Trang chủ » Quản lý khai thác khoáng sản làm VLXD: Một số giải pháp

Quản lý khai thác khoáng sản làm VLXD: Một số giải pháp

bởi Kien Truc - Kientruc.vn

Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội một số giải pháp quản lý công nghiệp khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD. Theo đó: Công tác điều tra cơ bản về địa chất các khoáng sản làm VLXD phải tiến hành đi trước một bước để phục vụ cho việc lập và điều chỉnh bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD.

Tăng cường công tác quản lý và rà soát điều chỉnh, bổ sung các mỏ khoáng sản vào quy hoạch khoáng sản làm VLXD, khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng giai đoạn 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Quy hoạch khoáng sản làm VLXD thông thường của địa phương phải phù hợp với quy hoạch khoáng sản làm VLXD của cả nước.

Các mỏ khoáng sản làm VLXD (đá vôi làm xi măng; cát trắng thạch anh; đá vôi trắng tinh khiết; cao lanh, fenspat …) có quy mô công nghiệp, trữ lượng lớn và trung bình hoặc các mỏ trước đây địa phương đã cấp phép khai thác phải đưa vào quy hoạch giao cho các Bộ quản lý ngành để chỉ đạo việc thăm dò, khai thác, sử dụng cho công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản của cả nước.

Đề nghị các địa phương không cho phép đầu tư các dự án xây dựng đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch có ảnh hưởng tới nguồn khoáng sản cát trắng có đủ tiêu chuẩn sản xuất VLXD hoặc phải có phương pháp khai thác thu hồi trước khi đầu tư dự án; quản lý chặt chẽ, rà soát việc cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường có ảnh hưởng tới các mỏ khoáng sản đá vôi xi măng, ốp lát, đá trắng… Có biện pháp giảm kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm trong nước đã sản xuất được để thúc đẩy phát triển một số sản phẩm hiện trong nước có tiềm năng về nguyên liệu sản xuất.

Về phân cấp quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, cần phân giao nhiệm vụ cấp phép khai thác khoáng sản cho cơ quan lập và quản lý quy hoạch khoáng sản. Như vậy, việc cấp phép khai thác gắn với cơ quan quản lý khai thác, chế biến và sử dụng sẽ đảm bảo cân đối cung cầu, nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước.

Về thẩm quyền lập quy hoạch khoáng sản: trong dự thảo Luật Khoáng sản mới cần giữ nguyên như quy định tại Luật Khoáng sản hiện hành, nên tiếp tục giao cho Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương (hiện nay là cơ quan quản lý công nghiệp khai thác) lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, không nên tách thành các quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản và quy hoạch chế biến, sử dụng khoáng sản như dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) vì sẽ phức tạp và hạn chế thẩm quyền của cơ quan quản lý khai thác, chế biến khoáng sản nói chung và khoáng sản làm VLXD nói riêng.

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.