Khu nhà lưu trú cho công nhân của Công ty Nissei – KCX Linh Trung (TPHCM), cho công nhân ở miễn phí với đầy đủ tiện nghi. Ảnh: H.Đào
Sáng 28-2, hơn 500 đại biểu đã đến tham dự hội thảo chương trình “Phát triển nhà ở và các giải pháp thực thi hiệu quả” do Bộ Xây dựng phối hợp với Tổng LĐLĐ VN tổ chức tại TPHCM. Dù hội thảo đã nhận được khá nhiều đóng góp thiết thực của các đại biểu, song nhận định chung là hầu hết giải pháp vẫn còn nằm trên giấy, do vậy người có thu nhập trung bình và thấp có nhu cầu về nhà ở thật sự sẽ tiếp tục phải chờ dài dài.
Doanh nghiệp lơ… người ít tiền!
Mở đầu cuộc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định: Trong những năm gần đây, diện tích nhà ở VN tăng trên 30 triệu m2/năm, riêng năm 2008 tăng 50 triệu m2. Song có một thực tế đáng lo ngại, thị trường nhà ở thời gian qua, các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư xây dựng nhóm nhà ở cao cấp, trong khi đại bộ phận người thu nhập trung bình và thấp lại rất chật vật để tìm chốn an cư, dù nhu cầu về nhà ở của nhóm đối tượng này ngày càng tăng. Đó là chưa kể đến nhu cầu về chỗ ở của sinh viên và công nhân. Ông Nam cho biết theo số liệu khảo sát mới nhất, hiện cả nước có gần 600 trường đại học và cao đẳng. Đến năm 2015, tổng số sinh viên đại học đến gần 3 triệu, tổng vốn đầu tư để giải quyết chỗ ở là 21.000 tỉ đồng. Còn đối với nhà ở cho công nhân, tính đến cuối năm 2008, cả nước có 194 KCN được thành lập, hiện các KCN thu hút 1 triệu lao động trực tiếp và khoảng 1,5 triệu lao động gián tiếp, chỉ có khoảng 20% có nhà ở, 2% công nhân được ở trong các nhà trọ đàng hoàng…
Đồng tình với nhìn nhận trên, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, cho biết thêm hiện nay cả nước có khoảng gần 2 triệu CBCC, 2/3 CBCC có nhà riêng, trong đó 40% là nhà bán kiên cố và 10% nhà tạm. Những người có nhà đa số là được từ trước năm 1972, chủ yếu sống trong các chung cư được xây dựng từ năm 1962. Số còn lại khoảng 1/3 CBCC chưa có nhà, phải ở nhờ nhà bố mẹ, ở tạm, thuê mướn… Tại các KCN khoảng 1 triệu lao động, do 70% là lao động nhập cư nên trên 90% số này vẫn phải thuê nhà trọ, chỉ khoảng 5%-7% là được sống trong các nhà trọ do doanh nghiệp xây dựng đàng hoàng, sạch đẹp. Ông Chính cho rằng: “Bất cập lớn nhất hiện nay là chính sách về phát triển nhà ở cho đối tượng này chưa đi vào cuộc sống nên rất ít doanh nghiệp tham gia bởi việc xây dựng nhà ở cho công nhân khó thu hồi vốn do bỏ tiền tỉ mà chỉ thu về bạc cắc…”.
Giá nhà tăng vùn vụt, lương lẽo đẽo theo sau
Theo báo cáo tham luận của Tổng LĐLĐ VN, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân viên chức – lao động, nhưng việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội vẫn tiến triển rất chậm, nếu như không nói là giậm chân tại chỗ. Chưa hết, nếu thật sự có quỹ nhà này thì không phải ai cũng đủ sức thuê mua khi mà chi phí tiền nhà được tính trong chính sách tiền lương hiện còn nhiều bất cập. Cụ thể: ở thời kỳ bao cấp, chi phí về nhà ở nằm ngoài lương và nhà ở được coi là phúc lợi được phân phối cho người lao động. Đến thời kỳ xóa bao cấp, thực hiện theo hướng tiền tệ hóa và từng bước đưa tiền nhà ở vào tiền lương. Năm 1993, Nhà nước thực hiện cải cách chính sách tiền lương với mức lương tối thiểu là 120.000 đồng/tháng, trong đó tiền nhà ở được tính là 9.000 đồng/tháng (chiếm tỉ lệ 7,5%).
