ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề nghị QH cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được quyền mua nhà như công dân ở trong nước. Theo ĐB Thường, nếu “mở” như vậy, số lượng người Việt Nam ở nước ngoài mang tiền về mua nhà tại quê nhà cũng không phải là lớn, vì không phải tất cả bà con chúng ta, kiều bào nước ngoài đều có khoản dư để mua nhà. “Đại bộ phận bà con ở nước ngoài cũng kiếm sống, dành dụm được một chút thì không ai dại gì mà mang tiền về đầu tư vào Việt Nam để mua một căn nhà để đấy, gửi người khác, rủi ro rất lớn, thậm chí xảy ra tranh chấp” – ĐB Thường nhận định.
Mặt khác, ĐB Thường cũng cho rằng, nếu Việt kiều mua nhà ở trong nước thì thời gian họ về ở cũng rất ít, chủ yếu là người ở trong nước sử dụng. “Nếu chúng ta cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam, có thể chúng ta sẽ tạo điều kiện cho người ở trong nước không đầu tư nhưng vẫn có một quỹ nhà ở nhất định và nó sẽ tác động có thể là tích cực đến thị trường nhà đất ở Việt Nam” – ĐB Thường phân tích.
ĐB Quách Cao Yềm (Kon Tum) cho biết: “Dự thảo luật sửa đổi coi quyền nhà ở như nhau giữa công dân Việt Nam ở nước ngoài và trong nước, tôi cho rằng chưa hợp lý. Trong tình hình hiện nay, tôi thấy việc mở thế này cũng chưa được ổn”. Đồng quan điểm này, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nói, ông rất băn khoăn khi dự luật bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng (người có quốc tịch Việt Nam, người gốc Việt Nam có chuyên môn kỹ năng đặc biệt và người gốc Việt Nam có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước) được sở hữu nhà ở trong nước, trong khi trình độ quản lý của cán bộ ở lĩnh vực này còn hạn chế.
“Mở rộng đối tượng thì trước mắt chúng ta mới giải quyết được về mặt kinh tế, chúng ta chưa lường hết được tác động xấu về mặt xã hội” – ĐB Vinh lo lắng. Theo ĐB Vinh, việc cho nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như đề xuất trong dự thảo sẽ làm xuất hiện một số trường hợp đầu cơ mua đi, bán lại nhà ở nhằm kiếm lời, dẫn đến tác động không tốt đến nhu cầu thực sự về nhà ở của người nghèo, người có thu nhập thấp trong nước.
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) hưởng ứng: “Tôi thấy mở rộng là quá nhiều mà điều kiện không chặt chẽ”. ĐB Minh lấy ví dụ cụ thể, một gia đình người Việt định cư ở nước ngoài có thể có tới 5 – 6 người con, mỗi lần về Việt Nam họ lại tách hộ, và như vậy một nhà có 6 người thì họ có thể mua được 6 nhà. “Luật đã lường được điều này chưa?” – ĐB Minh đặt câu hỏi.
Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch bày tỏ: “Chúng ta đã khóa chỗ mở, thật sự mở nhưng không mở, đó là chúng ta chỉ giới hạn mở duy nhất là mua nhà để ở cho bản thân và gia đình, loại hoàn toàn kinh doanh ở đây. Thành ra việc lợi dụng rửa tiền để kinh doanh chúng ta đã loại rồi”. ĐB Trần Du Lịch nói tiếp: “Ở các tỉnh khác tôi không biết nhưng với giá nhà đất ở TP.HCM và Hà Nội, nếu bán nhà ở Califonia mà sang đây mua thì thiệt lắm, vì giá ở đây đắt hơn và chưa phải là hấp dẫn”.
ĐB Nguyễn Kim Hồng (Đồng Tháp) đề nghị cơ quan trình dự luật cần làm rõ quy định, người gốc Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam. “Cư trú 3 tháng nhưng mà liệu người ta có cư trú liên tục được 3 tháng hay không?” – ĐB Hồng đặt câu hỏi. Theo ĐB Hồng, nếu quy định chung chung như dự luật sẽ rất khó cho người có nhu cầu thực sự.
Dự luật quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam có các quyền thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, và cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở trong thời gian tạm thời không dùng để ở cho bản thân và gia đình.
Ủy viên UBTVQH Trần Thế Vượng (Hải Dương) cho rằng, đối với quyền được thế chấp nhà thì cần phải có một sự phân biệt cho từng đối tượng cụ thể. Chẳng hạn như “nhà khoa học một năm vào Việt Nam giảng dạy một vài ngày rồi lại về, tháng sau, quý sau lại vào giảng dạy một vài giờ thì căn cứ gì để anh đi thế chấp nhà mà anh được mua ở Việt Nam? Nhưng vấn đề này đặt ra đối với người về đầu tư trực tiếp ở Việt Nam thì điều đó là cần thiết” – ĐB Vượng làm rõ.
ĐB Triệu Sỹ Lầu (Cao Bằng) đề nghị dự luật phải làm rõ về thời gian được cho thuê, nếu không sẽ rất khó quản lý, nhất là đối với nhà chung cư.
ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị, QH nên cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở có quyền bảo lãnh bằng tài sản là nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam.
Xuân Toàn