|
KTĐT – Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) Công an Hà Nội cho biết, vừa triển khai chuyên đề kiểm tra nhà cao tầng nhằm thực hiện kế hoạch ngăn chặn cháy lớn (kéo dài từ 15/9 đến 15/11).
|
Cách đây không lâu, người dân ở tòa nhà Housing Tower (Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) bị một phen tá hỏa vì cháy… kho đựng rác của tòa nhà. Kho chứa rác này được bố trí gần khu vực cầu thang bộ, khi phát hiện cháy, khói xông lên mù mịt theo đường ống kim loại chạy dọc từ tầng hầm lên tới tầng 12.
Lực lượng cứu hỏa nhanh chóng có mặt nhưng không thể tiếp cận ngay được tòa nhà do lối vào bị chiếm dụng, dưới tầng hầm có rất nhiều ôtô và hàng trăm xe máy không được sơ tán, gây cản trở.
Tiếp đó, vụ cháy tầng hầm tòa nhà A khu chung cư Mỹ Đình 1, Hà Nội gần đây đã thiêu rụi ba ôtô và làm hư hỏng nhiều xe khác. Nhưng điều khiến nhiều người dân bức xúc là khi xảy ra cháy, lực lượng bảo vệ của tòa nhà chỉ biết khoanh tay đứng nhìn, phó mặc cho người dân tự thoát thân.
Hết đường chạy
Đường vào ba tòa nhà F3, F4, F5 khu đô thị Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) bị hai khối đá to án ngữ, chỉ chừa một khoảng vừa lọt cho hai xe máy tránh nhau. Tương tự, lối vào khu chung cư tái định cư Nam Trung Yên cũng bị chặn bởi hai cọc bêtông kiên cố, nếu xảy ra sự cố xe chữa cháy không thể đi qua để tiếp cận dập lửa. Một người dân cho biết, đã phản ảnh đến ban quản lý nhiều lần nhưng vẫn không thấy ai khắc phục.
Mới đây, lực lượng chức năng kiểm tra hai tòa nhà N2E, N2F thuộc khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, phát hiện hệ thống báo cháy tự động của tòa nhà không còn hoạt động. Nhiều thiết bị chữa cháy khác đã “ngủ đông”, nguy hiểm hơn lối thoát hiểm đã bị chiếm dụng, lỡ xảy ra hỏa hoạn thì người dân… hết đường chạy.
Một cán bộ Phòng cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, rất nhiều tòa nhà chung cư mắc các lỗi như: hệ thống dây dẫn, bình cứu hỏa xuống cấp không hoạt động, khoang chứa rác không được đậy kín, trần thiết kế bằng vật liệu dễ bắt lửa, câu móc dây điện lộn xộn, lối vào bị cản trở, chiếm dụng…
“Những vi phạm tưởng chừng nhỏ nhưng khi xảy ra cháy nổ thì hậu quả khôn lường. Nhiều chủ đầu tư, đơn vị quản lý các tòa nhà biết rõ điều này nhưng vẫn cứ thong dong theo kiểu bò chưa mất nên chẳng lo chuồng” – vị cán bộ này cho biết.
Kẹt trong thang máy 20 phút
Kiểm tra 274 nhà cao 10 tầng trở lên Thượng tá Nguyễn Đình Bính – phó trưởng Phòng cảnh sát PCCC Hà Nội – cho biết, đang triển khai kiểm tra 274 nhà cao tầng (từ 10 tầng trở lên) ở Hà Nội về các điều kiện an toàn kỹ thuật phòng chống cháy nổ. “Bước đầu kiểm tra cho thấy, rất nhiều khu chung cư cao tầng thuộc diện tái định cư có nhiều vi phạm nhất. Đặc biệt, nhiều khu đô thị nổi tiếng là hiện đại bậc nhất ở Hà Nội như Trung Hòa – Nhân Chính, Linh Đàm, Định Công cũng xảy ra nhiều vi phạm” – ông Bính cho biết. |
Không chỉ có “bà hỏa” đe dọa, mới đây, hàng chục người ở tòa nhà CT1, khu đô thị Mỹ Đình – Mễ Trì hoảng loạn khi bị kẹt trong thang máy hàng chục phút do mất điện.
Anh Phan Anh Tuấn, chủ căn hộ 2204 – CT1, cho biết: “Mất điện kéo dài gần năm giờ, thang máy ngừng hoạt động khiến trẻ con không thể đi học, người lớn phải cuốc bộ leo cầu thang lên xuống hàng chục tầng đi chợ, tới công sở”.
Anh Đỗ Minh Hải (căn hộ 1906 – CT1) kể lại: “Thang máy đột ngột dừng lại, xung quanh tối om, rất may tôi mang theo điện thoại nên mới soi thấy số đường dây nóng để gọi cứu hộ, phải hơn 20 phút sau lực lượng bảo vệ mới có mặt cứu tôi ra ngoài”.
Anh Hải cho biết, khi bị kẹt không có ai gọi điện vào thang máy để kiểm tra, nếu người già, trẻ con thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra vì họ thường không có điện thoại để liên lạc.
Một bảo vệ phụ trách tại khu đô thị Mỹ Đình – Mễ Trì cho hay, quy định cứu nạn thuộc về lực lượng bảo vệ nhưng do mỗi người được bố trí một nhiệm vụ độc lập như an ninh, thường trực nên khi xảy ra sự cố thì hỗn loạn vì nghiệp vụ kém và thiếu sự chỉ đạo thống nhất.
Chưa thông thạo
Ông Lê Trần Sinh – Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Sudico (đơn vị quản lý các tòa nhà của Sudico tại khu đô thị Mỹ Đình – Mễ Trì) – thừa nhận, mặc dù đã được huấn luyện về nghiệp vụ nhưng lực lượng bảo vệ vẫn chưa thật sự thông thạo các biện pháp cứu hộ cứu nạn.
“Sự cố kẹt trong thang máy ít gặp và xảy ra đột ngột nên việc xử lý còn lúng túng. Chúng tôi sẽ mở lớp đào tạo nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ của công ty” – ông Sinh khẳng định.
Anh Trần Tùng Dương – chuyên viên kỹ thuật của Công ty thang máy Thuyssen Krupp Việt Nam – cho biết, khi xảy ra sự cố về thang máy cần yêu cầu ngay sự hỗ trợ của nhân viên kỹ thuật, không được tự ý cứu hộ dễ xảy ra rủi ro.
Anh Dương cho hay, mặc dù các đơn vị cung cấp thang máy sẵn sàng hỗ trợ tập huấn nghiệp vụ sử dụng, cứu hộ thang máy nhưng khách hàng sau khi lắp đặt ít khi yêu cầu, chỉ khi sự cố xảy ra mới cầu cứu sự giúp đỡ.
Theo Tuổi Trẻ