Nhiều nhà đầu tư khởi động dự án để “đón lõng”












Có thể thấy, thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư đã khởi động lại hoặc khởi công xây dựng các dự án tổ hợp nhà ở, văn phòng và thương mại. Theo kế hoạch, các dự án này đều hoàn thành và đưa vào sử dụng trong vài năm tới – thời điểm được đánh giá là nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng được vực dậy sau suy thoái.


Điểm vài dự án tiêu biểu



Dự án đầu tiên được khởi công dịp cuối năm 2008 là Indochina Plaza Hanoi, tại 239 đường Xuân Thủy, với tổng mức đầu tư khoảng 150 triệu USD. Đây là một tổ hợp hoàn hảo với khu văn phòng, khu nhà ở cao cấp và trung tâm thương mại. Dự án có vị trí chiến lược nằm trên trục đường huyết mạch phía đông – tây thành phố nối các quận trung tâm thành phố với khu Mỹ Đình và tuyến đường chính dẫn đến Sân bay Quốc tế Nội Bài.



Dự án nằm trên khu đất có diện tích khoảng 16.600 m2, 148 m mặt tiền, với hai tòa tháp cao 36 và 32 tầng, gồm các căn hộ chung cư cao cấp và tòa tháp văn phòng 11 tầng (bắt đầu từ tầng 6). Tòa tháp văn phòng cung cấp các văn phòng cao cấp với không gian thoáng rộng và hiệu quả. Khu văn phòng có tổng diện tích sàn khoảng 17.700 m2, được trang bị 4 thang máy tốc độ cao và một thang máy chuyên chở hàng… Dự kiến, dự án hoàn thành vào cuối năm 2010 và đầu năm2011.



Dự án thứ hai là tổ hợp Tricon Towers xây dựng tại khu đô thị Bắc An Khánh, gồm 3 tòa cao ốc cao 45 tầng, tổng vốn đầu tư 145 triệu USD do Công ty CP Minh Việt làm chủ đầu tư. Có tổng số 732 căn hộ từ 2 – 5 phòng ngủ. Dự án được khởi công vào giữa tháng 2/2009, dự kiến hoàn thành vào năm 2011.


Mới đây nhất là sự kiện Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom) thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội khởi công dự án khu văn phòng, dịch vụ công cộng và nhà ở tại xã Trung Văn, tổng vốn đầu tư 523 tỷ đồng. Dự án có 3 khu nhà ở, gồm 11 tầng, 25 tầng và khu nhà ở thấp tầng. Ngoài hệ thống siêu thị bố trí tại các khu nhà ở cao tầng, khu văn phòng, dịch vụ công cộng có diện tích chiếmgần 3.000 m2 với thiết kế 2 tầng hầm, tầng 1 dành cho dịch vụ, siêu thị, từ tầng 2 trở lên là văn phòng làm việc, dự kiến hoàn thành vào năm 2011.



Trước đó, cũng đã có nhiều dự án được khởi động như tổ hợp văn phòng, nhà ở và thương mại tại 52 Lĩnh Nam, do Công ty CP Lilama Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án gồm tòa văn phòng cao 21 tầng, tòa nhà ở cao 24 tầng khoảng 180 căn hộ, với mức đầu tư hơn 450 tỷ đồng. Dự án trung tâm thương mại Dolphin Plaza, tại 28 Trần Bình, gồm có tòa tháp đôi 25 tầng, tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng…



Qua suy thoái lại phất lên



Hiện tượng các công ty chuyển địa điểm thuê văn phòng hoặc rời các tòa nhà mặt phố, đến các văn phòng không còn là chuyện hiếm. Anh Hạnh, giám đốc một công ty máy tính đã phải dời trụ sở từ căn nhà mặt phố khu Kim Mã đến một khu văn phòng tại đường Láng Hạ. “Công ty phải cắt giảm nhiều chi phí, trong đó có cả việc thuê địa điểm để thích ứng với “túi tiền” của mình. Chứ ở căn nhà 4 tầng mặt phố thì chi phí đắt đỏ quá” – anh Hạnh nói.



Cùng chung tình cảnh này, giám đốc một ty cổ phần chuyên kinh doanh mây tre đan xuất khẩu cũng đã trả lại văn phòng trên phố Chùa Bộc để chuyển xuống khu vực Mỹ Đình. Vị giám đốc này cho biết, đây là giải pháp tốt nhất để tiết kiệm chi phí. Công ty thuê một căn hộ có diện tích khoảng 200 m2 làm văn phòng, với mức giá hơn 10 triệu đồng/tháng.



Thị trường bất động sản nói chung và văn phòng cho thuê nói riêng đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những bất ổn của nền kinh tế. Vì vậy, từ giữa năm 2008 và đầu năm nay, diện tích trống tại các khu văn phòng cho thuê đang tăng, giá thuê giảm nhẹ. Có chuyên gia còn nhận định rằng, 2009 là năm thị trường văn phòng có số lượng khách thuê đạt thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Tuy nhiên, nhìn nhận về tương lai, các chuyên gia đều tỏ ra lạc quan. Ông Matthew Powell, giám đốc Savills Hà Nội cho biết: Triển vọng của thị trường bất động sản tại Hà Nội vẫn cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực với nhu cầu về văn phòng, khu dân cư và căn hộ cao cấp vẫn ngày một lớn.



Ông Richard Leech, giám đốc CBRE Việt Nam dự đoán rằng, không lâu nữa thị trường bất động sản sẽ phục hồi. Bởi, từ đầu năm tới nay các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ rất nhiều tiền vào lĩnh vực bất động sản. Vì các nhà đầu tư bất động sản quốc tế có một tầm nhìn xa đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Họ nhận thấy rằng các thành phố ở Việt Nam vẫn đang kém phát triển và cần rất nhiều tiền cho việc phát triển cơ sở hạ tầng.



Theo giới kinh doanh, trong năm 2009, thị trường bất động sản chưa thể phục hồi, bởi vẫn chịu tác động từ sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Phải vượt qua ngưỡng 2010 thị trường mới có dấu hiệu tích cực hơn. Lúc này, nguồn cung bất động sản tăng, khi có nhiều dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động.


 



Nguyên Đào

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *