Trong báo cáo tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng khẳng định cho đến nay Nhà nước hầu như chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể về nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp và các hộ nghèo tại khu vực đô thị. Bộ Xây dựng cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ trực tiếp đầu tư xây dựng một số dự án thí điểm tại một số đô thị có nhu cầu bức xúc về nhà ở trong đó chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ quản lý, tiết kiệm chi phí… lấy kinh nghiệm cho các địa phương trước khi triển khai.
Theo Bộ Xây dựng, mặc dù trong những năm qua Nhà nước đã ban hành một số cơ chế chính sách hỗ trợ về đất ở, nhà ở cho một số đối tượng chính sách xã hội như chính sách nhà ở cho các hộ dân vùng ngập lũ ĐBSCL, đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở khu vực nông thôn… Tuy nhiên cho đến nay hầu như chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể về nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp và các hộ nghèo tại khu vực đô thị. Trong khi đó các doanh nghiệp hầu như chỉ chú trọng phát triển các dự án nhà ở thương mại để bán cho các đối tượng có thu nhập cao theo giá thị trường, người thu nhập thấp không đủ khả năng để cải thiện chỗ ở. Kết quả điều tra gần đây nhất cho thấy, trong khoảng 2 triệu cán bộ công chức chỉ mới 2/3 đã tự lo được nhà ở, còn lại chưa có chỗ ở ổn định, đa số họ tập trung ở các đô thị lớn. Đối tượng khó khăn về nhà ở tập trung vào các hộ gia đình trẻ, có trình độ chuyên môn, là lực lượng lao động chủ lực của đất nước. Bên cạnh đó, tại khu vực đô thị còn hàng vạn gia đình đang phải sống trong điều kiện chỗ ở không bảo đảm tiêu chuẩn tối thiểu, trong đó 30% các hộ có diện tích nhà ở dưới 36m2, 19% sống trong những căn nhà tạm bợ, cấu trúc không bền vững… Điều kiện về nhà ở của công nhân trong các KCN cũng không cải thiện hơn. Cả nước có 194 KCN, thu hút trên 2 vạn lao động, tuy nhiên chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân có chỗ ở ổn định, còn lại chưa có chỗ ở hoặc đang đi thuê… Luật Nhà ở cũng như các Nghị định của Chính phủ đã có những quy định cụ thể về việc thực hiện cơ chế Nhà nước về đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội để cho các đối tượng thu nhập thấp gặp khó khăn về nhà ở được thuê hoặc thuê mua. Tuy vậy việc đầu tư xây dựng nhà ở vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Nguyên nhân cơ bản đó là các cơ chế chính sách hiện hành chưa thực sự thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS cũng lý giải: “Các dự án nhà ở nói chung cũng như nhà ở xã hội chi phí rất lớn, đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Các chủ đầu tư phải đi vay ngân hàng, chưa kể lãi suất cao, trong khi đó thời gian thu hồi vốn lại dài, các dự án nhà ở xã hội dành cho thuê hoặc thuê mua theo khung giá Nhà nước quy định thì hầu như không có lãi. Không nhìn thấy lợi nhuận, khó có doanh nghiệp tham gia”. Ông Hà cũng cho biết, chính vì những bất cập trên mà trong xây dựng Chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp giai đoạn từ nay đến 2015, theo Bộ Xây dựng, nguyên tắc chung là ngoài việc tiếp tục triển khai phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua theo quy định của pháp luật thì Nhà nước cần đẩy mạnh chủ trương xã hội hoá về nhà ở thông qua việc ban hành bổ sung các cơ chế khuyến khích, ưu đãi đối với các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở cho tất cả các đối tượng xã hội gặp khó khăn về chỗ ở, đồng thời cần có giải pháp hỗ trợ về tài chính để giúp các đối tượng gặp khó khăn có khả năng mua hoặc thuê mua nhà ở thông qua hình thức cho vay ưu đãi, bù lãi suất từ nguồn ngân sách trung ương, Quỹ phát triển nhà ở của các địa phương và Quỹ tiết kiệm nhà ở… Bên cạnh đó cần ban hành bổ sung các quy định cụ thể về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở; tỷ lệ tối thiểu bắt buộc phải xây dựng loại nhà ở giá thấp trong các dự án nhà ở thương mại; dự án khu ĐTM, điều chỉnh tăng mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp để góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở phù hợp với đối tượng thu nhập thấp, người nghèo, khắc phục tình trạng các nhà đầu tư chỉ tập trung xây dựng nhà ở cao cấp, đắt tiền cho người thu nhập cao như đã xảy ra trong thời gian qua.
