hóa của mình bán qua sàn như quy định của pháp luật là vì không muốn công khai thông tin về dự án. Thậm chí, có chủ đầu tư còn mang tâm lý chờ đợi, nghe ngóng việc thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý Nhà nước. Mặc dù Nhà nước đã ban hành đủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, thậm chí chế tài ở mức cao nhưng các quy định này thực sự chưa được triển khai. Các cơ quan quản lý nhà nước các cấp cũng chưa tổ chức tốt, chưa thường xuyên thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý, chấn chỉnh sai phạm của chủ đầu tư cũng như sàn giao dịch trong hoạt động kinh doanh BĐS.
Bên cạnh đó, các giao dịch của người dân vẫn đang diễn ra theo thói quen là tự thực hiện dịch vụ, ít khi sử dụng các dịch vụ hỗ trợ. Theo đánh giá của các chuyên gia, để thị trường BĐS phát triển ổn định và bền vững, yếu tố quan trọng nhất là phải đảm bảo tính công khai, minh bạch để chủ thể tham gia có đầy đủ thông tin cho quyết định mua – bán của mình. Như vậy mới thu hút được người dân có nhu cầu về bất động sản tiếp cận hàng hóa và sử dụng sàn như một kênh giao dịch hiệu quả.
Tính đến tháng 9/2009, cả nước có 226 sàn giao dịch BĐS được thành lập và đưa lên Website của Mạng các sàn giao dịch BĐS Việt Nam; trong đó, các sàn chủ yếu tập trung tại 2 thành phố lớn là Hà Nội với 82 sàn và thành phố Hồ Chí Minh là 123 sàn./.
Thu Hằng