Chất lượng một số công trình xây dựng trong ngành Giao thông vận tải bị xuống cấp và có phần mất an toàn. Thiết nghĩ lỗi trước hết phải thuộc về các chủ đầu tư công trình chưa làm hết trách nhiệm… Chỉ trong một thời gian ngắn, các sự cố liên quan đến các cây cầu nổi tiếng của Hà Nội như nứt mặt cầu Thăng Long, sập nhịp dẫn cầu cạn pháp Vân đã diễn ra. Song thay vì tìm phương án nào giải quyết sự cố một cách nhanh nhất, phù hợp nhất, an toàn nhất, tiết kiệm nhất, thì các đơn vị liên quan lại ra sức “truy” người để đổ lỗi. Chủ đầu tư đổ lỗi cho nhà thầu, cho đơn vị giám sát. Nhà thầu đổ lỗi do công nghệ mới, do thời tiết, do công nhân, yêu cầu công nhân đền tiền. Thực trạng này đang đặt một dấu hỏi lớn: Có phải cơ quan chức năng đang né trách nhiệm liên quan đến vấn đề chất lượng? Chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công chỉ biết… đổ lỗi? Đầu tư tới 97 tỷ đồng cho việc sửa chữa, nhưng sau 3 tháng thông xe trở lại, trên mặt cầu Thăng Long, Hà Nội đã xuất hiện hàng loạt vết nứt, loang lổ và bị lõm xuống, dày đặc. Chỉ sau 3 ngày sự cố được phát hiện, lãnh đạo Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông vận tải – GTVT) đã công bố nguyên nhân chính xảy ra hiện tượng nứt mặt cầu Thăng Long là do một số mẻ bê tông nhựa SMA đã nguội nhanh trong quá trình lu lèn… dù công trình này đã sử dụng loại bê tông nhựa SMA, là loại vật liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế và được nhiều nước trên thế giới sử dụng cho các công trình mặt cầu thép có tuổi thọ công trình nhiều năm. Nhưng với dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, mới chỉ sau hơn một tháng đưa vào sử dụng đã phát hiện các vết nứt. Sau khi xảy ra sự cố này, đến nay, cả đơn vị thiết kế và giám sát thi công là Viện Khoa học công nghệ và bên thi công là Công ty Bảo Quân, đều đưa ra nhiều lý lẽ không nhận trách nhiệm chính gây ra sự cố này. Nhưng vì công trình đang trong thời gian bảo hành, nên Công ty Bảo Quân đang phải tổ chức sửa chữa khắc phục các sự cố rạn, nứt trên bề mặt cầu Thăng Long theo đề xuất của Viện Khoa học công nghệ: cắt bỏ các mảng bê tông có vết nứt cục bộ, sau đó sử dụng hỗn hợp vật liệu bê tông nhựa SMA để trám, vá. Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long có số vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, hay nói cách khác là từ tiền thuế đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng công trình phục vụ lợi ích công cộng.
Nhưng việc khắc phục sự cố bằng cách trám, vá víu như vậy, liệu có đảm bảo chất lượng công trình? Bởi thực tế, ở nhiều công trình đường giao thông bị xuống cấp gây sụt lún, ổ gà, ổ voi và được khắc phục bằng hình thức trám, vá, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn mặt đường lại bị bong, tạo thành những hố trũng sâu, ảnh hưởng không nhỏ cho các phương tiện giao thông đi lại. trong lúc mặt cầu Thăng Long đang trong thời gian “vá víu”, thì 4 thanh dầm (mỗi thanh dài 33m, nặng tới gần 60 tấn) của nhịp dẫn cầu cạn pháp Vân (thuộc gói thầu số 3A với tổng giá trị hợp đồng là hơn 990 tỷ đồng) lại bị đổ sập, thiệt hại lên tới gần 600 triệu đồng. Chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công, đơn vị giám sát nhanh chóng vào cuộc truy tìm nguyên nhân. Ngay ngày hôm sau, ông phạm Thanh Bình – phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư dự án) đã đưa ra đánh giá: “Nguyên nhân vụ sập dầm cầu có thể là do đơn vị thi công đã sử dụng thanh gỗ chống không đảm bảo tiêu chuẩn và người phải chịu lỗi chính không ai khác là nhà thầu và đơn vị thi công”. Ngay lập tức, ông phan Quốc Hiếu, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long (nhà thầu) cho rằng, nguyên nhân sập thanh dầm là do các công nhân sơ xuất, nên họ phải góp tiền túi ra đền bù thiệt hại. Dù có nhiều tư vấn, giám sát nhưng do lâu quá rồi, qua 4 tháng kể từ ngày lao dầm không “động chạm” đến, nên không được tập trung kiểm tra. Vì thế, theo ông Hiếu, chiếu theo hợp đồng, lỗi của ai thì người đó phải chịu chứ không có chuyện đơn vị bỏ tiền ra. Vậy nhưng, khi được hỏi quan điểm của công ty về thông tin “công nhân bỏ tiền túi ra đền”, ông Nguyễn Đức Ý, Giám đốc Công ty Cầu 7 (đơn vị trực tiếp thi công – công ty “con” của Tổng Công ty Xây dựng Long) lại cho biết đó chỉ là quan điểm cá nhân, còn thế nào phải chờ kết luận của cơ quan điều tra rồi mới chiếu vào đó để xác định trách nhiệm của công ty, hay từng cá nhân. “trước hết công ty phải trách nhiệm toàn bộ đã, rồi trong đó tôi giao cho đội nào thì đội chịu trách nhiệm tiếp theo, đội phân công ai thì người đó chịu. Nhưng chưa có kết luận của cơ quan điều tra thì chưa cụ thể được”. Chậm trễ xử lý sự cố, yêu cầu của Bộ GTVT bị “coi thường”? Bộ GTVT tỏ ra cương quyết bằng cách gửi công văn yêu cầu các đơn vị liên quan phải vá xong các vết nứt trên mặt cầu Thăng Long và có báo cáo bộ trước 26/3. Cùng đó, trước ngày 27/4, Ban quản lý dự án Thăng Long cùng đơn vị liên quan cũng phải gửi báo cáo nguyên nhân sự cố sập dầm cầu cạn pháp Vân và biện pháp khắc phục lên Bộ trưởng. Thế nhưng, đến nay các yêu cầu của Bộ như bị “bỏ rơi”. trao đổi với phóng viên gần đây (sau gần 1 tháng yêu cầu của Bộ đã bị bỏ xa), ông Doãn Minh Tâm – Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải (đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư) cho biết, nếu theo đúng yêu cầu của Bộ thì đến nay việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã phải hoàn tất, thế nhưng do thời tiết không đạt được nhiệt độ chuẩn, nên một vài chỗ chưa xử lý xong. Còn ông Bùi Xuân trung – Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân (đơn vị trực tiếp thi công) cho biết: “Việc chậm chễ khắc phục các vết nứt, một phần là do đang chờ vật tư (lớp nhựa đường dính bám) từ nước ngoài gửi về. Nếu có vật tư, cộng thêm thời tiết thuận lợi thì mấy vết nứt này chỉ làm trong vài tiếng là xong”. Hiểu nôm na lời ông trung nói thì, sự chậm chễ là do phía bạn chưa gửi vật tư sang cho ta, chứ không phải do đơn vị(?!). Chiều 29/4, dù đã vượt quá giờ G theo yêu cầu báo cáo của Bộ GTVT, trao đổi với phóng viên, ông Vũ Xuân Hòa – Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long vẫn thong thả: “Chúng tôi chưa thể có báo cáo gửi Bộ về nguyên nhân sự cố vì còn đang chờ kết quả của phía Công an và hội đồng nghiệm thu Nhà nước”. Thế nhưng, sự chậm chễ này dường như không hề bị Bộ GTVT nhắc nhở. Từ các vụ việc vừa nêu cho thấy, chất lượng một số công trình xây dựng trong ngành Giao thông vận tải bị xuống cấp và có phần mất an toàn. Thiết nghĩ lỗi trước hết phải thuộc về các chủ đầu tư công trình chưa làm hết trách nhiệm, chứ không thể đổ vấy cho người này, người kia bởi Nhà nước giao tiền cho họ làm đại diện đầu tư, để làm những công trình an toàn, hiệu quả, chứ không phải xây lên những công trình không thể đảm bảo chất lượng. Chất lượng công trình bị xuống cấp còn có nguyên nhân do việc giám sát thi công bị buông lỏng. Đã đến lúc cần siết chặt công tác kiểm soát chất lượng công trình xây dựng nói chung và các công trình xây dựng trong ngành GTVT nói riêng. Đồng thời, cần xử lý nghiêm theo pháp luật với đơn vị, cá nhân có dấu hiệu, có hành vi tham nhũng từ nguồn vốn ngân sách đầu tư công trình.
|
Những cây cầu tiền tỷ “bị thương” – Lỗi thuộc về chủ đầu tư…
14