Về phương thức phát triển nhà ở cho các đối tượng khó khăn về chỗ ở tại khu vực đô thị, Bộ Xây dựng cũng đề xuất 3 phương thức hỗ trợ đó là nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua và nhà giá thấp để bán. Nhà ở xã hội cho thuê do Nhà nước hoặc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Tiêu chuẩn nhà ở xã hội tại khu vực đô thị là loại nhà chung cư có diện tích từ 30 – 60m2/căn hộ. Do điều kiện Nhà nước phải trực tiếp đầu tư nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách (người thuê được hỗ trợ ưu đãi về giá thuê nhà) cho nên trong giai đoạn 2009-2015 tập trung ưu tiên giải quyết cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, công nhân lao động (độc thân) làm việc tại các KCN tập trung; sinh viên, học sinh, sau đó sẽ từng bước mở rộng cho các đối tượng khác. Người có nhu cầu thuê nhà phải đáp ứng điều kiện chưa có nhà ở hoặc nhà ở nhưng quá chật dưới 5m2/người; chưa được nhà nước hỗ trợ về nhà ở dưới bất cứ hình thức nào. Có mức thu nhập dưới 1,5 triệu đồng/người/tháng. Đối với nhà ở thuê mua, bên thuê mua phải trả 20% giá trị căn hộ khi ký hợp đồng thuê mua, số tiền còn lại được trả hàng tháng hoặc theo định kỳ trong thời gian 15-20 năm theo mức giá do Nhà nước quy định. Điều kiện để được thuê mua nhà phải có mức thu nhập bình quân 1,5-2,1 triệu đồng/người/tháng (đáp ứng điều kiện trả trước 20% giá trị căn hộ). Nhà ở giá thấp để bán có diện tích nhỏ hơn 70m2. Giá bán do doanh nghiệp quyết định nhưng phải được cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở thẩm định, dự kiến tối đa không vượt quá 7 triệu đồng/m2 sàn.
Nguồn vốn đầu tư quỹ nhà ở xã hội sẽ được lấy từ ngân sách Nhà nước và từ việc tạo lập quỹ nhà ở xã hội, trong đó Nhà nước có thể trực tiếp đầu tư xây dựng các dự án nhà hoặc mua quỹ nhà ở của các thành phần kinh tế đã đầu tư xây dựng. Hình thức tạo lập quỹ nhà ở giá thấp do các thành phần kinh tế làm chủ đầu tư được gắn với các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới của từng địa phương. Khi tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đối với các dự án khu đô thị mới và dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn có quy mô diện tích đất từ 5ha trở lên, UBND các cấp có trách nhiệm bảo đảm chủ đầu tư có ít nhất 10% tổng diện tích nhà ở mỗi dự án là nhà giá thấp. Đặc biệt nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà giá thấp, Bộ Xây dựng cũng đề xuất cơ chế khuyến khích, ưu đãi. Cụ thể như được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, được hoàn trả tiền sử dụng đất theo giá đất quy định tại địa phương. Khi xây dựng các dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư được phép điều chỉnh tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất 1,5 lần so với mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất so với quy chuẩn Quy hoạch xây dựng hiện hành. Đặc biệt các doanh nghiệp này còn được áp dụng thuế suất GTGT 0% đối với các hợp đồng thuê, thuê mua, bán nhà giá thấp; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế thu nhập DN phải nộp trong thời gian 9 năm tiếp theo; được áp dụng thuế suất thu nhập DN 10% trong suốt thời gian còn lại của dự án; được miễn thuế sử dụng đất trong thời hạn 3 năm kể từ khi được giao đất thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà giá thấp… Ngoài ra doanh nghiệp còn được hưởng các hỗ trợ khác khi tham gia các dự án này. |