Đến năm 2008, qua nhiều lần điều chỉnh thì mức lương tối thiểu đạt 540.000 đồng/tháng, nếu tính tỉ lệ trên thì tiền nhà ở có trong lương là 40.550 đồng/tháng. Ví dụ, một sinh viên đại học ra trường hệ số lương là 2.0, thì số tiền nhà ở có trong lương chỉ là 81.100 đồng. Với mức tiền nhà ở theo cách tính này thì ngay cả việc thuê nhà ở xã hội theo khung giá quy định tại Nghị định 90/2006/NĐ-CP cũng còn không thể thuê được nhà ở, chứ đừng nói chi đến mua hay so sánh với giá cả tự do trên thị trường.
Trong khi đó, tuy Nhà nước có một số chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhưng tất cả vẫn còn chung chung, thiếu đồng bộ và quy định cụ thể. Mặt khác, thủ tục hành chính về giao đất, cấp phép xây dựng rất nhiêu khê, phức tạp, thường một dự án kéo dài từ 2 đến 3 năm, chưa kể có hiện tượng giao đất không đúng đối tượng (chủ yếu là doanh nghiệp đầu cơ), người cần đất thì không được giao…
Miệng nói, tay làm
Ông Nguyễn Phụng Thiều, Giám đốc Công ty Địa ốc Sài Gòn Gia Định, cho rằng bây giờ nên miệng nói, tay làm, chứ đừng nên nói mà không làm. Theo đó, những chính sách nào mà Bộ Xây dựng cảm thấy hợp lý và trong thẩm quyền của mình thì nên đưa ra thực hiện ngay, chứ cứ “treo” hoài doanh nghiệp ngán. Đơn cử như việc thủ tục đầu tư xây dựng rút từ 30 bước xuống còn 8 bước, bàn cãi gần 2 năm trời với vài chục cuộc họp mà vẫn chưa thông (!?). Còn theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, đối với các đối tượng người nghèo, nhu cầu nhà ở rất cao nhưng khả năng thanh toán lại hạn chế. Do đó, kinh nghiệm từ các nước cho thấy Nhà nước phải đóng vai trò chính để giúp họ cải thiện chỗ ở thông qua các chính sách. Một là, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp về tài chính thông qua việc cấp vốn, cho vay ưu đãi hoặc bảo lãnh về vốn đối với người mua hoặc thuê nhà; hai là, Nhà nước hỗ trợ gián tiếp thông qua việc ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở đi đôi với việc khống chế tiêu chuẩn về căn hộ và giá cho thuê; ba là, Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho một số đối tượng chính sách xã hội.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng: Bộ Xây dựng nên tập trung phát triển mảng nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua (nhà trả góp) bằng cách xã hội hóa chứ Nhà nước không thể ôm hết. Hiện nay cái khó nhất của thị trường nhà ở giá rẻ là việc tạo quỹ đất. Những chênh lệch về địa tô chưa được phân chia đồng đều, khi phần lớn đều rơi vào tay doanh nghiệp. Chênh lệch địa tô này Nhà nước đáng được hưởng 50% để có tiền chăm lo các đối tượng khó khăn. Đối với các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, GTGT, tạo điều kiện tiếp cận vốn, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp được vay tiền với lãi suất thấp và thời gian trả nợ được kéo dài hơn… Ông Nguyễn Trần Nam cho rằng: Bộ Xây dựng đã nhìn thấy hầu hết vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội. Tất cả những kiến nghị hiện đã trình lên Thủ tướng Chính phủ quyết định, một số thủ tục sẽ được điều chỉnh cho phù hợp để đưa vào các nghị định sẽ ban hành trong nay mai.
|
Nói nhiều làm ít!
51
Kim Long
Bài trước