Sáng 13/5, UBTVQH tiếp tục nghe và thảo luận Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Nội dung điều chỉnh của Dự thảo Luật này đã tập trung vào một số nội dung như dự án đầu tư xây dựng công trình, chỉ định thầu, phân cấp trong đấu thầu, báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Chủ đầu tư được phép điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình Thực tiễn cho thấy, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhiều trường hợp phải điều chỉnh do các yếu tố khách quan. Điều 40 của Luật hiện hành hiện quy định rất chặt chẽ nhưng cũng làm cho việc điều chỉnh mất nhiều thời gian vì tất cả các nội dung điều chỉnh của dự án phải được người quyết định đầu tư cho phép. Do đó, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và nhiều đại biểu tán thành sửa đổi Điều này theo hướng phân cấp cho chủ đầu tư được phép tự quyết định điều chỉnh dự án, trừ một số nội dung quan trọng phải báo cáo người quyết định đầu tư quyết định. Tuy nhiên, một vấn đề mà các đại biểu băn khoăn là theo quy định của Luật hiện hành cũng như dự thảo Luật thì điều kiện và thủ tục điều chỉnh không phân biệt dự án sử dụng vốn nhà nước và các nguồn vốn khác. Do đó, nếu áp dụng các điều kiện và thủ tục đã quy định cho các dự án sử dụng vốn ngoài nhà nước hay vốn tư nhân thì không hợp lý. Vì vậy, các đại biểu đề nghị dự thảo Luật nên quy định thêm việc điều chỉnh, thẩm định nội dung điều chỉnh dự án sử dụng vốn nhà nước khác với dự án sử dụng nguồn vốn tư nhân. Dự thảo Luật quy định tất cả các công trình, dự án đều phải thực hiện giám sát, đánh giá, kể cả công trình xây dựng của tư nhân. Ngoài ra, đối với các dự án, công trình của tư nhân, do tư nhân là chủ đầu tư thì cơ quan nhà nước không thể thực hiện “đánh giá đầu tư” được, bởi khi xin giấy phép và thực hiện đầu tư, các công trình, dự án của tư nhân đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và nhiều văn bản liên quan. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền và nhiều đại biểu đề nghị nên quy định theo hướng phân biệt mục đích giám sát, đánh giá dự án sử dụng vốn nhà nước khác với dự án sử dụng vốn của tư nhân. Chẳng hạn đối với dự án sử dụng vốn tư nhân thì cần giám sát về mục tiêu sử dụng đất đai, yêu cầu bảo vệ môi trường, chất lượng công trình. Việc giao Chính phủ quy định hạn mức chỉ định thầu là cần thiết Về mức giá trị gói thầu được áp dụng chỉ định thầu theo Luật hiện hành quy định là được áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp “gói thầu dịch vụ tư vấn có giá gói thầu dưới 500 triệu đồng; gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp có giá gói thầu dưới 1 tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển”. Dự thảo Luật quy định giao Chính phủ quy định hạn mức chỉ định thầu cụ thể. Về vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, trước tình hình biến động giá lớn trong thời gian qua thì quy định “cứng” về mức chỉ định thầu trong Luật là không còn phù hợp với sự trượt giá, cần nâng mức cao hơn. Do đó, các đại biểu tán thành với việc giao Chính phủ quy định phù hợp với từng thời kỳ để tạo sự linh hoạt hơn trong chỉ định thầu. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đấu thầu rộng rãi là hình thức được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, nhằm công khai, minh bạch, chống thất thoát trong đầu tư. Do đó, quy định hạn mức chỉ định thầu cụ thể trong Luật mặc dù có thể chưa phù hợp nhưng cũng rất cần thiết, nhằm hạn chế được tình trạng chỉ định tràn lan. Dung hoà những ý kiến này, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, về lâu dài thì cần tiến tới đấu thầu rộng rãi, hạn chế chỉ định thầu. Nhưng trong tình hình suy giảm kinh tế thì cần đẩy mạnh kích cầu đầu tư, bởi vậy trong tình hình hiện nay thì việc giao Chính phủ quy định hạn mức chỉ định thầu là cần thiết. Tuy nhiên đề nghị, dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ mức giá trị gói thầu được áp dụng chỉ định thầu để tránh sự lạm dụng, xin chỉ định thầu tràn lan. * Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến danh sách các Toà án nhân dân (TAND) cấp huyện đủ điều kiện thực hiện thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật tố tụng Hình sự và thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự theo quy định tại Điều 33 Bộ luật tố tụng Dân sự. Các đại biểu đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên giao thẩm quyền mới cho 82 đơn vị TAND cấp huyện trong cả nước còn lại để bắt đầu từ ngày 1/7/2009, các đơn vị TAND cấp huyện và tương đương được thống nhất thẩm quyết xét xử mới theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật tố tụng Hình sự và Điều 33 Bộ luật tố tụng Dân sự. |
Phân cấp điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình
52