Phó Thủ tướng chính phủ Hoàng Trung Hải: Tập đoàn kinh tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia

Thưa phó Thủ tướng, tại sao chúng ta cần thành lập các tập đoàn kinh tế?

– trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước, Chính phủ dành sự ưu tiên cho việc phát triển DN, đây là một trong những mục tiêu giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Vì chính DN tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, chính DN cạnh tranh trực tiếp với các quốc gia khác, chính DN tạo ra của cải vật chất cũng như dịch vụ cho xã hội và những giá trị gia tăng cho xã hội. Nên đi cùng với các mục tiêu khác trong phát triển kinh tế – xã hội thì mục tiêu phát triển DN cũng đã được đặt ra hết sức ưu tiên. Mục tiêu này cũng đã được định hướng trong các văn kiện của Đảng về đổi mới DN. phát triển tập đoàn kinh tế lớn cũng là mục tiêu mà bất cứ quốc gia nào cũng phải quan tâm. Vì chỉ khi hình thành những tập đoàn lớn, chúng ta mới tạo ra được điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.

Khác với những tập đoàn kinh tế khác đã thành lập, hai tập đoàn thuộc ngành Xây dựng tập trung các TCty lớn của Ngành. Như vậy, việc quản lý, điều hành nó phải thực hiện như thế nào?

– Quản lý một tập đoàn lớn là một vấn đề khó. Việc thành lập một tập đoàn kinh tế lớn sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, tích lũy vốn, tạo khả năng cạnh tranh về quy mô, tập hợp những đội ngũ tay nghề đa dạng, có kỹ năng cao… Nhưng nó cũng lại đưa ra thách thức là đội ngũ quản lý của tập đoàn phải nắm bắt nhanh và đáp ứng được nhu cầu quản lý lớn. Từ việc quản lý một TCty có khoảng 50 đầu mối thì bây giờ trở thành tập đoàn sẽ có khoảng 100 đầu mối với các quy mô vốn, quy mô lao động, quy mô hợp đồng… đều phức tạp hơn, đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý phải kiện toàn thật nhanh và nắm bắt nhanh, năng động, sáng tạo thì mới có thể đáp ứng được. Chúng ta đã có những ví dụ về những TCty khi mà hình thành lớn lên thì đội ngũ cán bộ chúng ta đã không đáp ứng được yêu cầu phát triển cho nên đã thất bại. Vì vậy trong việc hình thành tập đoàn lớn này, Chính phủ đặc biệt chú trọng trong việc chọn người cũng như bố trí nhân sự để tạo điều kiện cho đội ngũ đó phát triển nhanh và đáp ứng nhu cầu về quản lý quy mô lớn.

phó Thủ tướng có e ngại việc thành lập các tập đoàn kinh tế của Việt Nam chỉ là sự cộng lại của nguồn nhân lực cũng như nguồn vốn?

– Đây là một câu hỏi rất hay vì chúng ta cũng đã có những ví dụ như về những “bị khoai tây” mà trong quá khứ chúng ta đã mắc phải khi hình thành những TCty 91. Cho nên, để tập đoàn phát triển nhanh sẽ chính là do năng lực của những đội ngũ lãnh đạo, phải hình thành sớm được bộ máy lãnh đạo, xây dựng những tiêu chuẩn về quản lý, các mục tiêu DN và những nếp văn hóa của DN để không có những phân biệt về những TCty trong tập đoàn với nhau. Tập đoàn phải xây dựng ra được những mục tiêu cũng như mục đích chung của tập đoàn, những giá trị chung của tập đoàn để từng CBCNV thấy rằng những mục tiêu của mình, những giá trị của chúng ta phát triển là chung. Đầu tiên là mục tiêu phát triển đất nước, sau đó đến mục tiêu phát triển Tập đoàn và mục tiêu phát triển thịnh vượng cho tập thể CBCNV. Cho nên việc xây dựng một nếp văn hóa, nếp làm ăn, nếp quản lý cho tập đoàn đòi hỏi một năng lực quản lý của đội ngũ lãnh đạo phải cập nhật thật nhanh và đáp ứng thật nhanh thì mới có thể phát triển một cách bền vững được. Việc các tập đoàn sớm đi vào ổn định, sớm đi vào phát triển chính là nhờ vào năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo mà Chính phủ đã quyết định.

Chẳng hạn như với Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam, bài toán cần giải cho sáu thương hiệu Sông Đà, LILAMA, LICOGI, COMA, DIC, Sông Hồng để xây dựng một thương hiệu mới của Tập đoàn thì sẽ được giải như thế nào?

– Đây là một câu hỏi khó và câu hỏi này cõ lẽ dành cho những lãnh đạo Tập đoàn. Nhưng theo tôi, việc đã hình thành Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng rồi thì việc hình thành sớm những thương hiệu cũng như xây dựng những tiêu chuẩn uy tín của Tập đoàn là việc cấp bách cần phải làm ngay. trong tập đoàn vẫn có những thương hiệu riêng và những thương hiệu ấy cũng không mất đi vì nó đã tồn tại và phát triển trong nhiều năm nay. Nhưng những thương hiệu của tập đoàn ấy phải tập trung vào mục tiêu là phục vụ và phát triển cho uy tín của tập đoàn. Nếu phát triển một cách rời rạc và kém thống nhất thì sẽ làm giảm đi uy tín thương hiệu của tập đoàn lớn và ảnh hưởng đến những giá trị chung. Các DN cần hiểu rằng mình phát triển được thì giá trị của mình chính là từ giá trị tập đoàn và từ đó chúng ta mới đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra. Đó là tạo ra tập đoàn có quy mô lớn, có thương hiệu và uy tín lớn, có khả năng cạnh tranh lớn hơn so với những TCty trước đây.

trân trọng cảm ơn phó Thủ tướng!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *