Theo đồ án quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội, với vai trò là đô thị hạt nhân, Hà Nội tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của không gian vùng và tập trung phát triển các trung tâm cấp độ vùng và quốc gia – Ảnh: H.tr. |
Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được kỳ vọng sẽ đưa đô thị Hà Nội phát triển bền vững theo mô hình kết nối mạng đa cực, đa trung tâm, đa tầng bậc.
Thủ đô sẽ gồm đô thị trung tâm hạt nhân được giới hạn từ đô thị lõi mà chủ yếu là khu phố cổ, phố cũ đến tuyến đường vành đai IV (phía Tây) và phía bắc sông Hồng đến khu vực Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm. Cùng đó là 5 đô thị vệ tinh được xác định là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, phú Xuyên – phú Minh và Sóc Sơn. Ngoài ra, Hà Nội còn có nhiều đô thị sinh thái, thị trấn hiện hữu khác. |
Theo số liệu được tính đến hết ngày 28-4, tức là sau 8 ngày tổ chức triển lãm lấy ý kiến nhân dân về "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” tại trung tâm triển lãm Vân Hồ (số 2 phố Hoa Lư, Hà Nội), Ban tổ chức đã đón hơn 16.000 lượt khách đến tham quan, phát trên 6.700 phiếu trưng cầu ý kiến và thu về khoảng 3.000 phiếu góp ý.
phiếu thăm dò ý kiến tập trung vào 15 vấn đề lớn: định hướng phát triển không gian; các đô thị về tinh, thị trấn, thị tứ; quy hoạch hạ tầng xã hội; giao thông; hạ tầng kỹ thuật; bảo vệ môi trường; bảo tồn di sản; nông thôn mới; trung tâm hành chính quốc gia; trục Thăng Long kết nối với khu vực Hồ Tây với núi Ba Vì; liên kết vùng; đô thị sông Hồng; quản lý, phát triển đô thị; hành lang xanh; vành đai xanh.
Kết quả các phiếu thăm dò thu về cho thấy bình quân tỷ lệ các ý kiến đồng ý tại 15 vấn đề nêu ra là 84,48%. Vấn đề quy hoạch hạ tầng xã hội thu được sự đồng thuận cao nhất với 92,09%, tiếp đến là hành lang xanh (90,29%) và vành đai xanh (89,79%). Hai vấn đề có tỷ lệ đồng thuận thấp nhất là vị trí trung tâm hành chính Quốc gia (69,38%) và trục Thăng Long kết nối với khu vực Hồ Tây với núi Ba Vì (76,47%).
Theo Địa Ốc TTO