Luật Đấu thầu và các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Đấu thầu ban hành từ năm 2005 nhằm mục tiêu tăng cường tính công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh trong quá trình lựa chọn nhà thầu và hiệu quả kinh tế. Thực tế hiện nay, công tác đấu thầu trong nước đối với các dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn Nhà nước tuy trình tự cơ bản được thực hiện theo các quy định nhưng kết quả đạt được còn hạn chế, chủ yếu mới chỉ đạt được về lựa chọn được nhà thầu, còn hiệu quả kinh tế đạt được trong đấu thầu không đáng kể và đã xuất hiện hiện tượng lợi dụng công tác đấu thầu để hợp thức những kết quả trúng thầu chứa đựng những sai phạm làm thất thoát vốn đầu tư của Nhà nước. Qua kết quả thanh tra một số dự án đầu tư xây dựng do Thanh tra Bộ Xây dựng thực hiện cho thấy công tác đấu thầu còn một số tồn tại như: 1. Chất lượng công tác thiết kế, lập, thẩm định, phê duyệt dự toán (giá gói thầu) chưa tốt làm giá gói thầu tăng vượt giá trị thực tế như: + Về hồ sơ thiết kế: Tính toán xác định khối lượng giữa các hạng mục không chính xác làm tăng giá ở một số gói thầu. + Về lập hồ sơ mời thầu: do mời hạng mục công việc quá tổng hợp như không phân các loại đất, đá theo từng cấp riêng biệt dẫn đến trong quá trình thi công không quản lý và nghiệm thu khối lượng theo thực tế. + Về công tác lập dự toán: nhiều gói thầu do vô tình hoặc cố ý các nhà tư vấn áp dụng định mức, đơn giá, giá vật liệu không phù hợp làm tăng giá gói thầu lên nhiều so với giá trị thật làm thất thoát vốn đầu tư. + Về công tác đánh giá hồ sơ dự thầu: do những sai sót của tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu, của chủ đầu tư đã bỏ qua những lỗi tiên quyết (đối với nhà thầu được trúng thầu) mà theo quy định nếu nhà thầu nào không đạt bị loại ngay khi đánh giá sơ tuyển. 2. Kết quả đấu thầu qua các số liệu tổng hợp: giá gói thầu trúng thầu luôn sát với giá gói thầu được duyệt, tỷ lệ giảm thầu không đáng kể khoảng 0,5% như tại dự án A khu vực phía Bắc gồm 10 gói thầu tỷ lệ giảm giữa giá trúng thầu so với giá gói thầu trung bình là 0,58%. Dự án tại khu vực miền trung, gồm 16 gói thầu tỷ lệ giảm giữa giá trúng thầu so với giá gói thầu trung bình là 0,4%. Dự án C tại khu vực phía Nam, gồm 9 gói thầu tỷ lệ giảm giữa giá trúng thầu so với giá gói thầu trung bình là 0,21% và kết quả trúng thầu cao hơn giá trị thật của gói thầu Như vậy công tác tổ chức đấu thầu mất nhiều thời gian từ thông báo mời thầu, chuẩn bị hồ sơ mời thầu, mở thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, trình và phê duyệt kết quả đấu thầu khoảng thời gian từ 4 – 6 tháng, làm chậm thời gian khởi công công trình nhưng hiệu quả đạt được không tương xứng và thậm chí không bằng thực hiện theo hình thức chỉ định thầu và thực hiện tiết kiệm 3 – 5%. Như vậy khi xem xét riêng từng vi phạm thì chỉ có thể coi đó là những sai sót không cố ý hay vô tình với nhiều lý do là năng lực còn hạn chế hoặc những lý do khác. Nhưng xâu chuỗi và hệ thống lại mới thấy rằng tất cả những sai sót đó đều nghiêng lệch về một hướng là làm tăng giá trị gói thầu và gây thất thoát vốn đầu tư Nhà nước. Để hạn chế những thất thoát trong công tác đầu tư dự án xây dựng công trình cần quan tâm và thực hiện hai việc sau: Một là nâng cao chất lượng công tác thiết kế và lập dự toán chi phí xây dựng công trình là những hành vi để xảy ra thất thoát nêu trên và cần hoàn thiện văn bản pháp luật để xử lý trách nhiệm của các đơn vị có trách nhiệm trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán cũng như trong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu. Hai là khi các quy định pháp luật còn có khe hở bị lợi dụng, giữa chủ đầu tư và nhà thầu đặc biệt là nhà thầu tư vấn còn có những mối quan hệ mà pháp luật chưa có quy định để hạn chế sự ảnh hưởng đó, thì việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu thực tế lại chứng tỏ được hiệu quả hơn cả về thời gian và kinh tế. |
Qua thanh tra một số dự án đầu tư xây dựng: Những bất cập trong công tác đấu thầu
73