Q.9, TP.HCM: Mịt mù khói bụi

Sản xuất gạch ngói nung thủ công tại Q.9 (Tp.HCM) là một nghề truyền thống của nhiều  gia đình. Nhưng các lò gạch xây dựng theo công nghệ cũ đã gây ô nhiễm nặng nề. Vì vậy việc di dời các lò gạch ra khỏi khu dân cư là vấn đề bức xúc của đông đảo nhân dân.

Sống cùng khói bụi

Theo thống kê của phòng Kinh tế Q.9, hiện nay trên địa bàn quận còn tồn tại khoảng 76 cá thể, hộ gia đình sản xuất kinh doanh gạch nung, tập trung chủ yếu tại 2 phường Long Bình và Long Thạnh Mỹ. Để tiết kiệm nhiên liệu giảm giá thành, các lò này đã dùng mùn cưa, trấu, củi tạp và thậm chí cả vỏ xe, dầu cặn để đốt, từ đó tạo ra nhiều khói hơn, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.


Các lò gạch xây dựng theo công nghệ cũ đã gây ô nhiễm nặng nề,
là vấn đề bức xúc của đồng bào nhân dân.

Đi dọc đường Nguyễn Xiển qua khu vực Cầu Ông Tán (p.Long Bình), tôi không khỏi xót xa khi con đường bụi bay mù mịt, nhà cửa 2 bên đường nhuộm màu đen của khói bụi lò gạch, đỏ của bụi đất cát. Nhà nào nhà nấy đều cửa đóng then cài, tìm mãi mới thấy một nhà mở cửa, tôi lân la vào hỏi chuyện thì ông Nguyễn Văn Ba ngụ tại ấp Cầu Ông Tán bức xúc: “Mỗi khi các lò đồng loạt đốt thì các nhà xung quanh phải đóng cửa để tránh khói bụi bay vào. Một số lò tận dụng củi tạp, vỏ hạt điều, dầu cặn để đốt lò nên khói không bốc lên cao mà bay tà tà, có khi chui vào cả trong nhà dân. Những tháng gạch được giá, các lò hoạt động hết công suất khiến khói bụi bao trùm ngày này qua ngày khác. Những người sống ở quanh đây hay bị ho, viêm phổi, trẻ em thì bị viêm phế quản…”.

Ngoài khói bụi từ các lò xả ra thì việc các xe vận tải vào ra các lò, các bãi than liên tục, làm rơi vãi đất cát trên đường cũng gây ô nhiễm. “Nắng bụi mưa sình”, đó là tình trạng phổ biến ở các con đường Nguyễn Xiển, đường số 11, đường số 6… thuộc phường Long Bình và Long Thạnh Mỹ.

Vướng mắc khi di dời

Ngày 24/7/2000 Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định 15/2000/QĐ-BXD về việc quy định đầu tư sản xuất gạch ngói đất sét nung. Với chỉ tiêu đến năm 2005 loại ra khỏi vùng ven đô thị các lò thủ công và tiến tới năm 2010 không còn lò thủ công sản xuất gạch ngói đất sét nung tại tất cả các địa phương. Thế nhưng gần hết năm 2009 rồi mà trên địa bàn Q.9, Tp.HCM vẫn còn tồn tại nhiều lò gạch không đạt chuẩn về môi trường.

trao đổi với chúng tôi bà Cao Đoàn Ngọc Thủy – phó chủ tịch UBND p.Long Bình cho biết: “Hiện nay cả phường còn khoảng 50-60 lò gạch thuộc diện phải di dời, theo lịch trình thì đến tháng 6/2010 tất cả các lò này sẽ phải đóng cửa hoặc phải chuyển ra khỏi khu dân cư. Một số lò nằm trong vùng quy hoạch thì đang tiến hành bàn giao mặt bằng cho các dự án, số còn lại sẽ tiến hành theo kế hoạch dưới sự chỉ đạo của quận và tham mưu của phòng TN&MT”.

Ông Lê Văn phải chủ lò gạch tại 58D58 ấp Cầu Ông Tán tâm sự: “Kế hoạch của chính quyền chúng tôi đã biết và sẵn sàng ủng hộ chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên để chuyển đổi theo công nghệ mới – lò hút chân không thì không phải ai cũng làm được, vì số vốn đầu tư vào xây dựng lò quá lớn, cần tới trên 10 tỷ đồng. Đến thời điểm di dời thì đành chấp nhận dỡ bỏ, rồi sau đó đi làm thuê làm mướn kiếm sống”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do p.Long Bình là một địa phương đặc thù có nhiều lò gạch thủ công nhất, nên năm 2004 UBND Q.9 đã ban hành quyết định 2088/QĐ-UB phê duyệt xây dựng dự án khu sản xuất VLXD Long Sơn tại p.Long Bình với diện tích 25ha. Hiện tại khu này đang gấp rút xây dựng kết cấu hạ tầng, để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *