UBND TP vừa ban hành Quyết định số 56/2009/QĐ-UBND, về quy định quản lý, xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị và cải tạo, sắp xếp lại đường dây đi nổi trên địa bàn thành phố.
Bắt buộc khu đô thị, tuyến đường mới mở phải hạ ngầm dây
Theo quyết định mới, các chủ đầu tư các khu đô thị mới, khu nhà ở và các khu công nghiệp, trung tâm dịch vụ thương mại mới và các tuyến đường mới xây dựng hoặc cải tạo mở rộng phải đầu tư xây dựng các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật để lắp đặt ngầm các đường dây điện lực, viễn thông, chiếu sáng và các loại cáp khác.
Đối với các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở và các khu công nghiệp, trung tâm dịch vụ thương mại mới và các tuyến đường mới phải có sự chấp thuận của Sở QHKT về vị trí, hướng tuyến xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật. Đơn vị sử dụng công trình ngầm và sử dụng hệ thống cột để lắp đặt đường dây đi nổi phải ký hợp đồng thuê bao với đơn vị quản lý công trình hạ tầng đô thị. Hồ sơ thiết kế đường dây đi nổi, thiết kế công trình ngầm và lắp đặt tuyến dây trong công trình ngầm phải được thẩm dịnh theo quy định. Các đơn vị quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, cột, đường dây hiện có trên địa bàn Hà Nội phải thống kê đăng ký với Sở Xây dựng về các công trình mình đang quản lý và chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì bảo đảm an toàn và mỹ quan đô thị.
Nghiêm cấm các đơn vịtùy tiệnlắp đặtđường dây cáp đi nổi
Thiết kế công trình ngầm hạ tầng đô thị trên các tuyến đường phố mới phải thực hiện theo quy hoạch xây dựng. Trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt việc xây dựng công trình ngầm phải được sự chấp thuận của Sở QHKT. Thiết kế công trình ngầm phải phù hợp với đặc điểm tuyến phố, cụ thể. Đối với tuyến phố có mặt cắt ngang rộng, có hai làn đường mỗi làn rộng từ 11,5m trở lên và có dải phân cách giữa, hè rộng từ 5m trở lên phải thiết kế hào kỹ thuật để hạ ngầm dây. Đối với các tuyến phố có mặt cắt ngang đường rộng từ 11,5m trở xuống, hè nhỏ hơn 5m hoặc các tuyến phố có mặt cắt lớn hơn 11,5m nhưng vướng nhiều công trình ngầm không thể bố trí hào kỹ thuật, phải thiết kế cống, bể kỹ thuật để hạ ngầm dây. Khi thiết kế cống, bể, hào kỹ thuật, đơn vị thiết kế phải phối hợp với đơn vị quản lý, sử dụng đường dây để thiết kế công trình đáp ứng đủ nhu cầu hạ ngầm dây. Trước khi thi công công trình hạ ngầm, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải thông báo với UBND phường, xã thị trấn sở tại để phối hợp giám sát trong quá trình thi công.
Việc cải tạo, sắp xếp đường dây đi nổi phải bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật và mỹ quan đô thị. Các cột không bảo đảm an toàn và khả năng chịu tải phải được thay thế hoặc bổ sung thêm cột. Không được treo thêm đường dây, cáp mới đối với các tuyến chưa được sắp xếp và chưa hạ ngầm theo quy định. Trong trường hợp cần thiết, Sở Xây dựng cấp phép có thời hạn treo tạm đường dây, cáp phục vụ cho việc cung cấp tạm nguồn điện hoặc thông tin liên lạc. Hết thời gian cung cấp tạm phải tháo dỡ các đường dây, cáp treo tạm thời. Đối với các hệ thống đường dây có trước quyết định này, yêu cầu các đơn vị quản lý đường dây có trách nhiệm thực hiện việc kéo lại dây chùng, võng, tháo bỏ các đường dây không sử dụng, dây cuộn dự phòng đang treo trên cột. Nghiêm cấm các đơn vị tùy tiện lắp đặt đường dây cáp đi nổi.
UBND TP cũng giao cho Sở Xây dựng là đơn vị được cấp phép xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị và cải tạo sắp xếp đường dây đi nổi. Trong tháng 5/2009, Sở công bố danh mục các tuyến hạ ngầm, các tuyến sắp xếp, chỉnh trang đường dây đi nổi. UBNDTP khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực tham gia đầu tư xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật và cải tạo xây dựng mới hệ thống cột. Khi tham gia công tác xã hội hóa này, các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ và ưu đãi theo quy định hiện hành.
Trần Quý